Đô thị Việt Nam: Phát triển hàng đầu nhưng chưa có hạng...
Trao đổi với TS. Lưu Đức Hải, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), về định hướng phát triển đô thị của Việt Nam
"Dù là một đất nước với hơn 80 triệu dân nhưng trên bản đồ đô thị lớn của thế giới (10 triệu dân trở lên) chưa có một chấm nào dành cho Việt Nam".
Bộ Xây dựng đang tiến hành điều chỉnh quy hoạch phát triển đô thị đến năm 2025. Với những gì đang diễn ra tại các đô thị lớn khiến nhiều người hoài nghi về tính khả thi cũng như năng lực của những người làm công tác quy hoạch.
Xung quanh vấn đề này, VnEconomy đã có cuộc trao đổi với TS. Lưu Đức Hải, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng.
Điều chỉnh vì khách quan
Xin ông cho biết lý do vì sao phải điều chỉnh quy hoạch lần này ?
Trước hết, theo quy định thì bất kỳ một quy hoạch nào, sau 5 năm là có thể xem xét để điều chỉnh cho phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế, xã hội. Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đến 2025 đã được Thủ tướng phê duyệt năm 1998. Nếu căn cứ theo luật thì lẽ ra quy hoạch đó đã có thể được điều chỉnh 2 lần, nhưng bây giờ chúng ta mới điều chỉnh lần đầu.
Qua quá trình rà soát sau 10 năm, chúng tôi thấy những chuẩn mực đặt ra trong quy hoạch thì giờ đây đã có những sự phát triển vượt bậc. Chẳng hạn, hệ thống đô thị Việt Nam vào thời điểm năm 1998 mới có trên 630 đô thị, nhưng đến nay đã có trên 730 đô thị. Như vậy, sau 10 năm tăng thêm 100 đô thị, tức là trung bình 1 năm tăng thêm 10 đô thị, một tháng có một đô thị ra đời. Đây là một sự phát triển vào loại nhanh nhất khu vực và thế giới.
Ngoài ra, trong quy hoạch từ năm 1998, chúng ta định hướng là sẽ quản lý đô thị Việt Nam theo 10 vùng đô thị hóa, nhưng từ đó đến nay thì việc điều hành theo 10 vùng đô thị chưa được rõ nét. Chúng ta đang điều hành theo 6 vùng kinh tế, trong đó có 3 vùng kinh tế trọng điểm. Vì vậy, trong lần điều chỉnh này sẽ xem xét lại việc điều hành theo cách thức và tiêu chí nào cho phù hợp và rõ nét hơn.
Bên cạnh đó, trong lần quy hoạch trước, chúng ta tập trung nhiều vào mảng hạ tầng kỹ thuật để phục vụ cho việc phát triển hệ thống đô thị, trong khi đó vấn đề phát triển hạ tầng xã hội và phát triển bền vững vẫn chưa được đề cập nhiều.
Nói tóm lại, việc điều chỉnh lần này là đòi hỏi khách quan nhằm phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế, xã hội cũng như những tiêu chuẩn đô thị hiện đại của thế giới.
Nhưng nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt lại cho rằng, những bất cập trong quy hoạch của chúng ta chủ yếu lại là do chủ quan và đã được che đậy bằng 2 từ khá mềm mỏng là “điều chỉnh” ?
Tôi không phủ nhận, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt là một người rất tâm huyết với sự phát triển đô thị. Vì vậy, đến nay, cho dù đã nghỉ hưu nhưng đồng chí vẫn có những lời khuyên, những đóng góp quý báu cho chúng tôi.
Nhưng tôi cũng xin lưu ý rằng, vấn đề điều chỉnh là một quy luật của thế giới. Ngay cả những nước có trình độ quy hoạch phát triển cũng cần phải điều chỉnh quy hoạch. Ví dụ như nước Pháp có quy hoạch vùng Thủ đô Paris vào năm 1934 và năm 2007 họ đã điều chỉnh lần thứ 6. Hàn Quốc hiện nay đã điều chỉnh đô thị quốc gia lần thứ 4 rưỡi (chưa đủ thời hạn để điều chỉnh lần thứ 5 nhưng vẫn tiến hành điều chỉnh).
Bên cạnh đó, trước khi quyết định điều chỉnh thì chúng ta cũng có cất nhắc, lựa chọn xem cần điều chỉnh cái gì để phù hợp với sự phát triển của đất nước. Còn nếu cho rằng, quy hoạch của chúng ta vẫn còn bất cập thì đó cũng là một điều dễ hiểu bởi các nước khác người ta đã có những bộ luật về quy hoạch cách đây 70 -80 năm, trong khi nếu được phê duyệt thì đến cuối năm nay chúng ta mới có Luật Quy hoạch đô thị.
Vì vậy, nếu có còn bất cập về quy hoạch nhưng hệ thống đô thị Việt Nam phát triển được như ngày hôm nay thì đó cũng là một điều đáng tự hào, đặc biệt là đối với những con người làm công tác quy hoạch.
Lãnh đạo mới quyết định quy hoạch
Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, lẽ ra chúng ta đã có những quy hoạch tốt hơn nếu không có những nhà quy hoạch đã hy sinh những tiêu chí khoa học để chiều lòng cấp trên ?
