11:52 26/07/2007

Doanh nghiệp FDI: Chỉ nhập khẩu, không phân phối

Hồng Thoan

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có quyền nhập khẩu hàng hóa, nhưng sẽ không được thiết lập hệ thống phân phối

Theo Bộ trưởng Trương Đình Tuyển, nếu như các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nắm toàn bộ phân phối thì khi ấy quyền nhập khẩu của họ lại gắn với quyền phân phối, điều này tạo ra sức mạnh thị trường ghê gớm và có thể khống chế được sản xuất.
Theo Bộ trưởng Trương Đình Tuyển, nếu như các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nắm toàn bộ phân phối thì khi ấy quyền nhập khẩu của họ lại gắn với quyền phân phối, điều này tạo ra sức mạnh thị trường ghê gớm và có thể khống chế được sản xuất.
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có quyền nhập khẩu hàng hóa, nhưng sẽ không được thiết lập hệ thống phân phối.

Theo Thông tư số 09/2007 hướng dẫn thi hành Nghị định số 23/2007/NĐ-CP được Bộ Thương mại ban hành ngày 17/7/2007, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã được cấp phép thực hiện quyền nhập khẩu có quyền bán mỗi nhóm hàng nhập khẩu (bao gồm các mặt hàng thuộc một chương của Biểu thuế nhập khẩu) cho một thương nhân có đăng ký kinh doanh mua bán hoặc có quyền phân phối nhóm hàng đó.

Thương nhân này do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tự lựa chọn và đăng ký với cơ quan cấp phép có thẩm quyền.

Như vậy, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có quyền nhập khẩu hàng hoá, đưa về các cảng tại Việt Nam, làm thủ tục để đưa hàng hoá vào trong nước, nhưng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được bán cho một doanh nghiệp bất kỳ của Việt Nam mà họ đã lựa chọn, chứ doanh nghiệp nước ngoài không được thiết lập hệ thống phân phối.

Bộ Thương mại không có quyền can thiệp vào việc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chọn nhà phân phối trong nước. Tuy nhiên, một yêu cầu bắt buộc là doanh nghiệp phân phối được lựa chọn phải là doanh nghiệp được quyền phân phối mặt hàng đó, còn quy mô doanh nghiệp phân phối lớn hay nhỏ không quan trọng.

Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển đã lý giải về quy định này như sau: “Nếu một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cùng bán một nhóm hàng nhập khẩu cho rất nhiều doanh nghiệp trong nước thì tự nhiên lại hình thành mạng lưới phân phối trá hình”.

Vì vậy, theo ông Tuyển, thì đây “chính là điều mà chúng ta rất cần phải cân nhắc, xử lý cho nghiêm túc. Một mặt, vừa bảo đảm thực thi cam kết gia nhập WTO, mặt khác vừa chống được kênh phân phối trá hình, bởi nếu không cẩn thận thì người nào nắm phân phối thì người đó sẽ chi phối sản xuất.

Nếu như các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nắm toàn bộ phân phối thì khi ấy quyền nhập khẩu của họ lại gắn với quyền phân phối, điều này tạo ra sức mạnh thị trường ghê gớm và có thể khống chế được sản xuất.

Lúc đó, có khi người ta chỉ mua hàng nước ngoài về phân phối tại Việt Nam thôi, chứ không chịu mua hàng xuất, bởi vì người ta muốn tìm lợi nhuận từ khi sản xuất cho đến cả một chuỗi giá trị từ đầu vào cho đến đầu ra của sản phẩm hàng hoá”.

Khả năng cạnh tranh, khả năng chi phối thị trường tuỳ thuộc vào việc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có lập được chuỗi phân phối hay không. Trên thế giới, phân phối được coi là một lĩnh vực rất nhạy cảm. Một ví dụ được dẫn ra là ở Trung Quốc, vấn đề bị phê phán nhiều nhất chính là lĩnh vực phân phối, chứ không phải là bảo hiểm hay ngân hàng.

Trong điều kiện tại Việt Nam hiện đang có tới hàng triệu hộ kinh doanh nhỏ thì những chuỗi phân phối của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có thể làm phá sản các đối tượng kinh doanh này. Bởi vì có thể có nguy cơ nếu như các nhà doanh nghiệp nước ngoài thao túng thị trường sẽ làm cho hàng loạt các hộ kinh doanh nhỏ của Việt Nam rơi vào tình cảnh khó khăn.

Ông Tuyển giải thích thêm: “Chính sách của chúng ta vẫn phải bảo vệ cho những người kinh doanh nhỏ cho nên, trong cam kết gia nhập WTO, Việt Nam đã đấu tranh để bảo vệ điều này và các nước đã chấp nhận”.

Đồng thời, Thông tư 09 cũng nêu rõ việc lập cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất sẽ được xem xét theo từng trường hợp cụ thể căn cứ vào số lượng các cơ sở bán lẻ, sự ổn định của thị trường, mật độ dân cư trên địa bàn tỉnh, thành phố nơi đặt cơ sở bán lẻ; sự phù hợp của dự án đầu tư với quy hoạch của tỉnh, thành phố đó.

Theo Bộ Thương mại, mục tiêu quan trọng của những tiêu chí này là nhằm tạo ra được một môi trường cạnh tranh hợp lý, đảm bảo tính công bằng cho các doanh nghiệp. Như vậy, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam lập cơ sở phân phối thì được lập một cơ sở bán lẻ thứ nhất, còn cơ sở bán lẻ thứ hai phải được Bộ Thương mại chấp nhận thì mới được thành lập.

Nguyên nhân chính, theo Bộ trưởng Trương Đình Tuyển, là để hạn chế việc hình thành những chuỗi thao túng thị trường của các doanh nghiệp nước ngoài. “Điều này dẫn tới một vấn đề là Bộ Thương mại phải nhanh chóng đưa ra một quy định về việc thiết lập mạng lưới bán lẻ thứ hai trên một số tiêu chí tương đối rõ ràng và minh bạch”.

Hiện nay, Bộ Thương mại vẫn đang tiếp tục nghiên cứu những tiêu chí cụ thể. Nhưng bởi đây là một vấn đề khó nên thời gian để đưa ra những tiêu chí này, cụ thể hoá vào trong luật có thể sẽ chậm.

“Vấn đề đau đầu nhất là làm thế nào để phân biệt được quyền nhập khẩu và quyền phân phối, làm thế nào để các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không lợi dụng các quyền này để thiết lập hệ thống phân phối trá hình, không hợp lý. Tuy nhiên, việc này cũng không thể kéo dài mãi, đến một lúc nào đấy, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ được quyền phân phối gắn với quyền nhập khẩu nữa”, ông Tuyển cho biết.

Cũng theo ông Tuyển, đến ngày 1/1/2009, đối với nhiều mặt hàng, nhiều sản phẩm nhập khẩu vào Việt Nam sẽ không còn vấn đề gì vướng mắc trong phân phối nữa, bởi vì lúc đó doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ vừa có quyền nhập khẩu, vừa có quyền phân phối.