Doanh nghiệp đánh rơi thương hiệu
Việt Nam đã trở thành thành viên của WTO, song vẫn còn có những doanh nghiệp "ngây thơ" đánh rơi thương hiệu của chính mình
Vào giữa tuần trước, giới truyền thông ngạc nhiên khi nhận được thông cáo báo chí từ một công ty truyền thông phát đi. Thông cáo nói về sự kiện DHL chính thức hoạt động dưới hình thức liên doanh mới, tuy nhiên điểm chú ý của thông cáo là vẫn còn sử dụng từ “Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT)”.
Trong khi đó, VNPT đã được “nâng cấp” trở thành Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT Group) và đi vào hoạt động từ 26/3/2006.
Đây không phải là chuyện giờ mới xảy ra với VNPT, mà trước đó vào đầu tháng 10/2006, khi Bộ Bưu chính Viễn thông và Liên minh Châu Âu (EU) phát hành bộ tem “Quan hệ hợp tác Việt Nam - EU” mọi người vẫn còn nhìn thấy dòng chữ “Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam” từ thông cáo báo chí.
Chuyện “nhầm lẫn” này có thể “đổ tội” do phía đơn vị làm thông tin cập nhật “trễ”. Nhưng thực tế lại có chuyện tự tay doanh nghiệp đánh rơi thương hiệu của mình.
Vào quý 1/2005, Công ty Viễn thông Quân đội (Viettel) được phê duyệt chuyển thành Tổng công ty Viễn thông Quân đội. Tuy nhiên, sau gần 2 năm được “thăng hạng”, trang thông tin điện tử (website) của Viettel vẫn chình ình dòng chữ “Công ty Viễn thông Quân đội”.
Qua câu chuyện trên, dường như một số doanh nghiệp vẫn còn chưa mặn mà với chính thương hiệu của mình. Vấn đề là nhỏ khi đó chỉ là cách gọi tên, tuy nhiên về mặt ý nghĩa về hình ảnh và thương hiệu của một doanh nghiệp lại là một giá trị lớn.
Bởi để từ “tổng” thành “tập đoàn, hoặc từ “công ty” thành “tổng công ty” không phải là chuyện dễ như trở bàn tay, vì sự chuyển đổi này phải có sự chấp thuận của Chính phủ. Hơn nữa, việc chuyển đổi như vậy có ý nghĩa rất lớn đối với một doanh nghiệp, khi được mở rộng cả về quy mô lần tầm vóc.
Sự sao nhãng của doanh nghiệp rơi vào thời điểm Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) khiến nhiều người không khỏi băn khoăn. “Chuyện nhỏ” mà doanh nghiệp đã không làm tốt, vậy còn những "chuyện lớn" khi vào sân chơi chung của toàn cầu thì sao?
Ngược lại, thực tế có nhiều doanh nghiệp về danh nghĩa mới chỉ là tổng công ty hoặc công ty, song muốn nâng vị thế của mình, một số lãnh đạo khi trao đổi với báo giới luôn nói là tập đoàn hoặc tổng công ty.
Chẳng hạn, trong một số phát biểu trước báo giới, một lãnh đạo của Công ty FPT thường nhắc tới cụm từ "Tập đoàn FPT". Một số thông cáo phát đi từ FPT cũng sử dụng cụm từ này.
Nhưng trên văn bản, FPT được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ từ việc chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước là Công ty Phát triển Đầu tư công nghệ thành Công ty Cổ phần Phát triển Đầu tư công nghệ (FPT).
Tầm quan trọng và ý nghĩa thương hiệu của doanh nghiệp đã được đề cập nhiều trong các buổi hội thảo, đào tạo và trên phương tiện truyền thông đại chúng, vấn đề còn lại là ở nhận thức và hành động của doanh nghiệp.