15:23 16/11/2011

Doanh nghiệp châu Âu sẽ tiếp tục kêu ca về “tiếp cận thị trường”

Hoài Ngân

Cuối tháng này, EuroCham sẽ chính thức công bố sách trắng “Các vấn đề thương mại/đầu tư và kiến nghị” lần thứ tư

Cuối tháng này, Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) sẽ chính thức công bố sách trắng “Các vấn đề thương mại/đầu tư và kiến nghị” lần thứ tư.

Tuy nhiên, thông điệp mà EuroCham đưa ra ngày 16/11 đã cho thấy rằng các doanh nghiệp châu Âu sẽ tiếp tục kêu ca về môi trường kinh doanh tại Việt Nam, nhất là trong vấn đề "tiếp cận thị trường".

Sách trắng 2012 tóm tắn các vấn đề chính ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, bao quát nhiều ngành lớn mà hơn 750 công ty thành viên của EuroCham đang tham gia như: dược phẩm, sản phẩm tiêu dùng nhanh, năng lượng, viễn thông, ôtô, du lịch và ngân hàng. 

Nhân dịp công bố sách trắng 2012, EuroCham cũng sẽ phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức một cuộc tọa đàm bàn tròn với các đại diện cấp cao của các bộ và cơ quan liên quan tại Hà Nội.

Sách trắng 2012 cho thấy có ít sự cải thiện về môi trường kinh doanh trong năm 2011, một phần do tiến trình bầu cử dài, sự bất ổn nền kinh tế vĩ mô và một phần do các gánh nặng pháp lý mới và những hạn chế về thương mại. 

EuroCham cho rằng trong khi các doanh nghiệp châu Âu kiên nhẫn và vẫn hy vọng rằng môi trường kinh doanh tại Việt Nam sẽ được cải thiện thì lòng tin của họ đã có chiều hướng giảm từ đầu năm 2011, theo kết quả trong cuộc điều tra về chỉ số môi trường kinh doanh hàng quý (BCI) của EuroCham tại Việt Nam. 

Cụ thể, là tỉ lệ lạm phát cao kèm theo sự khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng, thiếu đồng bộ trong cơ sở hạ tầng và các gánh nặng về thủ tục hành chính vẫn tiếp diễn. Bên cạnh đó, một loạt các vấn đề mới liên quan đến “tiếp cận thị trường” ảnh hưởng đáng kể đến việc nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam đã tiếp tục ảnh hưởng đến suy nghĩ của châu Âu về môi trường kinh doanh tại Việt Nam. 

Ông Alain Cany, Chủ tịch Eurocham nói rằng để thu hút hơn nữa đầu tư nước ngoài chất lượng cao, Chính phủ Việt Nam cần tập trung các nỗ lực trọng năm 2012 nhằm loại bỏ tất các quy định không cần thiết trong việc tiếp cận thị trường mà ảnh hưởng đến tự do thương mại. 

Ngoài ra, việc thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước sẽ là một yếu tố quan trọng chính để phát triển hơn nữa kinh tế của Việt Nam. 

Tuy nhiên, EuroCham cũng tin tưởng rằng khi mà hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam và EU được ký kết, vốn đầu tư từ EU sẽ tiếp tục tăng về số lượng và chất lượng. Các doanh nghiệp châu Âu sẽ tăng cường nhận thức về Việt nam như là một cửa ngõ của ASEAN hoặc thậm chí là trụ sở chính từ đó họ có thể phục vụ hiệu quả thị trường ASEAN và các nước láng giềng như Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ. 

"Do đó, EuroCham tin rằng sau hơn 20 tháng từ cuộc nói chuyện đầu tiên giữa Việt Nam và EU, đây là thời điểm để khởi động chính thức các cuộc đàm phán nhằm đưa ra sự thống nhất về một FTA giữa Việt Nam và EU", TS. Matthias Dühn, Giám đốc điều hành EuroCham nói.