18:07 01/10/2007

Định hướng thuế trong thời gian tới

Nguyên Linh

Bộ Tài chính vừa hoàn thành báo cáo sơ bộ về những định hướng lớn về sửa đổi, bổ sung chính sách thuế trong thời gian tới

Mặt hàng ôtô đã được giảm bảo hộ đáng kể thông qua việc giảm thuế nhập khẩu và xóa bỏ ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng sản xuất trong nước.
Mặt hàng ôtô đã được giảm bảo hộ đáng kể thông qua việc giảm thuế nhập khẩu và xóa bỏ ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng sản xuất trong nước.
Mới đây, căn cứ chiến lược cải cách hệ thống thuế cũng như tình hình biến động thị trường, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong nước, Bộ Tài chính vừa hoàn thành báo cáo sơ bộ về những định hướng lớn về sửa đổi, bổ sung chính sách thuế trong thời gian tới.

Với mục tiêu vừa đảm bảo ổn định nguồn thu ngân sách Nhà nước vừa đảm bảo môi trường sản xuất, kinh doanh được cạnh tranh lành mạnh và phù hợp với thông lệ quốc tế, dự kiến định hướng sửa đổi, bổ sung chính sách thuế sẽ có 3 biểu hiện quan trọng.

Thứ nhất, sẽ giảm dần mức thuế suất một cách có chọn lọc và theo lộ trình. Thứ hai, mở rộng diện chịu thuế để đảm bảo tính công bằng, trung lập của chính sách thuế, có tính đến các yếu tố như thông lệ quốc tế, khả năng, điều kiện quản lý của Việt Nam, khuyến khích khai thác, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn tài nguyên, khoáng sản, bảo vệ môi trường. Và thứ ba, khẩn trương ban hành những sắc thuế mà so với thông lệ quốc tế thì Việt Nam chưa có như thuế tài sản, thuế bảo vệ môi trường,...

Đối với những sắc thuế hiện hành sẽ được sửa đổi, bổ sung theo hướng nâng cao tính hiệu quả và nhất là tính trung lập của từng sắc thuế, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn Việt Nam và phù hợp với thông lệ quốc tế. Tính trung lập trong mục tiêu cụ thể của từng sắc thuế sẽ quyết định tới chủ trương tăng, giảm, duy trì ở mức nào của Nhà nước.

Đơn cử, thuế giá trị gia tăng và thu nhập doanh nghiệp sẽ chủ yếu để đảm bảo nguồn thu ngân sách và khuyến khích đầu tư, phát triển sản xuất, thuế xuất nhập khẩu được sử dụng để bảo hộ sản xuất, khuyến khích cạnh tranh, các loại phí và loại phí chủ yếu chỉ nhằm làm giảm gánh nặng ngân sách, nâng cao hiệu quả hoạt động của các dịch vụ mang tính chất công cộng.

Theo Bộ Tài chính, trong thời gian trước mắt đa số các sắc thuế sẽ ít có sự thay đổi đáng kể, trừ thuế nhập khẩu. Tuy nhiên, đây lại là sắc thuế nhận được nhiều sự quan tâm vì nó ảnh hưởng rõ rệt tới nền sản xuất trong nước cũng như định hướng tiêu dùng trong dân cư.

Thời gian qua, một trong những mục tiêu chính của sắc thuế này là bảo hộ hợp lý đối với những mặt hàng trong nước đã sản xuất được, có lợi thế phát triển trong tương lai, đồng thời quy định mức thuế suất thấp đối với những mặt hàng là nguyên liệu sản xuất, trong nước chưa sản xuất được để giảm chi phí đầu vào.

Tuy nhiên, chính sách thuế này đang đứng trước yêu cầu thay đổi cơ bản sau khi Việt Nam bắt đầu thực hiện sâu và rộng các cam kết WTO, CEPT/AFTA, ASEAN- Trung Quốc,... và các cam kết khác trong tương lai. Trên thực tế, chính sách thuế dự kiến đối với các ngành đã được xây dựng trên tinh thần giảm bảo hộ nhưng có lộ trình.

