08:30 12/12/2020

Điều gì đang chờ đợi tân Chủ tịch PVN?

Linh Đan

Có lẽ câu thành ngữ "Làm nghìn việc tốt không ai nhớ, chỉ một lần sai đã thất thời" dường như đã ứng nghiệm vào PVN

Kể từ ngày khai thác tấn dầu thô thương mại đầu tiên vào năm 1987 ở mỏ Bạch Hổ trên thềm lục địa Việt Nam từ giàn MSP-1 đến nay, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), với danh hiệu "người đi tìm lửa", luôn là doanh nghiệp đóng góp lớn nhất cho nguồn ngân sách quốc gia.

Ngay cả giai đoạn khó khăn nhất là từ năm 2015 đến nay, khi mà giá dầu trên thị trường thế giới sụt giảm kéo dài thì hàng năm PVN vẫn đóng góp 9–11% tổng thu ngân sách nhà nước, đóng góp vào GDP cả nước trung bình 10-13%.

Tuy nhiên, có lẽ câu thành ngữ "Làm nghìn việc tốt không ai nhớ, chỉ một lần sai đã thất thời" dường như đã ứng nghiệm vào PVN.

Chưa bao giờ tên tuổi tập đoàn kinh tế hàng đầu Việt Nam này được nói đến nhiều như giai đoạn từ năm 2015 đến nay, khi mà lần lượt 4 chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) cùng hàng chục lãnh đạo, nhân viên của tập đoàn và công ty con bị xử án, rơi vào vòng lao lý!

Câu chuyện gian nan của  "người đi tìm lửa":   Điều gì đang chờ đợi tân Chủ tịch PVN? - Ảnh 1.

VÀNG SON MỘT THỦA

Thật không khó để tìm kiếm những lời khen dành cho PVN giai đoạn trước 2015, khi mà hàng loạt sai phạm khủng chưa phát lộ. Từ tấn dầu thô đầu tiên khai thác vào năm 1986, đến hết năm 1987 PVN đã bán được 235.700 tấn dầu với tổng giá trị hợp đồng 31 triệu USD. Trên dòng thông tin của PVN từng ghi rằng "Dòng ngoại tệ mà PVN sử dụng thông qua hoạt động xuất nhập khẩu, sản xuất kinh doanh, thanh toán quốc tế... đã hỗ trợ đắc lực cho hoạt động dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước cũng như trở thành "gối đệm" cho thị trường tiền tệ nước nhà...".

Quả đúng như vậy, khi mà nền kinh tế Việt Nam vừa có những thay đổi sau năm 1986 và đang trong thời kỳ bị cấm vận thì dòng ngoại tệ PVN đem về cho đất nước như mở ra một chương mới cho nền kinh tế vốn bị "bế quan tỏa cảng" này.

Theo báo cáo của PVN, trong giai đoạn 2006-2015 trung bình mỗi năm PVN đóng góp từ  20 - 25% tổng thu NSNN và 18-25% GDP cả nước. Đến năm 2015, PVN mới gặp khó khăn vì giá dầu thế giới bấp bênh, có những thời điểm tụt xuống mức rất thấp và kéo dài đến nay. Tuy nhiên PVN cùng các công ty thành viên của mình vẫn thực hiện nhiệm vụ với tỷ lệ nộp NSNN chiếm tỷ trọng 9 -11% tổng thu ngân sách chung của Nhà nước và chiếm 16,5-17% tổng thu ngân sách Trung ương, đóng góp cho GDP cả nước trung bình mỗi năm 10-13%.

Đến nay PVN đã xây dựng được hệ thống công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ từ tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí đến phát triển công nghiệp khí - điện - chế biến và dịch vụ dầu khí. Hiện PVN đang triển khai thực hiện 62 hợp đồng dầu khí trong nước với các mỏ khai thác, thăm dò phủ hầu hết diện tích vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của thềm lục địa Việt Nam.

