14:46 24/08/2009

Đồ hiệu “cầm cự” nhờ giới trẻ Trung Quốc

Mai Phương

Nhiều thương hiệu lớn của thế giới đang dựa vào tầng lớp người tiêu dùng trẻ của Trung Quốc để chống đỡ sự suy giảm doanh thu

Một nhóm khách hàng tại cửa hàng búp bê mang thương hiệu Barbie ở Thượng Hải, Trung Quốc - Ảnh: AP.
Một nhóm khách hàng tại cửa hàng búp bê mang thương hiệu Barbie ở Thượng Hải, Trung Quốc - Ảnh: AP.
Đội mũ lưỡi trai hiệu Vans, diện áo sơ mi Quiksilver và quần short Adidas, mang số tiền 500 Nhân dân tệ (tương đương 73 USD) trong ví, cô gái 19 tuổi Teny Zhong bắt đầu chuyến mua sắm của mình. Các hãng đồ hiệu lớn của thế giới coi những khách hàng như Zhong tại Trung Quốc là một mục tiêu lớn trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu này.

“Tôi không nghĩ là suy thoái kinh tế có liên quan gì tới mình”, Zhong nói. Những chiếc túi xách mà cô mang theo là đồ hiệu của các hãng H&M và Zara.

Nhiều người trẻ ở Trung Quốc như Zhong thời gian này vẫn chi tiêu khá thoải mái. Nhiều thương hiệu lớn của thế giới từ đồ thể thao Nike tới hãng đồ chơi Mattel đang dựa vào những khách hàng này để chống đỡ sự suy giảm doanh thu do nhu cầu ở các thị trường khác xuống dốc.

“Nhiều thương hiệu nước ngoài đang xem thị trường Trung Quốc là một phao cứu sinh”, bà Mary Bergstrom, người sáng lập công ty nghiên cứu thị trường Bergstrom Trends tại Thượng Hải, cho biết.

Xu hướng chi tiêu của giới trẻ Trung Quốc được duy trì nhờ sự miễn nhiễm tương đối của kinh tế Trung Quốc trước sự lao dốc của xuất khẩu và đầu tư nước ngoài. Gói kích thích kinh tế trị giá 585 tỷ USD của Chính phủ Trung Quốc đã đưa tăng trưởng GDP của nước này lên mức 7,9% trong quý 2 vừa qua, từ mức 6,1% trong quý 1. Doanh số thị trường bán lẻ của Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm nay đã tăng 15%.

Theo các nhà phân tích, giới trẻ Trung Quốc là đối tượng có sức hấp dẫn lớn đối với các hãng đồ hiệu vì chế độ “con một” và thu nhập gia tăng đồng nghĩa với việc những công dân trẻ tuổi của nước này có thu nhập khả dụng lớn hơn. Một thanh niên 20 tuổi của Trung Quốc sống chung với cha mẹ vừa không mất tiền thuê nhà, vừa được bố mẹ, thậm chí cả ông bà nội ngoại, cung cấp tiền.

Vì thế, các hãng đồ hiệu lớn đang mở rộng hoạt động mạnh mẽ tại Trung Quốc, đồng thời phát triển các sản phẩm và tung ra các chiến dịch quảng cáo nhằm vào các khách hàng trẻ tuổi tại thị trường này. Hãng Nike mới đây đã sản xuất ra một loại giày chơi bóng rổ có trọng lượng nhẹ dành cho người châu Á, trong khi đối thủ Adidas thành lập một cộng đồng dân chơi bóng rổ trực tuyến.

Trung Quốc là thị trường lớn thứ hai của Nike, sau Mỹ. Theo đại diện của hãng, trong lúc doanh số của Nike tại Mỹ trong quý 2 vừa qua giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái, doanh số của hãng tại Trung Quốc đã tăng 6%. Càng ấn tượng hơn khi biết rằng, vào quý 2/2008, doanh số của Nike tại Trung Quốc đã tăng 60% trước kỳ Olympics Bắc Kinh.

Những hãng đồ hiệu khác cũng đang mở rộng mạnh mẽ hoạt động ở Trung Quốc, giữa lúc họ thậm chí phải thu hẹp sự hiện diện ở một số thị trường khác.

Quiksilver - hãng thời trang xu hướng thể thao của Mỹ - mới đây đã mở cửa hàng thứ 47 đồng thời là cửa hàng lớn nhất tại Trung Quốc.

“Thị trường Trung Quốc rất quan trọng đối với Quiksilver. Đây là một thị trường khổng lồ”, Tổng giám đốc Quiksilver tại Trung Quốc, bà Cathey Curtis, cho biết. Dự kiến, trong năm nay, thương hiệu này sẽ còn mở thêm cửa hàng tại thị trường đông dân nhất thế giới.

Doanh thu toàn cầu của Quiksilver trong quý 2 vừa qua đã giảm 17% so với cùng kỳ năm trước, còn 494,2 triệu USD. Bà Curtis từ chối cung cấp số liệu tại thị trường Trung Quốc, nhưng cho biết suy thoái kinh tế toàn cầu không có nhiều ảnh hưởng tới thị trường này.

Wang Wei, một sinh viên đại học 22 tuổi tại Bắc Kinh, cho biết, anh đi mua sắm một hoặc hai lần mỗi tuần, mỗi lần tiêu khoảng 500 Nhân dân tệ (tương đương 73 USD). Wang được bố mẹ cho tiền, khoảng 1.000-2.000 Nhân dân tệ (146-293 USD) mỗi tháng, ngoài khoản lương từ công việc bán hàng vào cuối tuần tại một cửa hàng điện máy. Khoản “trợ cấp” của bố mẹ cho Wang không thay đổi trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái.

Trong khi đó, tại Mỹ, kinh tế suy thoái đã khiến số tiền mà giới trẻ với độ tuổi bình quân 16 ở Mỹ chi tiêu vào thời trang giảm 14% trong vòng 1 năm trở lại đây.

Tháng 3 vừa qua, hãng búp bê Barbie đã mở cửa hàng đầu tiên tại Trung Quốc, trùng với dịp kỷ niệm 50 năm ngày ra đời của loại búp bê này. Thường thì búp bê Barbie là loại đồ chơi hấp dẫn đối với các bé gái từ 5-8 tuổi, nhưng theo Giám đốc thương hiệu Barbie tại Trung Quốc, “thanh niên nước này cũng rất thích Barbie”.  Ông Dickson cho biết thêm, Trung Quốc có thể trở thành thị trường lớn nhất của Barbie trong vòng 8 năm tới.

Tuy nhiên, không phải thương hiệu lớn nào của nước ngoài vào Trung Quốc cũng ăn nên làm ra. Vào năm 2003, Taco Bell, một chuỗi đồ ăn nhanh Mexico thuộc sở hữu của Yum Brands, đã mở một số cửa hàng ở Trung Quốc, phục vụ các món ăn cay và mặn. Tuy nhiên, tất cả các cửa hàng này vào năm ngoái đã phải đóng cửa.

Ngoài ra, các môn mạo hiểm như lướt sóng hay trượt ván - vốn là những môn thể thao phổ biến ở phương Tây - vẫn còn bị các vị phụ huynh Trung Quốc xem là quá nguy hiểm. Bởi vậy, những hãng sản xuất đồ thể thao cho các môn này nếu có vào thị trường Trung Quốc thì cũng khó có khả năng thành công.

(Theo AP)