10:57 15/01/2007

Định hướng vốn ODA giai đoạn 2006 - 2010

Đức Vương

Giai đoạn 2006-2010, Chính phủ sẽ dành 33% trong số 23,75 tỷ USD vốn ODA để phát triển giao thông, bưu chính viễn thông, cấp thoát nước và đô thị

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (giữa) tại hội nghị nhóm tư vấn cho Việt Nam, nơi đã công bố số vốn ODA kỷ lục dành cho Việt Nam trong năm 2007 - Ảnh: Reuters.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (giữa) tại hội nghị nhóm tư vấn cho Việt Nam, nơi đã công bố số vốn ODA kỷ lục dành cho Việt Nam trong năm 2007 - Ảnh: Reuters.

Giai đoạn 2006-2010, Chính phủ sẽ dành 33% trong số 23,75 tỷ USD vốn ODA để phát triển giao thông, bưu chính viễn thông, cấp thoát nước và đô thị.

Đầu tư trọng điểm vào phát triển cơ sở hạ tầng, là một trong những nội dung quan trọng nhất trong bản đề án "Định hướng thu hút và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) thời kỳ 2006 - 2010" vừa được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định phê duyệt số 290/2006/QĐ - TTg ngày 29/12/2006.

Ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông

Theo bản đề án, lĩnh vực phát triển hạ tầng giao thông tiếp tục là mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ.

Đặc biệt, đây cũng là lĩnh vực mà các nhà tài trợ vốn ODA như ADB, JBIC, WB... rất quan tâm từ trước tới nay cũng như trong nhiều năm tới.

Cụ thể, nguồn vốn ODA cho lĩnh vực này trong 5 năm tới sẽ tiếp tục tăng mạnh để đầu tư cho các lĩnh vực phát triển hệ thống đường cao tốc Bắc - Nam, các đường trục chính của các vùng kinh tế; ưu tiên phát triển các tuyến đường ở miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, ĐBCSL; phát triển mạnh hệ thống đường cao tốc, nhất là tại các vùng kinh tế trọng điểm.

Ngoài ra, nguồn vốn này sẽ phát triển các tuyến hành lang giao thông trong khuôn khổ hợp tác tiểu vùng Mê Kông mở rộng.

Trong đó gồm có tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia và hai hành lang và một vành đai kinh tế Việt - Trung, xây dựng một số cầu đường bộ lớn ở cả 3 miền, trong đó có các cầu Cao Lãnh, Vàm Cống thuộc Dự án đường Hồ Chí Minh (giai đoạn II).

Đồng thời, giao thông nông thôn cũng nằm trong phạm vi của nguồn vốn, gồm nâng cấp các tuyến đường huyện, bảo đảm đường thông suốt cả năm từ thôn bản đến trung tâm xã, đầu tư hỗ trợ bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ cũng như công tác duy tu bảo dưỡng đường bộ.

Bên cạnh việc định hướng đầu tư cho các dự án giao thông cầu đường bộ, đối với lĩnh vực đường sắt, Chính phủ sẽ thu hút vốn ODA xây dựng một số tuyến đường sắt, kể cả tuyến đường sắt cao tốc Hà Nội - Tp. Hồ Chí Minh; tăng cường năng lực quản lý và điều hành ngành đường sắt.

Lĩnh vực hàng không, các sân bay quốc tế sẽ được xây dựng ở một số tỉnh, thành phố phù hợp với quy hoạch phát triển hệ thống các sân bay của cả nước, trước mắt xây dựng mới một sân bay quốc tế hiện đại cho Thủ đô Hà Nội (Cảng Hàng không Quốc tế 2), Long Thành - Biên Hoà, Đà Nẵng (nhà ga), Cam Ranh - Khánh Hoà (nhà ga) và Phú Quốc - Kiên Giang.

