11:20 21/06/2007

Doanh nghiệp FDI Hải Phòng kiến nghị ba vấn đề cấp bách

Minh Khôi

Nếu môi trường đầu tư tại Việt Nam, trong đó có Hải Phòng không đáp ứng đủ 3 yêu cầu này, thì nguồn vốn FDI sẽ giảm đi rất nhiều

Khu công nghiệp Nomura, Hải Phòng, đã được lấp đầy trên 90%.
Khu công nghiệp Nomura, Hải Phòng, đã được lấp đầy trên 90%.
Tính đến hết tháng 5/2007, đầu tư FDI vào Hải Phòng đã đạt con số 254 dự án với tổng vốn đầu tư xấp xỉ 2,5 tỷ USD. Các dự án FDI lớn tập trung nhiều nhất vào 3 khu công nghiệp trọng điểm của thành phố là: Nomura, Đình Vũ và Đồ Sơn.

Chỉ tính riêng trong 5 tháng đầu năm 2007, Hải Phòng đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 5 dự án FDI mới và điều chỉnh 2 dự án, thu hút vốn đầu tư mới đạt trên 57 triệu USD, tăng 120% so với cùng kỳ năm 2006. Từ năm 2002 đến hết tháng 5/2007, các khu công nghiệp đã đưa kim ngạch xuất khẩu của Hải Phòng đạt trên 1,53 tỷ USD (riêng 6 tháng đầu năm 2007 đạt 150 triệu USD). Các dự án FDI đã vươn lên chiếm 44% tổng giá trị sản xuất công nghiệp và chiếm 48% kim ngạch xuất khẩu của cả thành phố, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho gần 20.000 người.

Bên cạnh các dự án đã đầu tư và đi vào hoạt động, còn có thêm nhiều dự án FDI lớn khác đang trong giai đoạn xúc tiến đầu tư, như: dự án sản xuất hàng điện tử GE (Mỹ) với số vốn đầu tư khoảng 100 triệu USD, dự án sản xuất đồ nhựa, gỗ (CHLB Đức) với số vốn đầu tư khoảng 50 triệu USD...

Cùng với lĩnh vực công nghiệp, thì lĩnh vực du lịch, vui chơi giải trí cũng dành được sự quan tâm của các nhà đầu tư, trong đó đáng chú ý nhất là dự án đầu tư xây dựng sân golf và hệ thống các công trình phụ trợ (nhà nghỉ dưỡng, khách sạn, làng nghề, khu thương mại, công viên nước, vườn thú...) của Công ty Mibeak thuộc Tập đoàn Mibaek (Hàn Quốc) với tổng mức đầu tư 330 triệu USD.

Đến nay, Hải Phòng đã xây dựng được nhiều khu công nghiệp trọng điểm với từng lĩnh vực, mục tiêu cụ thể, trong số đó có một số Khu công nghiệp đã đạt chuẩn quốc tế, như Khu công nghiệp Nomura, Đình Vũ. Hiện tại, các khu công nghiệp này đều được đánh giá là có cơ sở hạ tầng hiện đại, đồng bộ ở Việt Nam, đồng thời có tỉ lệ vốn đầu tư nước ngoài đạt rất cao.

Riêng Khu công nghiệp Nomura là 5 triệu USD/ha, tỉ suất đầu tư bình quân đạt 7 triệu USD/ha, hiện đã lấp đầy trên 90% diện tích với nhiều dự án lớn của các nhà đầu tư đã có thương hiệu nổi tiếng như Tập đoàn Toyoda, Yazaky, Pierneer..., đóng góp 60% doanh số xuất khẩu của Hải Phòng, tạo việc làm cho 15.000 lao động.

Khu công nghiệp Đình Vũ (được lãnh đạo Tp. Hải Phòng đặt mục tiêu là xây dựng thành Trung tâm hậu cần và công nghiệp đạt chuẩn quốc tế) cũng đã lấp đầy 91,45% (giai đoạn 1) với 17 nhà đầu tư đạt tổng vốn là 368,2 triệu USD, trong đó có nhiều thương hiệu quen thuộc đã được thế giới biết đến như: Chervon, Proconco, Petro Vietnam, PDC (Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam)... Hiện tại, Khu công nghiệp Đình Vũ đang triển khai giai đoạn 2, trong đó, đối tượng chính mà khu công nghiệp này hướng tới là các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính lớn, công nghệ cao đến từ các nước châu Âu và Hoa Kỳ.

Mặc dù thu hút đầu tư FDI vào Hải Phòng đã có nhiều khởi sắc như vậy, nhưng theo thống kê của các ban, ngành, các khu công nghiệp của thành phố thì đến hết tháng 5/2007, các dự án FDI đầu tư vào Hải Phòng có tổng vốn mới chỉ chiếm chưa đầy 3,6% của cả nước. Một số tập đoàn kinh tế lớn có thương hiệu nổi tiếng trên thế giới đều đã có mặt tại Hải Phòng, nhưng phần lớn các dự án đều ở quy mô nhỏ, chưa có nhiều dự án đầu tư công nghệ cao.

Với vị trí là 1 cực tăng trưởng vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, có cảng biển quốc tế lớn nhất miền Bắc, thứ hai cả nước (sau Tp.HCM) đồng thời là đầu mối giao thông đường bộ, đường thuỷ, đường hàng không khá đồng bộ, là 1 trung tâm công nghiệp thương mại, du lịch lớn của Việt Nam, Hải Phòng đặt mục tiêu thu hút 300 triệu USD trong năm 2007 và đưa tổng vốn đầu tư FDI đạt 5 tỷ USD vào năm 2010.

Để tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư FDI tại Việt Nam nói chung và tại Hải Phòng nói riêng, ông Jiro Takano, Tổng giám đốc Công ty Toyoda Gosei (thuộc Tập đoàn Toyoda Gosei) - doanh nghiệp có vốn đầu tư lớn nhất tại Hải Phòng hiện nay (75 triệu USD) lại nêu ra 3 vấn đề cụ thể cần cải thiện sớm.

Thứ nhất, tạo ra một môi trường đầu tư ổn định về nhân lực và coi đây là thế mạnh để thu hút đầu tư, đồng thời tạo ra một môi trường sinh hoạt tiện lợi cho người lao động.

Thứ hai, giảm thiểu, tiến tới xoá bỏ tình trạng mất điện như hiện nay, vì sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sản xuất-kinh doanh của các doanh nghiệp.

Thứ ba, các doanh nghiệp có vốn FDI rất muốn phía các doanh nghiệp trong nước cung cấp nguồn nguyên liệu ổn định để cùng nhau hợp tác phát triển.

Ông Jiro Takano nói thêm, trong vòng 2, 3 năm tới các doanh nghiệp Nhật Bản vẫn sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên nếu môi trường đầu tư tại Việt Nam, trong đó có Hải Phòng không đáp ứng đủ 3 yêu cầu trên, thì nguồn đầu tư FDI sẽ giảm đi rất nhiều trong các năm tiếp theo...