Nhìn lại chặng đường 45 năm qua, có thể thấy không một tấm bằng khen, huân hoặc huy chương nào có thể ghi nhận được hết những đóng góp của PVN cho nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian hơn một thập kỷ (2005 – 2017), PVN dưới sự lãnh đạo liên tiếp của 4 vị chủ tịch HĐTV đã có nhiều quyết định sai lầm dẫn đến nhiều tỷ USD bị mất trắng. Câu chuyện chỉ thực sự lên đến "cao trào" từ năm 2015 đến 2017 và đây được xem là giai đoạn "bóng đêm phủ kín người đi tìm lửa".

Đây cũng là thách thức cho tân Chủ tịch HĐTV Hoàng Quốc Vượng, người vừa ngồi vào chiếc ghế lãnh đạo cao nhất của PVN gần 1 tháng qua".

Câu chuyện gian nan của  "người đi tìm lửa":   Điều gì đang chờ đợi tân Chủ tịch PVN? - Ảnh 2.

4 ĐỜI LÃNH ĐẠO LIÊN TIẾP SAI PHẠM

Trong giai đoạn từ giữa năm 2015 đến cuối năm 2017, hàng chục cán bộ từ cao cấp đến trên công ty mẹ đến lãnh đạo công ty con của PVN liên tục bị khởi tố, bắt giam, truy nã trên toàn cầu. Đáng nói trong số đó có 4 cái tên từng được hơn 60.000 cán bộ, nhân viên trong hệ thống PVN "tung hô", đó là các vị nguyên Chủ tịch HĐTV Đinh La Thăng, Phùng Đình Thực, Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Quốc Khánh... Như vậy, đến thời điểm này, PVN - doanh nghiệp được mệnh danh là "quả đấm thép" của nền kinh tế, lại đang là doanh nghiệp có nhiều lãnh đạo cấp cao ngồi tù nhất trong số các doanh nghiệp nhà nước.

Giữ cương vị Chủ tịch HĐTV của PVN giai đoạn 2005-2011 là ông Đinh La Thăng. Hiện ông Thăng đang chịu tổng mức án là 31 năm tù vì làm thất thoát 800 tỷ đồng trong vụ góp vốn vào Oceanbank và liên quan đến Tổng công ty CP Xây lắp dầu khí (PVC). Tuy nhiên số "lịch phải bóc" của ông Đinh La Thăng chưa dừng lại đó vì ông mới bị khởi tố thêm tội liên quan đến dự án Ethanol Phú Thọ...

Giai đoạn 2011 – 2014, ông Phùng Đình Thực giữ chức vụ Chủ tịch HĐTV PVN và hiện ông đang thụ lý 6 năm tù về tội: "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

Người ngồi ghế Chủ tịch HĐTV PVN giai đoạn 2014-2015 là ông Nguyễn Xuân Sơn và đã bị tuyên mức án cao nhất với các tội danh là "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ gây hậu quả nghiêm trọng" và "Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

Chủ tịch HĐTV PVN giai đoạn 2016 - 2017 là ông Nguyễn Quốc Khánh đang chịu mức án 7 năm tù về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

TIỀN ĐẦU TƯ RA NƯỚC NGOÀI KHÔNG THU HỒI ĐƯỢC

Trong giai đoạn hơn một thập kỷ (từ năm 2005 đến 2017), PVN cũng được xem là doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài nhiều nhất. Cụ thể, PVN và các đơn vị thành viên đã triển khai 27 dự án đầu tư ra nước ngoài với tổng vốn đăng ký khoảng 7,1 tỷ USD và tổng số vốn đã chuyển ra nước ngoài là khoảng 3,12 tỷ USD.

Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, trong số các dự án của PVN và đơn vị thành viên đầu tư ra nước ngoài có một số dự án đúng tiến độ, còn lại 6 dự án chậm tiến độ, 12 dự án gặp khó khăn vướng mắc và 7 dự án không có khả năng triển khai thực hiện. Đến hết năm 2019 lợi nhuận và tiền đã chuyển về nước từ các dự án đầu tư ra nước ngoài của PVN là gần 2 tỷ USD.

