11:06 01/04/2011

Điều gì đã đẩy Nhật vào khủng hoảng hạt nhân?

Hồng Ngọc

Nhật Bản đã phát hiện chất phóng xạ cao gấp khoảng 10.000 lần mức cho phép trong nước ngầm quanh lò 1, nhà máy điện Fukushima số 1

Sáng 29/3, Thủ tướng Nhật Naoto Kan cho biết, tình hình tại nhà máy điện Fukushima số 1 là rất khó lường.
Sáng 29/3, Thủ tướng Nhật Naoto Kan cho biết, tình hình tại nhà máy điện Fukushima số 1 là rất khó lường.
Hôm 31/3, Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan cho biết sẽ xem xét lại kế hoạch xây dựng của ít nhất 14 lò phản ứng hạt nhân dự kiến hoàn thành trước năm 2030. Trong kế hoạch phát triển năng lượng tháng 6/2010, Nhật Bản định hướng lấy năng lượng hạt nhân làm nguồn năng lượng chính trong trung và dài hạn.
 
Chặn kiểu nào?

Theo các báo Nhật Bản, Chính phủ Nhật Bản đang thảo luận các phương án ngăn ngừa, không cho các chất phóng xạ tiếp tục rò rỉ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 đang gặp sự cố ra bên ngoài. Nhật Bản cũng đang huy động mọi công nghệ để giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân. Tuy nhiên, nước này dường như vẫn bế tắc trong việc xử lý các sự cố tại nhà máy trên.

Hôm 31/3, hãng tin Kyodo cho hay, Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan đã khẳng định sẽ phải phá hủy nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1. Thông tin này được ông Kazuo Shii, Chủ tịch đảng Cộng sản Nhật Bản, đưa ra tại một cuộc họp báo sau khi gặp Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan.

Tepco cũng thừa nhận không tránh khỏi phải phá hủy bốn lò phản ứng của nhà máy một khi hoàn tất các chiến dịch làm nguội. Theo kênh truyền hình NHK, chính quyền đã lên kế hoạch chôn nhà máy bằng cách bao phủ các lò phản ứng bằng một loại hợp chất đặc biệt, sau đó trùm thêm một lớp vải dầu công nghệ cao nhằm ngăn chặn phóng xạ rò rỉ ra ngoài.

Đây là những bước mà các kỹ sư Liên Xô từng thực hiện để xử lý thảm họa Chernobyl. Cuối cùng họ đã chôn vùi nhà máy Chernobyl trong một hộp bêtông khổng lồ. Chánh Văn phòng Nội các Nhật Yukio Edano cũng thừa nhận chính quyền đã tính đến phương án này.

Theo các báo Yomiuri và Nikkei, hợp chất mà Nhật Bản dự định phủ lên mặt đất xung quanh nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 là một loại nhựa thông đặc biệt. Ở một mức độ nào đó, nguyên liệu này sẽ giúp ngăn ngừa chất phóng xạ lan rộng. Điều này cho phép công việc sửa chữa tại nhà máy này diễn ra thuận lợi hơn.

Các nguồn tin từ Chính phủ Nhật Bản cho biết việc phun nhựa thông trong nhà máy này có thể bắt đầu từ ngày 31/3. Chiến dịch này có thể kéo dài khoảng 2 tuần. Chính phủ dự định sẽ sử dụng một robot điều khiển từ xa để xịt nhựa thông lên khoảng 80.000 m2 trong tổng diện tích 120.000 m2 của nhà máy điện trên.

Để bảo vệ công nhân trước các chất phóng xạ đang phát ra từ các tòa nhà có chứa lò phản ứng, nhất là khi các tòa nhà bêtông chứa lò phản ứng số 1, 3 và 4 đã bị phá hủy nghiêm trọng sau các vụ nổ khí hydro, cần phải xây dựng các tường tạm thời bằng bê tông, chì hoặc vônfram.

Phương án phủ vải dầu lên các tòa nhà có chứa lò phản ứng khó kiềm chế các tia gamma và neutron, nhưng nó có thể ngăn hơi nước có chứa chất phóng xạ lan rộng ra bên ngoài. Tuy nhiên, phương án này cũng cần phải có thời gian bởi vì nó đòi hỏi phải tìm một số lượng lớn vải bền để bao phủ toàn bộ các tòa nhà này.

