08:38 07/05/2019

Doanh nghiệp công nghệ Việt: Bất lợi do bị trói bởi tư duy cũ

Thủy Diệu

"Nếu đảo ngược được bất lợi và chính sách thực sự cởi trói thì doanh nghiệp công nghệ Việt sẽ có cơ hội phát triển không kém nước ngoài"

Ông Nguyễn Thế Tân, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần VCCorp chia sẻ tại buổi họp báo về Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam.
Ông Nguyễn Thế Tân, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần VCCorp chia sẻ tại buổi họp báo về Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam.

Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam nói chung chỉ có ba vấn đề là ưu đãi thuế, nhân sự và chính sách pháp lý, nhưng cả ba yếu tố này đều đang bất lợi. Nếu đảo ngược được bất lợi và chính sách thực sự cởi trói thì doanh nghiệp công nghệ Việt sẽ có cơ hội phát triển không kém nước ngoài.

Quan điểm được ông Nguyễn Thế Tân, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần VCCorp thẳng thắn chia sẻ tại buổi họp báo về Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức, chiều 6/5.

Doanh nghiệp bị "trói" vào tư duy cũ

Theo ông Tân, ở vấn đề ưu đãi thuế, ít nhất trong ngành nội dung số như VCCorp là doanh nghiệp đóng thuế cao nhất, hơn cả "tây", cùng tỷ lệ cạnh tranh cũng cao hơn so với Trung Quốc, do vậy bị bất lợi. Về nhân sự thì ưu đãi cho xuất khẩu phần mềm tốt hơn doanh nghiệp trong nước nên cũng bị thụt lùi so với các doanh nghiệp nước ngoài xuyên biên giới vào Việt Nam.

Ở góc độ pháp lý chính sách, ông Tân lấy ví dụ như trường hợp của Grab, đây là hệ thống kết nối người lái xe. "Ví dụ tôi là một người lái xe, tôi muốn kiếm tiền lúc đi làm về, giờ bắt phải đội mào lên nóc xe – như thế thì hỏng rồi, đội mào thì thôi gia đình, và gia đình thì nghỉ mào", ông Tân nói và cho rằng, chính sách như vậy là dùng tư duy cũ để trói, như thế thì doanh nghiệp sẽ "chết".

"Đưa ra dự thảo (dự thảo Nghị định mới thay Nghị định 86/2014 về Kinh doanh vận tải và điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng ôtô – PV) không phản ánh, không phục vụ gì cả. Nói là an toàn cho người dân cũng không phải, thu thuế cũng không phải, cũng chẳng chứng minh nó gây thiệt hại gì cả, mà chỉ là phục vụ cho quy định cũ, tư duy cũ. Vấn đề rất đơn giản nhưng cứ tranh luận mãi", ông Nguyễn Thế Tân nhìn nhận.

Vị Tổng giám đốc VCCorp dẫn giải, như mạng xã hội Facebook không có giấy phép (tại Việt Nam), không cần tôn chỉ mục đích, cũng chẳng có giấy phép sản xuất nội dung, nhưng vẫn "chạy". Nhưng nếu là mạng xã hội của Việt Nam thì bắt phạt "ông chủ" mạng, do vậy "ông chủ" mạng Việt Nam phải đếm luôn 70 triệu người Việt Nam nói cái gì, sai một câu thì xử lý trước, nếu không "ông" sẽ bị xử lý – và đây là tư duy quản lý cũ.

Hiện tại doanh nghiệp không được ưu đãi gì, thậm chí là bị trói, nên ông Tân hi vọng lần này, bên cạnh việc Bộ Thông tin và Truyền thông đang có nhiều chương trình như sửa đổi nghị định, tiếp thu các góp ý từ doanh nghiệp, cộng với Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam sắp tới, sẽ là bước tiến quan trọng trong việc chúng ta đảo ngược bất lợi đối với các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam thành, ít nhất phải bằng, hoặc thuận lợi hơn doanh nghiệp ngoại, để doanh nghiệp công nghệ Việt có cơ hội phát triển vượt bậc.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm cho biết, một trong những nội dung của diễn đàn tới đây là tập trung thảo luận cơ chế chính sách để khai thông nguồn lực trí tuệ, khai thông thị trường. Theo đó, Chính phủ có thể tháo gỡ cho các doanh nghiệp công nghệ trong thời gian tới thông qua "sandbox" - kế hoạch thí điểm về mặt chính sách, cũng như làm sao chính sách có được tính dự báo trước doanh nghiệp công nghệ làm cái mới, đưa ra các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới.

Mục tiêu là để các doanh nghiệp tự tin đầu tư nghiên cứu phát triển cái mới và những cái mới sẽ được áp dụng mà không gặp cản trở pháp lý nào cả, ông Tâm nói đồng thời cho rằng, một khi chúng ta tháo gỡ được (về chính sách quản lý) thì không gian để các doanh nghiệp công nghệ Việt phát triển được mở rộng ra rất nhiều.

Bài toán Việt do doanh nghiệp Việt giải

Chia sẻ tại buổi họp báo, Thứ trưởng Phan Tâm cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp công nghệ Việt. Thế mạnh của các công ty nội địa là sự am hiểu thị trường trong nước so với doanh nghiệp nước ngoài khi vào Việt Nam, đồng thời các doanh nghiệp công nghệ Việt sẽ hiểu rõ nhất bài toán của người Việt và đưa ra giải pháp tối ưu nhất.

Ông ví dụ điều này đã được chứng minh với nhiều dẫn chứng trong thực tế, trong số đó là Công ty phần mềm Misa đã thành công với phần mềm kế toán nhờ am hiểu chính sách đặc thù của Việt Nam mà phần mềm ngoại không có lợi thế bằng.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Hải Văn, Giám đốc khu vực miền Bắc thuộc Công ty cung cấp giải pháp bán hàng đa kênh Haravan, cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể giải quyết các bài toán của Việt Nam và có thể làm chủ cuộc chơi công nghệ tại thị trường trong nước và từ đó có thể tiến ra thị trường nước ngoài.

Từ kinh nghiệm thực tế, ông Hải cho biết, việc ứng dụng các công nghệ trên thế giới vào Việt Nam không hề đơn giản. Đầu tiên là mô hình kinh doanh giữa Việt Nam và các nước trên thế giới đã khác nhau. Thứ hai khi áp dụng các mô hình trên thế giới vào thị trường trong nước thì chỉ có những doanh nghiệp lớn và có doanh thu rất lớn mới có thể tiếp nhận và sử dụng được công nghệ này vì chi phí để triển khai lên tới vài trăm nghìn USD, thậm chí cả triệu USD. Còn doanh nghiệp nhỏ và vừa gần như không thể tiếp cận được.

Do vậy, theo ông, bài toán đặt ra là doanh nghiệp công nghệ Việt có thể phát triển giải pháp với chi phí vừa phải phục vụ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa này.

Bên cạnh câu chuyện "bài toán Việt do doanh nghiệp công nghệ Việt giải", ông Hùng Trần, Giám đốc điều hành của Got It – một trong những start-up Việt thành công tại thung lũng Silicon Valley, cho rằng, các tổ chức, Chính phủ cần chú trọng đào tạo nhân sự chất lượng cao, cần có cơ chế thử nghiệm những chính sách mới cho các mô hình kinh doanh mới.

"Vì nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố chính giúp cho việc xây dựng các công ty công nghệ thành hay bại. Tuy nhiên, tại Việt Nam, trình độ nhân sự kỹ sư công nghệ thông tin vẫn còn có khoảng cách lớn so với nước ngoài. Việt Nam nhiều nhân sự tham gia lĩnh vực công nghệ nhưng chủ yếu là gia công phần mềm, các kỹ sưu còn những hạn chế như năng lực công nghệ sáng tạo, tiếng Anh…", ông Hùng Trần nhận xét.