10:04 26/08/2008

Điều kiện kinh doanh: Bên muốn bớt, đằng tăng thêm

Hoa Minh

Số lượng điều kiện kinh doanh ngày càng tăng thêm, trong khi doanh nghiệp muốn bỏ bớt

Đại diện Phòng đăng ký kinh doanh tỉnh Đồng Nai phản ánh rằng ngày càng nhiều điều kiện kinh doanh trong khi doanh nghiệp muốn bỏ bớt.

Liên quan đến vấn đề này Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư (GTZ) đã đưa ra một số kết quả rà soát ban đầu về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.

Việc rà soát thực hiện trên 15 lĩnh vực như an ninh trật tự, tài chính - ngân hàng, xây dựng, giáo dục và đào tạo, y tế, khoa học... Mục đích rà soát nhằm công bố những điều kiện kinh doanh hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/9/2008 theo quy định của Luật doanh nghiệp. Đồng thời bãi bỏ điều kiện kinh doanh không cần thiết, sửa đổi các điều kiện kinh doanh không phù hợp.

Điều kiện kinh doanh không rõ ràng, hợp lý

Kết quả rà soát cho thấy, số lượng ngành nghề kinh doanh có điều kiện có xu hướng tăng nhanh từ năm 2000 trở lại đây.

Đến nay, có hơn 300 loại giấy phép, gần 400 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện tập trung chủ yếu trong lĩnh vực thương mại-dịch vụ, chế biến, khai khoáng. Tuy nhiên, nếu căn cứ vào các quy định Luật Doanh nghiệp, khoảng 50 ngành nghề trong gần 400 ngành nghề này không đủ tính hợp pháp.

Đó là những ngành nghề mà tên và điều kiện kinh doanh được quy định tại thông tư của Bộ và (hoặc) quyết định của Bộ trưởng. Bên cạnh đó, còn nhiều ngành nghề kinh doanh có điều kiện khác mà GTZ-CIEM “nghi ngờ” về tính hợp pháp như ngành nghề mà điều kiện kinh doanh thể hiện bằng giấy phép hoặc luật, pháp lệnh không quy định thành điều kiện kinh doanh nhưng nghị định, quyết định hoặc thông tư lại hướng dẫn thành ngành, nghề kinh doanh có điều kiện theo hướng hẹp lại.

Kết quả rà soát cho biết, quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh rất phân tán, được bởi quy định bởi hàng trăm các loại văn bản khác nhau. Một ngành nghề kinh doanh có điều kiện thường được quy định ở ít nhất 3 văn bản.

Nhưng cũng có trường hợp như hoạt động quảng cáo được quy định ở hàng chục văn bản. Các điều kiện kinh doanh cụ thể là nội dung quan trọng nhưng lại thiếu tính rõ ràng, hợp lý. Báo cáo đưa ra điển hình về sự không rõ ràng của điều kiện hoạt động giới thiệu việc làm. Chẳng hạn, điều kiện có địa điểm và trụ sở ổn định, đặt nơi thuận tiện và đủ diện tích cho việc giao dịch và hoạt động của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Đình Cung, Thư ký GTZ đặt câu hỏi: thế nào là trụ sở ổn định, thuận tiện, đủ diện tích? Theo ông, điều này tuỳ vào diễn giải của các cơ quan cấp phép. Hoặc như quy định có ít nhất 5 cán bộ có trình độ từ cao đẳng trở lên, có lý lịch rõ ràng, phẩm chất đạo đức tốt.

Ông Cung cho rằng, 5 người là quá nhiều không, tại sao phải là cao đẳng? Còn việc xác định phẩm chất đạo đức do ủy ban xã, phường xác nhận. Nhưng việc bắt một người chứng minh vô tội là trái với nguyên tắc pháp luật Việt Nam. Cấm một người có tiền án, tiền sự không được kinh doanh cũng trái với pháp luật. Tiêu chí nào để UBND xác định đạo đức tốt hay không?

Nên thống nhất cách tiếp cận về ngành

Trong khi đó, các điều kiện kinh doanh được quy định ở các văn bản hướng dẫn có xu hướng bổ sung thêm điều kiện, khắt khe hơn và dĩ nhiên khó thực hiện hơn.

Ví dụ như hoạt động in xuất bản phẩm, luật chỉ yêu cầu “có thiết bị để in xuất bản phẩm”. Nhưng nghị định cụ thể hoá yêu cầu “phải có dây chuyền thiết bị in và gia công sau in”. Thông tư cụ thể hoá thêm bằng yêu cầu cơ sở phải có đủ các thiết bị in và gia công sau in, gồm máy in, máy xén, máy gấp, máy đóng sách...

Kết quả rà soát còn chỉ ra rằng, nhiều trường hợp điều kiện kinh doanh giống như “bộ nguyên tắc ứng xử” hơn là điều kiện cần và đủ để kinh doanh. Như điều kiện kinh doanh taxi đối với lái xe taxi gồm 11 yêu cầu chi tiết tương ứng 3 loại giấy phép về tập huấn, sức khỏe, xác nhận của xã phường.

Đại diện CIEM cho biết, việc rà soát thực hiện từ trên xuống nghĩa là trên những văn bản vì vậy rất cần tiếng nói cụ thể từ phía doanh nghiệp. Phía GTZ sẽ và sẽ hoàn tất các kiến nghị cụ thể và báo cáo với hội đồng cải cách hành chánh. Theo kiến nghị của các chuyên gia, cần thống nhất cách tiếp cận về ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo Luật Doanh nghiệp.

Theo đó, các ngành nghề kinh doanh có điều kiện phân thành 3 loại: cấm, kinh doanh có điều kiện và tự do kinh doanh. Các bộ, ngành rà soát ngành nghề cấm, kinh doanh có điều kiện trong phạm vi bộ, ngành để quy định thành danh mục thống nhất về ngành nghề kinh doanh có điều kiện và cấm. Nên ban hành bằng một nghị định thay cho nhiều văn bản.

Về nội dung của quy định ngành nghề kinh doanh có điều kiện, tên ngành nghề và điều kiện kinh doanh tương ứng phải được quy định rõ trong luật, pháp lệnh, nghị định hoặc quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Các quy định ngành nghề kinh doanh có điều kiện phải đảm bảo tính cần thiết; đồng thời tăng cường hậu kiểm theo hướng áp dụng nguyên tắc doanh nghiệp tự chủ kinh doanh khi có đủ điều kiện, chỉ áp dụng việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đối với ngành nghề đặc biệt, cần sự kiểm tra đáp ứng đủ điều kiện trước và trong quá trình hoạt động.