Cần phải nhớ rằng, trách nhiệm của nhà khoa học quy hoạch là phân tích những lý luận về quy hoạch để đưa ra những chiến lược, tiêu chuẩn, ý tưởng để phục vụ cho sự quản lý đất nước. Nhà khoa học có thể đưa ra đề xuất nhưng nhìn nhận của nhà khoa học không phải khi nào cũng vượt quan được nhìn nhận của nhà lãnh đạo. Nhà khoa học ở lĩnh vực nào chỉ sâu về lĩnh vực đấy, nhưng ít có nhà khoa học nào có đủ tầm để kết nối liên ngành với các nhà khoa học khác. Đơn cử là việc cùng một thời điểm nhưng có nhiều văn bản pháp luật lại “vênh”với nhau.
Cho nên, nếu nói ở đâu đó cũng có thể có những nhà khoa học chiều lòng lãnh đạo nhưng cũng có thể hiểu theo một cách khác là họ tuân thủ một cách kỷ luật chỉ đạo của lãnh đạo. Nhưng cũng có những nhà khoa học, sau khi lãnh đạo chỉ đạo thì họ vẫn kiến nghị xem xét thêm, và thỉnh thoảng những ý kiến đấy vẫn được chấp thuận.
Việc phân cấp quy hoạch cho địa phương cũng được xem là nguyên nhân của bất cập trong quy hoạch, đặc biệt là tạo nên những quy hoạch manh mún, phá hỏng tính liên kết vùng, thưa ông ?
Bất kỳ một cấp lãnh đạo nào cũng đều mong muốn mình có quyền quyết định những vấn đề trên địa bàn mình quản lý. Chính vì vậy, phân quyền phân cấp vẫn đang là khuynh hướng của thế giới, đặc biệt là trong vấn đề quy hoạch.
Do vậy, theo tôi, phân cấp quy hoạch vẫn là một chủ trương đúng đắn. Chỉ có điều do năng lực, trình độ quản lý của cán bộ tại địa phương không đáp ứng được yêu cầu công việc nên vẫn có tình trạng nơi này tốt, nơi kia yếu kém.
Phải có tên trên bản đồ đô thị
Liên quan đến việc quy hoạch mở rộng Hà Nội. Tại sao chúng ta lại không tổ chức thi tuyển mà lại tiến hành chỉ định quy hoạch, thưa ông ?
Quy hoạch là một lĩnh vực rất quan trọng. Quy hoạch những đô thị càng lớn thì đòi hỏi một lực lượng những người làm công tác quy hoạch phải có trình độ cao, phải nắm được tổng hòa các số liệu từ xã hội, kinh tế cho đến an ninh, quốc phòng, môi trường…nếu không nắm được những điều đó thì không thể làm quy hoạch được.
Tuy nhiên, nếu những điều đó mà ai cũng nắm được thì chắc chắn bí mật quốc gia sẽ không được đảm bảo. Vì vậy, đối với quy hoạch những vùng kinh tế quan trọng, đặc biệt là thủ đô thì phải đảm bảo về mặt nào đó những yếu tố liên quan đến an ninh quốc phòng…
Vì vậy, trong quy hoạch những vùng quan trọng thì chỉ có những quy hoạch về công trình kiến trúc, những quy hoạch chi tiết thì mới được phép thi tuyển.
Quy hoạch Thủ đô Hà Nội là vấn đề của quốc gia và đã được Thủ tướng chỉ đạo giao cho Bộ Xây dựng điều hành thực hiện quy hoạch này.
Thưa ông, Thủ đô Hà Nội vốn đã phải đối mặt với tốc độ đô thị hóa cao. Với việc mở rộng sắp tới, liệu áp lực đô thị hóa lại càng tăng ?
Việc mở rộng địa giới Hà Nội như thế nào và mở rộng đến đâu là thuộc về lĩnh vực quản lý hành chính mà cụ thể là do Bộ Nội vụ đảm nhận. Việc mở rộng địa giới hành chính và quy hoạch mở rộng là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau. Quy hoạch mở rộng là thuộc về phát triển đô thị. Còn mở rộng địa giới hành chính có theo cái quy hoạch ấy không thì phụ thuộc vào những nghiên cứu của quản lý hành chính.
Dù là một đất nước với hơn 80 triệu dân nhưng trên bản đồ đô thị lớn của thế giới (10 triệu dân trở lên) thì không có một chấm nào dành cho Việt Nam. Ngay cả so với nhiều nước trong khu vực thì chúng ta vẫn chưa thể có mặt trong nhóm những quốc gia có trình độ quản lý đô thị từ 10 triệu dân trở lên.
Vẫn biết rằng, có những vấn đề búc xúc đối với những đô thị lớn. Tuy nhiên, những đô thị khổng lồ lại có được những yếu tố hiện đại, trong đó có yếu tố khuyến khích trình độ quản lý hiện đại. Không lẽ, Việt Nam với 730 đô thị và gần 10 nghìn điểm dân cư nông thôn (một quỹ đô thị rất lớn của tương lai) lại không có những đô thị tham gia vào bảng những đô thị tầm cỡ thế giới?
Vì vậy, Chính phủ xác định Thủ đô Hà Nội phải trở thành một thành phố đi đầu trong phát triển đô thị hiện đại, mang tầm cỡ để Việt Nam phải có tên trên bản đồ đô thị thế giới.
Mong muốn như vậy nhưng năng lực và điều kiện của mình liệu có đáp ứng được không thưa ông ?
Theo tôi thì chúng ta hoàn toàn có thể khắc phục được những yếu kém và cả sai sót của lịch sử trong quy hoạch đô thị để có thể đưa Hà Nội trở thành một đô thị hiện đại.