11:50 07/08/2008

Đô thị lớn trước nỗi lo biến đổi khí hậu

Thúy Nhung

Cuốn sách gợi ý cho các thành phố khu vực Đông Á giảm thiểu rủi ro do thiên tai vừa được WB công bố

Nước biển dâng cao 1m sẽ làm giảm 2% GDP của các quốc gia khu vực Đông Á do thiếu nước ngọt; hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp ngư nghiệp và hoạt động du lịch bị ảnh hưởng.
Nước biển dâng cao 1m sẽ làm giảm 2% GDP của các quốc gia khu vực Đông Á do thiếu nước ngọt; hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp ngư nghiệp và hoạt động du lịch bị ảnh hưởng.
Cuốn sách gợi ý cho các thành phố khu vực Đông Á giảm thiểu rủi ro do thiên tai vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố.

Cuốn sách là công trình nghiên cứu do WB và Liên hiệp quốc thực hiện nhằm giúp các thành phố xác định về mức độ rủi ro khi có những biến đổi về khí hậu và làm thế nào để giảm thiểu những thiệt hại, và hiện được đánh giá là "cẩm nang quy hoạch đô thị cho các quốc gia khu vực Đông Á".

Xung quanh nội dung cuốn sách, VnEconomy đã có cuộc trao đổi với ông Dean Cira, Điều phối viên Chương trình Phát triển đô thị của WB tại Việt Nam về những hỗ trợ của WB trong thời gian tới cho Việt Nam trong việc giảm nhẹ hậu quả thiên tai.

Trong cuốn sách, Hà Nội và Nam Định là hai địa phương của Việt Nam đã được chọn để nghiên cứu về mức ảnh hưởng khi nước biển dâng cao. Vì sao WB lại lưa chọn hai địa phương này?

Các dự án do WB tiến hành đều có thời gian dài từ 40-50 năm vì vậy việc lựa chọn các dự án là hết sức chặt chẽ. Tuy nhiên, mục đích chính trong nghiên cứu này là muốn cung cấp thông tin và nhận thức cho các quan chức của Việt Nam những ảnh hưởng do biến đổi khí hậu, để trong công tác quy hoạch cũng như hoạch định chính sách có những phương án ứng phó.

Nếu Chính phủ Việt Nam muốn nghiên cứu đánh giá những tác động của biến đổi khí hậu đối với những địa phương khác, liệu WB có sẵn sàng hợp tác?

WB luôn mong muốn nhận được sự tham gia chủ động và tích cực từ phía đối tác. Vì vậy, nếu có những sự đề nghị chính thức từ phía các cơ quan có thẩm quyền, WB sẽ nỗ lực hết sức trong việc hỗ trợ Việt Nam trong việc giảm thiểu những rủi ro do thiên tai trong thời gian tới.
 
Trên thực tế, gần đây, biến đổi khí hậu đã nhận được sự quan tâm của nhiều đối tượng. Ở nhiều nơi đã đặt ra những vấn đề khác nhau trong đó có vấn đề sẽ phải nâng cốt (mặt bằng chung - PV) của các đô thị hay sẽ xây dựng các đô thị lớn trên vùng núi. Ông đánh giá sao về vấn đề này?

Biến đổi khí hậu phạm vi ảnh hưởng là toàn cầu, vì vậy cần có những nghiên cứu và những định hướng lớn mang tầm vĩ mô mới có thể giải quyết.

Trong nội dung báo cáo có đề cập tới thông tin các quốc gia Đông Á có thể tiếp cận với các nguồn vốn khác nhau để giải quyết vấn đề này. Theo WB, đó có thể là những nguồn vốn từ đâu?

Hiên nay ngoài nguồn vốn ngân sách, vốn ODA, thị trường vốn cũng đã rộng mở và cơ chế cấp vốn cũng linh hoạt hơn vì vậy các quốc gia có thể tiếp cận với nguồn vốn này.

Hiện Hà Nội đã được mở rộng gấp 3 lần, trong khi những nghiên cứu được công bố trong cuốn sách lại  dựa vào những số liệu cũ. Thời gian tới, WB có điều chỉnh gì đối với những số liệu này?

Sau khi công bố về cuốn sách, toàn bộ nội dung nghiên cứu sẽ được truyền tải lên mạng Internet. Đây sẽ là một tài liệu sống, vì vậy nội dung thông tin có thể cập nhật, bổ sung cũng nhu có những sự điều chỉnh cho phù hợp hơn.

Nhưng trên thực tế, ngay cả khi Hà Nội đã mở rộng gấp 3 lần thì những gì mà cuốn sách công bố vẫn còn ý nghĩa. Cơ bản cuốn sách muốn cung cấp cho đội ngũ lãnh đạo các thành phố về những khả năng bị tổn thương cũng như đề xuất cho họ một số biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu.

Báo cáo có nhấn mạnh, trong tương lai, khu vực Đông Á sẽ hình thành những đại đô thị đông đúc. Điều này càng làm tăng số lượng người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi biến đổi khí hậu. Phải chăng mục đích của WB là muốn khuyến cáo không nên phát triển những đô thị quá lớn?

Đô thị hoá là xu thế tất yếu. WB không hề có ý định đưa ra kết luận đối với vấn đề này mà chủ yếu muốn nhấn mạnh tới công tác quy hoạch.

Trong công tác quy hoạch những thành phố cho tương lai, các nhà lãnh đạo nên chú trọng tới yếu tổ này để giảm thiểu những rủi ro về thiên tai, vì trên thực tế những đô thị lớn luôn là những trung tâm kinh tế mạnh.

* 46 triệu dân Đông Á phải đối mặt với bão và lũ lụt hàng năm

Theo nghiên cứu, nếu mực nước biển dâng cao 1m, theo dự báo sẽ làm giảm 2% GDP của các quốc gia khu vực Đông Á do thiếu nước ngọt; hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp ngư nghiệp và hoạt động du lịch bị ảnh hưởng. Trung Quốc, Việt Nam, Myamar, Thái Lan được xem là những nước có thể chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do mực nước biển dâng.

Nghiên cứu cũng cho thấy, ngày càng có nhiều người di cư ra các thành phố lớn và dân cư đô thị ở Đông Á có khả năng tăng gấp đôi vào năm 2030. Nhiều siêu đô thị trong khu vực này cũng sẽ được hình thành. Đây cũng là những trung tâm kinh tế lớn. Theo ước tính đến năm 2030, sẽ có khoảng 46 triệu dân đang sống ở khu vực này sẽ phải đối mặt với nguy cơ lớn hơn từ những trận bão và lũ lụt hàng năm.