Theo báo Yomiuri, các phương án trên đang được nghiên cứu bởi nhóm công tác kiểm soát phóng xạ chung Nhật-Mỹ với sự tham gia của các quan chức cấp cao của chính phủ, các chuyên gia hạt nhân của hai nước cũng như Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) và quân đội Mỹ.

Nhóm này do ông Sumio Mabuchi, cố vấn đặc biệt của Thủ tướng Nhật Bản lãnh đạo. Các nguồn tin cho biết trong cuộc họp hôm 29/3, nhóm này đã quyết định tiến hành phương án phun nhựa thông đặc biệt để ngăn các chất phóng xạ lan rộng.

Các chuyên gia cho biết thời gian xử lý thảm họa Nhà máy Fukushima Daiichi sẽ lâu hơn nhiều so với quãng thời gian 12 năm Mỹ trải qua để xử lý sự cố rò rỉ phóng xạ ở Nhà máy điện hạt nhân Three Mile. Theo NHK, một số chuyên gia ước tính Nhật phải mất 30 năm và 12 tỉ USD để chôn vùi nhà máy và làm sạch khu vực này.

Tuy nhiên, theo các báo Nhật, thách thức lớn nhất trong việc xử lý sự cố này là nước có nồng độ phóng xạ cao đang làm ngập các tòa nhà chứa lò phản ứng và tuabin của nhà máy. Một phương án có thể sử dụng là đưa các tàu chở dầu tới bờ biển gần nhà máy điện này để tạm chứa nước bị ô nhiễm phóng xạ.

Hôm qua (31/3), Công ty Điện lực Tokyo (Tepco) cho biết đã phát hiện chất phóng xạ cao gấp khoảng 10.000 lần giới hạn cho phép trong nước ngầm xung quanh lò phản ứng số 1 của nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1. Một quan chức tại công ty này cho hay, mức độ phóng xạ như vậy là "cực kỳ cao".

Bộ Đất đai và Hạ tầng Nhật Bản đã cân nhắc triển khai các thùng chứa dầu sử dụng ở các cảng để thu gom nước có nhiễm phóng xạ và dùng các tàu quân sự của Lực lượng Phòng vệ trên biển để vận chuyển các thùng này ra các tàu chở dầu neo đậu ở ngoài khơi. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng cho rằng phương án này quá mạo hiểm.

Vì vậy, Chính phủ đang cân nhắc xây dựng các cơ sở tạm thời để chứa nước có ô nhiễm phóng xạ bên trong nhà máy. Chính phủ cũng có kế hoạch đặt các thùng lớn ở các khu vực khác trong nhà máy để chứa nước bị ô nhiễm phóng xạ. Song, sức chứa của các thùng này rất hạn chế và việc bơm nước vào các thùng chứa sẽ mất thời gian.

Một ý tưởng khác để loại bỏ các chất phóng xạ trong nước bị ô nhiễm là sử dụng các thiết bị lọc. Do các chất phóng xạ iodine và cesium tồn tại dưới dạng ion trong nước, các thiết bị lọc trao đổi ion có thể sử dụng để loại bỏ các chất phóng xạ trong nước.

Nhưng ý tưởng này khó triển khai trong tình huống khẩn cấp bởi vì việc lắp đặt động cơ, hệ thống ống dẫn và các công việc khác để tạo ra hệ thống lọc nước này tốn khá nhiều thời gian. Vì vậy, ưu tiên hiện nay sẽ là hút nước có nhiễm phóng xạ ra khỏi các tòa nhà có chứa lò phản ứng và tuabin.

Một khi các công nhân có thể tiếp cận các tòa nhà trên, họ có thể bắt đầu khởi động các bơm hơi nước quan trọng. Điều này cho phép nước có thể luân chuyển để làm nguội các thanh nhiên liệu. Nhiều chuyên gia cho rằng điều này sẽ giúp giảm đáng kể nhiệt lượng trong các thùng áp suất.

Tuy nhiên, người ta nghi ngờ rằng một số đường ống dẫn nước làm mát và một số điểm trên hệ thống ống dẫn nước tại nơi có các thùng áp suất sử dụng để cho các thanh kiểm soát đã bị hư hỏng. Vì vậy, việc khôi phục hệ thống nước làm mát phải được tiến hành cực kỳ thận trọng để ngăn ngừa khả năng xảy ra các vụ rò rỉ phóng xạ từ các thùng áp suất này.

