11:07 29/05/2013

Doanh nghiệp FDI có cơ hội thoát “án treo” phạm luật

Hoài Ngân

Việc trình Quốc hội ban hành Luật sửa đổi điều 170 Luật Doanh nghiệp được xem là động thái cầu thị của Chính phủ

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 1/7/2011 là thời 
hạn cuối cùng thực hiện đăng ký lại, trong số 6.000 doanh nghiệp có vốn 
đầu tư nước ngoài thì có 2.916 doanh nghiệp đã đăng ký lại theo quy định
 của điểm a, khoản 2; còn khoảng 3.000 doanh nghiệp không đăng ký lại 
theo quy định của điểm b, khoản 2 - Ảnh: VIR.
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 1/7/2011 là thời hạn cuối cùng thực hiện đăng ký lại, trong số 6.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì có 2.916 doanh nghiệp đã đăng ký lại theo quy định của điểm a, khoản 2; còn khoảng 3.000 doanh nghiệp không đăng ký lại theo quy định của điểm b, khoản 2 - Ảnh: VIR.
Không chỉ là việc chỉnh sửa “kỹ thuật” thuần túy, việc Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật sửa đổi điều 170 Luật Doanh nghiệp có thể xem là một thái độ cầu thị, trước những đòi hỏi từ thực tiễn.

“Thở phào”


Theo dự thảo Luật sửa đổi điều 170 của Luật Doanh nghiệp số 60/2005/QH11, khoản 2 điều 170 được sửa đổi theo đó doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập trước ngày 1/7/2006, có quyền thực hiện đăng ký lại để tổ chức quản lý, hoạt động theo quy định của luật này và pháp luật có liên quan.

Trường hợp không đăng ký lại, doanh nghiệp tổ chức quản lý và hoạt động theo giấy phép đầu tư, điều lệ doanh nghiệp. Đối với những nội dung không quy định tại giấy phép đầu tư, điều lệ doanh nghiệp, doanh nghiệp thực hiện theo quy định của luật này và pháp luật có liên quan.

Trường hợp điều chỉnh, bổ sung giấy phép đầu tư, điều lệ doanh nghiệp, doanh nghiệp thực hiện theo quy định của pháp luật tại thời điểm điều chỉnh, bổ sung đối với những nội dung điều chỉnh, bổ sung.

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập trước ngày 1/7/2006, đã hết thời hạn hoạt động theo quy định tại giấy phép đầu tư sau ngày 1/7/2006 và chưa thực hiện thủ tục giải thể doanh nghiệp, được thực hiện thủ tục đăng ký lại để tiếp tục hoạt động. Doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm trước pháp luật các vấn đề phát sinh kể từ ngày hết hạn hoạt động theo quy định tại giấy phép đầu tư cho đến thời điểm đăng ký lại doanh nghiệp.

Nếu thay đổi này trở thành thực tế, hàng loạt doanh nghiệp FDI sẽ “thở phào” vì thoát khỏi cái “án treo” phạm luật vẫn lơ lửng trên đầu lâu nay, dẫn đến nguy cơ phải chấm dứt hoạt động, giải thể.

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 1/7/2011 là thời hạn cuối cùng thực hiện đăng ký lại, trong số 6.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì có 2.916 doanh nghiệp đã đăng ký lại theo quy định của điểm a, khoản 2; còn khoảng 3.000 doanh nghiệp không đăng ký lại theo quy định của điểm b, khoản 2.

Các doanh nghiệp này có tổng số vốn đăng ký là 18,5 tỷ USD, số lao động sử dụng 446.000 người. Đến nay, có một số doanh nghiệp đã hết thời hạn hoạt động quy định tại giấy phép đầu tư nhưng muốn đăng ký lại để tiếp tục hoạt động; một số doanh nghiệp còn thời hạn hoạt động được ghi trong giấy phép đầu tư nhưng muốn được bổ sung, mở rộng ngành nghề kinh doanh.

Trong số này có một số doanh nghiệp đã đầu tư vào Việt Nam trong những năm đầu đổi mới, có đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội như tạo việc làm, nộp ngân sách…, và có nhu cầu được tiếp tục hoạt động lâu dài tại Việt Nam.

Tạo ra tiền lệ?

Việc trình Quốc hội ban hành Luật sửa đổi điều 170 Luật Doanh nghiệp được xem là động thái cầu thị của Chính phủ trước một quy định không hợp lý. Tuy nhiên, hiện cũng có những ý kiến nói rằng việc sửa luật sẽ tạo ra tiền lệ không tốt trong tiến trình hoàn thiện pháp luật.

Một số ý kiến cho rằng việc các doanh nghiệp FDI không thực hiện đăng ký lại trong thời hạn quy định của pháp luật, dù đã được gia hạn hai lần, đã thể hiện một thái độ “nhờn” quy định pháp luật.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết trong quá trình chuẩn bị cho việc sửa đổi, một số ý kiến cho rằng nội dung này đã được sửa đổi, gia hạn thời gian 1 lần năm 2009, nay tiếp tục sửa đổi sẽ không thể hiện được tính tôn nghiêm pháp luật. Mặt khác, dự án Luật doanh nghiệp (sửa đổi) cũng đã được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, dự kiến trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến vào kỳ họp thứ 7, do vậy, chưa cần thiết phải sửa đổi riêng điều 170 của Luật này.

Những lo lắng về việc sẽ tạo ra tiền lệ xấu trong tiến trình làm luật là rất đáng chú ý. Tuy nhiên, đây thực sự là cơ hội để nhìn lại quá trình xây dựng các luật khi còn ở giai đoạn dự thảo.

Trao đổi với VnEconomy gần đây, một chuyên gia luật hàng đầu về đầu tư nước ngoài nói ngay từ thời điểm soạn Luật Doanh nghiệp 2005, đã có những ý kiến nói không cần thiết quy định vấn đề này trong luật để trong tương lai tránh được chuyện "thả gà ra đuổi".

Về nội dung sửa đổi khoản 2, điều 170 của Luật Doanh nghiệp, đa số thành viên Ủy ban Kinh tế tán thành về nội dung sửa đổi như đã nêu, tuy nhiên một số ý kiến khác đề nghị cần quy định rõ trường hợp ưu đãi đầu tư doanh nghiệp đang được hưởng cao hơn so với việc áp dụng theo quy định của pháp luật tại thời điểm điều chỉnh, doanh nghiệp tiếp tục được hưởng ưu đãi đầu tư đó đến hết hiệu lực của giấy phép đầu tư.

Ngược lại, có ý kiến cho rằng, tại khoản 2, điều 11 Luật Đầu tư đã có quy định này, do vậy không nên quy định lại trong Luật sửa đổi Điều 170 của Luật Doanh nghiệp.

Trường hợp doanh nghiệp đã hết thời hạn hoạt động ghi trong giấy phép đầu tư nhưng thực tế vẫn hoạt động, vẫn thực hiện các giao dịch, ký kết các hợp đồng thì cần bổ sung quy định về hiệu lực hồi tố để tránh các hệ quả pháp lý phát sinh. Tuy nhiên, một số ý kiến tán thành với tờ trình của Chính phủ và đề nghị không bổ sung quy định về hiệu lực hồi tố đối với những trường hợp này.

Bên cạnh đó, có những ý kiến đề nghị cần rà soát cụ thể và chỉ cho phép doanh nghiệp đăng ký lại hoặc mở rộng ngành nghề nếu hoạt động đầu tư không vi phạm pháp luật (về bảo vệ môi trường, về thực hiện nghĩa vụ thuế...), phù hợp với quy hoạch, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam.