15:40 08/01/2020

Doanh nghiệp của Hà Lan tham gia liên kết, phát triển bền vững nghề nghêu Việt Nam

Mỹ An

Ngành nuôi nghêu đồng bằng sông Cửu Long đứng trước cơ hội mới khi liên kết theo chuỗi

Xã viên Hợp tác xã thuỷ sản Thạnh Lợi nhận tiền bán nghêu tại trụ sở Hợp tác xã - Ảnh: Hồng Hạnh
Xã viên Hợp tác xã thuỷ sản Thạnh Lợi nhận tiền bán nghêu tại trụ sở Hợp tác xã - Ảnh: Hồng Hạnh

Chiều 7/1, đến trụ sở hợp tác xã nhận tiền, cầm trên tay gần 200 triệu đồng, nhưng nét mặt của bà Trương Thị Phượng, xã viên Hợp tác xã thuỷ sản Thạnh Lợi (huyện Thạnh Phú, Bến Tre) kém vui.

Bởi đây là vụ đầu tiên người nuôi nghêu ở đây thua lỗ, sau nhiều năm đều có lãi, có vụ lãi tới trên 70%.

Vụ này, bà Phượng đầu tư 200 triệu đồng, nhưng nghêu chết nhiều, nên cuối vụ lỗ hơn 20%.

Nguyên nhân, theo bà Phượng là do thời tiết khắc nghiệt, do môi trường. Nhưng câu chuyện từ Giám đốc Hợp tác xã Thạnh Lợi, ông Nguyễn Văn Quyết với Giám đốc Công ty TNHH Thuỷ Sản Lenger Việt Nam còn cho thấy vai trò quan trọng của công nghệ, của một đầu ra ổn định cho sản phẩm nghêu. Mà, để giải quyết đồng bộ thì rất cần sự liên kết giữa doanh nghiệp và người nuôi nghêu.

Tìm hiểu rộng hơn, vấn đề của Thạnh Lợi cũng là quan tâm chung của nhiều vùng khác tại Đồng bằng sông Cửu Long, nơi mà nuôi nghêu được phát triển ở hầu hết các tỉnh. Trong đó Bến Tre, Tiền Giang và Trà Vinh là ba tỉnh trọng điểm với diện tích năm 2019 là 5.283 ha, trong đó, Bến Tre là 2.873 ha, Tiền Giang là 1.950 ha và Trà Vinh là 460 ha.

Cộng đồng nghề nghêu ba tỉnh mặc dù đã và đang hoàn thiện chứng nhận MSC (Marine Stewardship Council) – là nhãn hiệu cho sản phẩm thủy sản đảm bảo được khai thác từ một ngư trường bền vững, quản lý tốt và khai thác có một cách trách nhiệm nhưng khó khăn đang gặp phải là đầu ra bấp bênh, bị thương lái ép giá, không chủ động nguồn đầu ra, các giá trị của việc khai thác bền vững chưa được nhân rộng và những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến môi trường nuôi nghêu.

Giải quyết những khó khăn này như thế nào là vấn đề được quan tâm tại ký kết liên kết chuỗi nghêu theo tiêu chuẩn MSC giữa ba tỉnh nói trên  với công ty TNHH thủy sản Lenger Việt Nam, công ty có 100% vốn nước ngoài, do Tập đoàn Lenger Seafoods Hà Lan làm chủ đầu tư. Lenger là Tập đoàn đã có hơn 80 năm hoạt động đánh bắt, nuôi trồng, thu mua, chế biến và kinh doanh, phân phối các loại hải sản nhuyễn thể hai mảnh vỏ, tôm và mực, đang hoạt động có hiệu quả tại Việt Nam.

Diễn ra sáng 8/1, lễ ký kết là một sự kiện trong khuôn khổ dự án "Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị nghêu và tre ở Việt Nam" (2018 - 2022) được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu do Oxfam tại Việt Nam hợp tác với Trung tâm hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS), Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam thực hiện.

Theo biên bản ghi nhớ, mục tiêu hợp tác nhằm thúc đẩy cung ứng, tiêu thụ sản phẩm sạch, sản phẩm đạt chứng nhận MSC được truy xuất nguồn gốc một cách minh bạch. Đảm bảo đầu ra ổn định và nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong thu mua sản phẩm khai thác bền vững. Tạo chuỗi giá trị gia tăng hàng hóa bền vững đồng thời tăng doanh thu cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã/tổ hợp tác vùng nghêu.

Đồng hành cùng cộng đồng nghề nghêu trong phát triển bền vững, khai thác mà không làm suy giảm nguồn lợi.

Tham vọng của hợp tác còn là hướng tới liên kết toàn bộ vùng nuôi nghêu và góp phần nâng cao thu nhập cho hơn 20.000 người dân đang tham gia nghề nghêu 3 tỉnh Bến Tre, Tiền Giang và Trà Vinh.

81503895_2783844221700951_2783773891737157632_n

Ông Lương Đình Lân, quản lý chương trình cấp cao, Oxfam tại Việt Nam phát biểu tại buổi lễ - Ảnh: Hồng Hạnh

Phát biểu trước khi ký biên bản ghi nhớ, ông Nguyễn Hồ Nguyên, Giám đốc Công ty TNHH Thuỷ Sản Lenger Việt Nam chia sẻ, lâu nay bà con cứ nghĩ con nghêu bình thường quá, giá cũng không cao, nhưng hiện tại công ty đang bán từ 37 đến 40 ngàn một kg, cao hơn giá bà con đang bán cho thương lái. 

Đáng chú ý là sản phẩm nghêu của Việt Nam đã có tiếng ở thị trường nước ngoài. Súp thịt nghêu đã phổ biến khắp Hàn Quốc, họ dự định sẽ mua từ 10 tấn - 20 tấn ruột nghêu mỗi năm, tức là từ 100- 200 tấn nghêu nguyên con.

Trung Quốc chưa được phép xuất nghêu sang thị trường Châu Âu nhưng Việt Nam đã được phép, Nhật cũng rất quan tâm đến con nghêu của Việt  Nam, ông Nguyên nói thêm.

Đã trực tiếp làm việc với Giám đốc Nguyên, Giám đốc Hợp tác xã Thuỷ Sản Thạnh Lợi, ông Nguyễn Văn Quyết nói: lâu nay hợp tác xã vẫn bán nghêu theo cách cũ, tức là bán đấu giá cho thương lái, nay giá này mai giá khác. Nay liên kết với doanh nghiệp thì đầu ra ổn định, giá cả ổn định, vấn đề còn lại là lo vận chuyển từ Bến Tre ra công ty đảm bảo chất lượng.

Cho biết Lenger là doanh nghiệp đầu tiên quan tâm đến liên kết chuỗi nghêu tại ba tỉnh, ông Lương Đình Lân, quản lý chương trình cấp cao, Oxfam tại Việt Nam bày tỏ mong muốn trong tương lai sẽ có nhiều doanh nghiệp hơn quan tâm đến chương trình này, để con nghêu thực sự mang lại thu nhập ổn định cho bà con vùng nghêu.

Ông Lân cũng cho rằng mục tiêu lớn mà sự liên kết cần đạt được là những hợp tác xã, cá nhân nuôi nghêu theo tiêu chuẩn MSC phải nhận được lợi ích cao hơn và mối quan hệ giữa doanh nghiệp với người nuôi nghêu ngày càng bền chặt, đưa ngành nuôi nghêu phát triển bền vững.