Trong giai đoạn này, Chính phủ cũng sẽ tập trung vốn ODA để xây dựng một số cảng nước sâu, trong đó có các cảng Vân Phong - Khánh Hoà, cảng Lạch Huyện - Hải Phòng, và các cảng trung chuyển. Ngoài ra sẽ hỗ trợ đầu tư phát triển hệ thống các tuyến đường thuỷ nội địa quan trọng ở Đồng bằng sông Hồng và ĐBSCL.

Thể chế, tăng cường năng lực con người trong lĩnh vực giao thông, nhất là an toàn giao thông, cũng sẽ là một hướng đầu tư.

Chính phủ cũng định hướng cụ thể trong việc sử dụng nguồn vốn ODA. Đối với nguồn vốn ODA hoàn lại, đặc biệt là các khoản vay có ưu đãi cao (lãi suất thấp, thời gian trả nợ dài và có ân hạn) thì ưu tiên sử dụng để phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế.

Các khoản vay ODA có điều kiện ưu đãi kém hơn (lãi suất cao, thời gian trả nợ và ân hạn ngắn) sẽ được sử dụng cho các chương trình, dự án có tính khả thi cao về mặt kinh tế và có khả năng trả nợ.

Theo đánh giá của Bộ Giao thông Vận tải, thời gian tới vốn ODA dành cho phát triển hạ tầng giao thông về cơ bản vẫn sẽ đến từ các nhà tài trợ lớn, truyền thống JBIC, WB, ADB, AFD (Cơ quan Phát triển Pháp) và KFW (Ngân hàng Tái thiết Đức).

Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA

Theo nhận định của các chuyên gia, mặc dù nguồn cung cấp ODA trên thế giới vẫn còn hạn chế, nhưng nguồn vốn ODA dành cho Việt Nam trong giai đoạn tới sẽ vẫn tăng trưởng mạnh.

Dự báo từ nguồn vốn ODA ký kết cho thấy, bên cạnh 8 tỷ USD vốn ODA thời kỳ 2001 - 2005 chuyển tiếp sang, trong giai đoạn từ 2006 - 2010, vốn ODA ký kết mới sẽ đạt khoảng từ 12,35 - 15,75 tỷ USD, đưa tổng nguồn vốn ODA được ký kết lên con số 23,75 tỷ USD.

Dự báo tổng vốn ODA sẽ giải ngân thời kỳ 2006 - 2010 đạt khoảng 11,46 - 12,41 tỷ USD. Để sử dụng hiệu quả nguồn vốn này, trong bản đề án Chính phủ đã nêu rõ: "Trong giai đoạn 2006 - 2010, chủ trương thu hút và sử dụng ODA của Việt Nam" là tiếp tục tranh thủ đi đôi với việc nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA, bảo đảm khả năng trả nợ để hỗ trợ thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2006 -2010".

Bản đề án của Chính phủ cũng nêu rõ: "Chính sách thu hút và quản lý ODA trong thời gian tới cần tập trung cải thiện mạnh mẽ tình hình giải ngân các chương trình và dự án ODA đã ký kết, sớm đưa các công trình vào khai thác và sử dụng, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng ODA. Đồng thời, xây dựng các chương trình, dự án ODA gối đầu cho giai đoạn sau năm 2010, đặt trọng tâm vào chất lượng và hiệu quả".

Mặc dù xác định ODA là nguồn vốn vô cùng quan trọng đối với việc phát triển cơ sở hạ tầng, nhưng từ những bài học chủ yếu được rút ra qua thực tế thu hút và sử dụng ODA trong giai đoạn 2001- 2005, Chính phủ đã nêu rõ rằng các cơ quan tiếp nhận nguồn vốn này cần nhận thức đúng đắn về ODA, coi ODA là nguồn lực bên ngoài có tính chất bổ sung chứ không thay thế nguồn lực nội sinh đối với quá trình phát triển ở cấp độ quốc gia, ngành, địa phương và đơn vị thụ hưởng.

Vì xét cho cùng, ODA không phải là "thứ cho không" mà chủ yếu là vay nợ nước ngoài theo các điều kiện ưu đãi, gắn với uy tín và trách nhiệm quốc gia trong quan hệ với cộng đồng tài trợ quốc tế.