Tự tin và che giấu

Theo nhật báo Asahi của Nhật Bản, hai trong số các nguyên nhân khiến Nhật Bản lâm vào cuộc khủng hoảng hạt nhân tồi tệ nhất trong kỷ nguyên năng lượng nguyên tử của nước này là do các nhà khoa học Nhật Bản đã quá tự tin vào công nghệ hạt nhân của mình và việc Tepco che giấu các thông tin, khiến các nhà khoa học không thể đánh giá chính xác mức độ nghiêm trọng cua sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1.

Chuyên gia Atsushi Kasai, người từng lãnh đạo một phòng thí nghiệm của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Nhật Bản (JAEA) cho rằng, thế hệ các nhà khoa học và chuyên gia điều hành nhà máy điện hạt nhân ngày nay có thể đã mù quáng vì quá tự tin vào công nghệ của Nhật Bản. "Năng lượng hạt nhân luôn có mặt xấu, đó là vũ khí hạt nhân và các sự cố", ông nói.

"Chúng tôi đã thành công trong việc chuyển giao công nghệ điện hạt nhân từ thế hệ của chúng tôi tới các thế hệ sau đó, nhưng có thể chúng tôi đã thất bại trong việc chuyển giao khả năng nhận ra những tác hại của năng lượng hạt nhân", ông cho biết thêm.

Ông Kasai đã gia nhập Viện Nghiên cứu năng lượng nguyên tử hạt nhân Nhật Bản (tổ chức tiền thân của JAEA) vào năm 1959, chỉ hai năm trước khi lò phản ứng hạt nhân đầu tiên của Nhật Bản ở Tokai, tỉnh Ibaraki, có phản ứng hạt nhân để tự duy trì.

Ông từng là thành viên của Ủy ban kiểm định An toàn hạt nhân tại JAEA và tham gia nhiều cuộc thanh tra hiện trường sau thảm họa Chernobyl năm 1986 ở Ukraine. Ông cho rằng, thế hệ chuyên gia hạt nhân trẻ hơn dường như tin rằng "các sự cố hạt nhân không thể xảy ra vì công nghệ của Nhật Bản là hàng đầu thế giới".

Ông Kasai cũng lo lắng về việc Tepco không tiết lộ đầy đủ thông tin về các vấn đề hiện nay của nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1. Ông cho biết, họ đã không cung cấp dữ liệu cần thiết để có thể đánh giá chính xác mức độ nghiêm trọng của sự cố và sự lan rộng của phóng xạ.

Theo ông Kasai, các nhà máy điện hạt nhân bắt buộc phải lắp đặt các thiết bị giám sát phóng xạ có khả năng họat động mà không cần nguồn điện. Các thiết bị này cần phải lưu giữ chuỗi số liệu về việc phát thải phóng xạ trong thời gian sau sự cố. Dường như các nhà điều hành nhà máy điện hạt nhân đã khôi phục được dữ liệu khi sự cố xảy ra, nhưng dữ liệu này không được công khai.

Ông Kasai cho rằng, dữ liệu về mức độ phân rã của nhiên liệu hạt nhân tại thời điểm xảy ra sự cố vẫn chưa được công bố. Ông và nhiều chuyên gia hạt nhân khác đã kêu gọi rà soát tổng  thể về các dự kiện dẫn tới thảm họa hạt nhân trên.

Trong khi đó, ông Ayao Tsuge, Chủ tịch Viện nghiên cứu công nghệ Shibaura, nguời từng làm kỹ sư của tập đoàn công nghiệp nặng Mitsubishi và đã thiết kế một loại lò phản ứng khác so với các lò phản ứng tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1, cho biết, ông tin rằng các kỹ sư Nhật Bản có thể "tự hào về sự thật rằng, các lò phản ứng có thể chịu được trận động đất với cường độ 9 độ richter và tự động ngưng hoạt động".

Sau khi nhà máy điện hạt nhân bị ngừng hoạt động, cần phải làm mát lõi lò phản ứng. Các nhà máy này đều được trang bị hệ thống an toàn dự phòng như một nhà máy phát điện chạy bằng diesel và sẽ kích hoạt nếu nguồn điện bên ngoài bị gián đoạn. Tuy nhiên, việc hệ thống xử lý sự cố đa tầng này bị phá hủy sẽ là một thảm họa không thể lường trước.

Vì vậy, theo ông Tsuge, cần phải bắt đầu rà soát lại theo thứ tự thời gian các mệnh lệnh và quyết định được đưa ra trong cuộc khủng hoảng hiện nay. Các công nhân cũng cần phải tưởng tượng ra nhiều tình huống có thể xảy ra do thiên tai.