14:33 19/02/2009

Đô la đang ở đâu?

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu có nguồn thu USD không muốn bán cho ngân hàng

Việc siết chặt các quy định ngoại hối khiến ngân hàng không thể lách quy định quản lý giá Đô la Mỹ thông qua giao dịch bằng ngoại tệ thứ ba như trước - Ảnh: Lê Quang Nhật.
Việc siết chặt các quy định ngoại hối khiến ngân hàng không thể lách quy định quản lý giá Đô la Mỹ thông qua giao dịch bằng ngoại tệ thứ ba như trước - Ảnh: Lê Quang Nhật.
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu có nguồn thu USD không muốn bán cho ngân hàng.

Ngân hàng thì hơn một tháng rưỡi nay vẫn công bố giá USD mua bằng giá bán và đang khan hiếm USD. Vì sao?

Nghịch lý nơi cạn nơi đầy

Hôm qua, chị Ly, người chuẩn bị đi du học đã gọi đến Ngân hàng ACB để hỏi mua ngoại tệ. Nhân viên đầu dây trả lời là hiện Đô la Mỹ không có, chị hỏi Đô la Singapore cũng không còn.

“Khi nào muốn mua thì phải gọi lên hỏi trước và chờ nguồn”, chị được nhân viên cho biết. Chị cũng nhận được câu trả lời từ Sacombank là mua USD thì... ngày nào biết ngày ấy.

“Ngân hàng nhiều khi phải nịnh doanh nghiệp xuất khẩu để họ bán USD cho”, ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á than thở về tình trạng nguồn cung USD hiện nay. “Lượng bán từ doanh nghiệp xuất khẩu ít ỏi chứ không nhiều”, ông Đỗ Minh Toàn, Phó tổng giám đốc Ngân hàng ACB thừa nhận.

Lãnh đạo một ngân hàng quy mô vừa cho biết, nguồn cung lúc này không còn và dồi dào như lúc trước nữa, trong khi nhu cầu của doanh nghiệp đang gây áp lực buộc ngân hàng phải chạy tìm nguồn.

Hiện nay, lãnh đạo một công ty quản lý quỹ trong nước kể, một tổ chức muốn mua 10 triệu USD thì thay vì ngày trước được ngân hàng bán ngay trong ngày hiện nay bị xé lẻ ra tới 5 – 7 ngày mới gom đủ số.

Gần một tháng rưỡi nay, nhiều ngân hàng công bố tỷ giá USD mua vào cũng như bán ra bằng nhau. Và dù tăng kịch trần cho phép, tỷ giá niêm yết ở ngân hàng vẫn thấp hơn ngoài thị trường tự do từ 150 – 261 đồng/USD trong tháng 1 và đến hôm qua là 131 – 171 đồng.

Lý do lớn nhất khiến nguồn cung USD vào ngân hàng bị nghẽn bởi giá cao hơn ngoài thị trường tự do đã khiến không ít doanh nghiệp có nguồn thu USD chọn nơi có lợi hơn để bán. Các ngân hàng thương mại chỉ có thể chạy hết biên độ tỷ giá cho phép 3%, và đành bó tay.

Ngoài lý do trên, rất ít ngân hàng cậy nhờ được vào lượng huy động ngoại tệ, khi huy động ngoại tệ chỉ tăng 2,3% trong tháng 1 theo báo cáo của ngân hàng Nhà nước.

Hơn nữa, ngân hàng Nhà nước đã siết chặt hoạt động ngoại hối của các ngân hàng thương mại với nhiều quy định ràng buộc gần đây, nên ngân hàng thương mại khó lách quy định như bán USD thông qua ngoại tệ thứ ba hay thu phí tỷ giá...

Tỷ giá sẽ ổn định trong hai tháng tới?

Nghịch lý là, tuy các ngân hàng không mua được nhưng ngoài thị trường tự do thì USD không thiếu. Dù việc ngân hàng Nhà nước nới rộng biên độ tỷ giá từ 2% lên 3% vào 25/12/2008 phản ánh sát thị trường hơn, nhưng tỷ giá USD/VND luôn tăng kịch trần sau đó.

Vậy ngân hàng chịu lỗ khi mua bán USD với giá bằng nhau? Ông Trần Phương Bình cho hay, hiện Đông Á "huề" vốn trong việc mua bán với doanh nghiệp. “Mục đích chính là để doanh nghiệp gắn bó với ngân hàng”, ông nói.

“ACB cũng không có lời trong hoạt động ngoại hối, mà chỉ hưởng mức phí trong thanh toán quốc tế mà thôi”, ông Đỗ Minh Toàn cho biết, và hiện chủ yếu ACB mua theo giá thoả thuận theo các hợp đồng giao sau (future).

Tháng 1 trôi qua với thị trường ngoại hối khá ổn định do không có biến động lớn, song tính thanh khoản của thị trường vẫn ở mức thấp do xu hướng biến động chưa rõ ràng của đồng VND và USD trong thời gian sắp tới. Từ đầu tuần này, nhiều báo cáo được đưa ra thiên về xu hướng phá giá đồng Việt Nam sắp tới.

Theo Công ty Chứng khoán Kim Eng, kỳ vọng trượt giá VND/USD sau 12 tháng là 14%. Trong khi đó, nhu cầu ngoại tệ của các nhà đầu tư nước ngoài hiện vẫn còn, nhưng đã giảm mạnh.

Trái phiếu trong tay nhà đầu tư ngoại gần như đã được bán hết, còn cổ phiếu thì tính thanh khoản không cao, thể hiện qua tổng khối lượng trái phiếu giao dịch trong tuần qua đạt hơn 2.000 tỉ đồng, thấp nhất trong các tuần từ đầu năm 2009.

Ông Trần Phương Bình dự đoán, tỷ giá VND/USD ít nhất trong vòng hai tháng sẽ khó có biến động lớn, bởi “giai đoạn này ai cũng muốn ổn định, định hướng và dò từng bước.

Hồng Sương (SGTT)