Cụ thể, ngoài những mặt hàng đã và sẽ thực hiện theo cam kết hội nhập, một số mặt hàng Nhà nước còn có thể chủ đồng điều hành trong nước sẽ diễn biến như sau:

Đối với nhóm hàng công nghiệp, mặt hàng ô tô đã được giảm bảo hộ đáng kể thông qua việc giảm thuế nhập khẩu và xóa bỏ ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng sản xuất trong nước.

Đến tháng 8/2007 mức thuế suất nhập khẩu xe nguyên chiếc giảm xuống là 70%, thuế tuyệt đối cho xe cũ giảm 20%. Đối với phụ tùng chuyển sang quy định thuế suất theo từng linh kiện, nếu là loại trong nước đã sản xuất được là 20-30%, còn lại từ 0-10%.

Dự kiến của Bộ Tài chính sẽ tiếp tục giảm bảo hộ đối với xe nguyên chiếc cũ và mới để các doanh nghiệp trong nước nâng cao tính cạnh tranh, thuế nhập khẩu phụ tùng trong nước chưa sản xuất được cũng sẽ giảm mạnh, thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ được giảm để giá xe ở mức hợp lý vì mức thuế này đang chiếm tới 30% so với giá bán và 63% trong tổng số thuế phải nộp đối với ôtô.

Mặt hàng sắt thép được xác định là tổng công suất trong nước đã vượt nhu cầu 2 triệu tấn/năm, nhiều loại hàng đã được đáp ứng hoàn toàn nhu cầu trong nước. Dự kiến khi thị trường ổn định sẽ khôi phục lại mức thuế suất 5% với phôi thép và 10% đối với thép thành phẩm, chỉ xem xét tăng thuế đối với một số loại thép mạ trong nước đã đáp ứng nhu cầu, giá cả hợp lý, nhưng mức tăng không vượt quá 15%. Tương tự, xăng dầu được coi là đầu vào thiết yếu của nền kinh tế, chịu nhiều sự biến động của thị trường.

Hiện các nước ASEAN đang đề nghị Việt Nam đưa mặt hàng xăng vào diện cắt giảm thuế và nếu việc đàm phán theo hướng này hoàn tất thì số thu từ thuế nhập khẩu xăng sẽ giảm lớn khi 60% lượng xăng nhập khẩu là từ Singapore. Vì vậy, ngành tài chính đang nghiên cứu phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng.

Đối với nhóm hàng tiêu dùng có 2 dự kiến thay đổi liên quan đến 2 nhóm hàng tác động lớn đến người tiêu dùng là sữa và đường. Về sữa, hiện nhu cầu, khả năng chế biến sữa ở Việt Nam tương đối phát triển nhưng nguồn cung cấp nguyên liệu sữa trong nước còn yếu, mới đáp ứng 10-20% nhu cầu. Hiện mức thuế sữa nguyên liệu là 10-20%, sữa thành phẩm là 30-50%.

Để góp phần đảm bảo cho đa số người tiêu dùng được hưởng giá sữa hợp lý, thời gian tới dự kiến sẽ điều chỉnh thuế nhập khẩu sữa nguyên liệu xuống mức 7-10%, sữa thành phẩm xuống còn 20-30%.

Mặt hàng đường được nhận định là được bảo hộ cao trong suốt hơn 10 năm qua, khi ngoài việc quy định thuế cao (40%) thì mặt hàng này có thời gian còn được Nhà nước áp dụng các biện pháp cấm nhập hoặc nay chuyển sang biện pháp hạn ngạch thuế quan, lượng đường nhập khẩu ngoài hạn ngạch này chịu mức thuế suất tới 100%.

Điều này đã dẫn tới khả năng cạnh tranh của ngành chế biến đường trong nước còn yếu, giá cao hơn 20-30% so với đường nhập khẩu trong khi đường lại là nguyên liệu đầu vào của ngành chế biến thực phẩm. Chính vì vậy, trong thời gian tới sẽ có một lộ trình quyết liệt trong việc giảm bảo hộ đối với mặt hàng đường để tạo sức ép cho doanh nghiệp hạ chi phí đầu vào, nâng cao tính cạnh tranh.