Cụ thể, PVN đã vung tiền vào 13 dự án tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí mà không mang lại hiệu quả. Bộ Công Thương từng báo cáo Thủ tướng về việc này và trong báo cáo đã cho biết: 13 dự án tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí của PVN hầu hết đều không hiệu quả, hiện một số dự án buộc phải dừng hoặc chuyển nhượng lại dự án cho đối tác nước ngoài. Trong số 13 dự án, chỉ có 2 dự án có dòng tiền chuyển về nước hoặc có hiệu quả kinh tế, là lô Nhenhexky góp vốn đầu tư 533,22 triệu USD (Nga) và lô 433a&416b (Algeria) góp vốn 1,26 tỷ USD.

Thiệt hại nặng nề nhất là dự án đầu tư liên doanh phát triển khai thác và nâng cấp dầu khí lô Junin 2 Venezuela của Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP). Được biết, dự án này PVEP thăm dò và khai thác dầu khí là chủ đầu tư (40% vốn) cùng với Tổng công ty Dầu khí Venezuela (60% vốn). Dự án có tổng mức đầu tư là hơn 1,8 tỉ USD cho giai đoạn 1 từ 2010-2015. Tính toán ban đầu cho thấy công suất khai thác giai đoạn 1 của dự án đạt 50.000 thùng dầu/ngày, giai đoạn 2 nâng lên 200.000 thùng dầu/ngày. Tuy nhiên do dự án không có tiến triển, tháng 12/2013 Thủ tướng đã chỉ đạo PVEP tạm dừng đầu tư.

Cũng với mục tiêu thăm dò dầu khí tại Congo, PVEP rót vốn vào dự án lô Marine XI. Nhưng vì dự án không hiệu quả, đến tháng 6/2017, PVEP đã xin chuyển nhượng toàn bộ 8,5% vốn góp. PVEP cũng đầu tư phát triển dầu khí lô Danan (Iran) với vốn đầu tư hơn 82 triệu USD nhưng đến nay PVEP buộc phải dừng và giãn tiến độ dự án.

Ngoài ra, PVN còn tham gia góp vốn đầu tư vào Công ty TNHH Gazpromviet để nghiên cứu, triển khai các dự án đầu tư trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí tại Nga. Tuy nhiên đến năm 2017 PVN bất ngờ xin rút vốn nhưng Chính phủ không đồng ý. Chính phủ đã yêu cầu PVN đàm phán, thống nhất với phía Nga để không phát sinh thêm chi phí, ngoài khoản vốn góp 1,29 triệu USD.

Một loạt dự án đầu tư tại nước ngoài khác của PVN cũng đang chờ chuyển nhượng cho đối tác như dự án lô 67, lô 39 (Peru), lô PM 304 (Malaysia) đang kiến nghị chuyển nhượng 15% vốn góp. Một số dự án thăm dò thẩm lượng cũng đang gặp khó khăn như dự án thăm dò lô Marine XI (Congo) đang gặp khó khăn phải chuyển nhượng vốn góp; thăm dò lô Danan (Iran), góp vốn 82,07 triệu USD xin tạm dừng.  Riêng tại Myanmar có tới 3 dự án đầu tư chưa rõ hiệu quả, đó là dự án lô M2, lô MD2 và lô MD4 đang được cân nhắc hiệu quả đầu tư, gia hạn hoặc dừng dự án đầu tư. Còn tại Campuchia, sau khi đầu tư 72,4 triệu USD để thực hiện thăm dò dầu khí, đến nay đã hết thời hạn cấp phép đầu tư vẫn chưa thể triển khai dự án, buộc phải chuyển nhượng lại cho đối tác nước ngoài...

KỲ VỌNG Ở TÂN CHỦ TỊCH

Tại buổi lễ trao quyết định chức danh Chủ tịch HĐTV PVN cho ông Hoàng Quốc Vượng, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã lưu ý: "Hy vọng với nhiều năm trực tiếp phụ trách lĩnh vực năng lượng, tân Chủ tịch PVN sẽ cùng tập thể lãnh đạo, người lao động dầu khí tiếp tục chèo lái con thuyền PVN tiến về phía trước, vượt khó khăn, thách thức, có nhiều đóng góp hơn nữa cho sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước".

Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình còn đặt ra 6 nhiệm vụ trọng tâm mà tân Chủ tịch PVN cần cùng tập thể lãnh đạo PVN tập trung triển khai. Đó là: tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ chất lượng, tinh gọn, tiếp tục phát huy phương châm "Bản lĩnh - Đoàn kết - Đổi mới - Hành động" để đưa PVN tiếp tục phát triển bền vững, xứng đáng với niềm tin, kì vọng của Đảng, Chính phủ; tập trung đổi mới, nâng cao công tác quản trị doanh nghiệp, tận dụng tối đa những thành quả đã xây dựng và tích lũy được của tập đoàn, những tinh hoa của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; kịp thời, nhạy bén trước xu thế chuyển đổi phát triển năng lượng toàn cầu hiện tại để điều hành, phát triển PVN.

Đặc biệt là tập trung chỉ đạo lấy lại tiến độ các dự án trọng điểm đã và đang bị chậm so với yêu cầu (chuỗi dự án Lô B, Cá Voi Xanh, LNG Sơn Mỹ, LNG Thị Vải, dự án nâng cấp mở rộng công suất Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, các dự án nhà máy nhiệt điện: Sông Hậu 1, Thái Bình 2, Long Phú 1,...); chỉ đạo xử lý dứt điểm các tồn tại của 5 dự án khó khăn, yếu kém: dự án nhà máy Xơ sợi Đình Vũ, dự án nhà máy Đóng tàu Dung Quất và 3 nhà máy Nhiên liệu sinh học.

Theo báo cáo mới nhất của PVN, hiện tại PVN đang đối mặt với hai rủi ro lớn. Thứ nhất là hệ số gia tăng trữ lượng bù vào sản lượng khai thác đang ở mức báo động (0,54 lần) do đầu tư cho tìm kiếm, thăm dò chỉ đạt khoảng từ 400-500 triệu USD, giảm 5 lần so với trước. Trong khi ở giai đoạn 2011-2015, hệ số này đạt 1,5 lần - mức an toàn để phát triển bền vững.

Rủi ro thứ hai là cho dù PVN đã kiểm soát được tương đối chi phí nhưng trong 21 lô mỏ đang khai thác (14 lô mỏ dầu và 7 lô khí) thì có 5 lô mỏ giá thành khai thác miệng giếng (UPC) vẫn đang cao. Đó là các mỏ Sông Đốc, Đại Hùng, Thăng Long-Đông Đô, Ruby và Chim Sáo. Với sản lượng của 5 lô mỏ này cũng khiến giá thành khai thác bình quân của PVN bị ảnh hưởng khi giá dầu thô thế giới rơi xuống dưới mức 30 USD/thùng.

Hiện nay, PVN đã giảm được hơn 250 triệu USD chi phí vốn (CAPEX) và hơn 200 triệu USD chi phí hoạt động (OPEX); đưa khoảng 85% tổng sản lượng khai thác dầu khí của tất cả các đơn vị ở Việt Nam có giá thành khai thác miệng giếng (UPC) là 20 USD/thùng. PVN đặt mục tiêu trong giai đoạn tới phấn đấu hạ giá thành bình quân sản xuất dầu thô từ mức trên 40 USD/thùng hiện nay xuống còn khoảng 30 USD/thùng.

Để làm được điều này gánh nặng đặt lên vai tân Chủ tịch Hoàng Quốc Vượng là phải cắt giảm được đáng kể giá thành dịch vụ dầu khí. Hiện nay giá thuê tàu kho nổi chứa và xuất dầu (FSO) và tàu khô nổi xử lý và xuất dầu thô (FPSO) vẫn chiếm tỷ trọng rất lớn trong chi phí sản xuất dầu thô của PVN. Nếu giảm được giá thuê FSO và FPSO thì sẽ giải quyết được việc giảm được chi phí, giảm giá thành dịch vụ dầu khí.

Như vậy, hàng loạt những nhiệm vụ nặng nề để PVN phát triển bền vững trong những năm tới đang đặt nặng trên vai tân chủ tịch PVN Hoàng Quốc Vượng.