09:12 07/04/2008

Doanh nghiệp FDI lại kêu “vướng”

Nam Dương

Với cùng một dự án, việc xin phép đầu tư ở phía Nam có vẻ khó khăn, nhưng sẽ dễ dàng hơn nếu xin phép ở miền Bắc

Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lại tiếp tục phàn nàn về thủ tục đăng ký và các qui định liên quan.
Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lại tiếp tục phàn nàn về thủ tục đăng ký và các qui định liên quan.
Ngày 4/4, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hoạt động trên năm tỉnh, thành lớn ở khu vực phía Nam bao gồm Tp.HCM, Bình Dương. Đồng Nai, Long An và Bà Rịa-Vũng Tàu đã gặp gỡ với các giới chức của các Sở Kế hoạch và Đầu tư và Cục Đầu tư nước ngoài.

Các doanh nghiệp lại tiếp tục phàn nàn về thủ tục đăng ký và các qui định liên quan.

Bức xúc của doanh nghiệp

Ông Frederick Burke, Giám đốc điều hành Công ty Luật Baker & McKenzie, cho biết, dường như việc cấp phép trở nên khó khăn hơn ở Việt Nam sau khi Việt Nam tham gia vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cũng như nhiều luật mới và thống nhất được ban hành. Lẽ ra, thủ tục sẽ thông thoáng và dễ dàng hơn, nhưng các nhà đầu tư nước ngoài trong cuộc gặp gỡ cho rằng tình hình không được như thế.

Theo ông Burke, sự khắt khe trong giới chức địa phương xuất hiện nhiều hơn ở các tỉnh, thành khu vực phía Nam. Ông kể trường hợp một một hồ sơ xin mở văn phòng đại diện của công ty Mỹ về giáo dục. Hồ sơ này phải cần xin ý kiến của 12 cơ quan trung ương và địa phương liên quan trước khi chuyển cho Bộ Giáo dục và Đạo tạo cấp phép. Tuy nhiên đã hơn một năm nay hồ sơ này vẫn chưa được chấp thuận.

Cũng liên quan đến vấn đề giáo dục, bà Phan Thị Thùy Dương, Trưởng bộ phận Pháp lý của Công ty PricewaterhouseCoopers thắc mắc tại sao Tp.HCM lại hạn chế đầu tư trong lĩnh vực giáo dục trong khi giáo dục đang là ưu tiên hàng đầu ở Việt Nam. Bà kể một dự án thành lập trung tâm dạy phần mềm ở nội thành cực kỳ khó khăn khi đi xin giấy phép của các quan chức năng ở Tp.HCM.

Ông Trần Anh Đức, Giám đốc Công ty Luật Hồng Đức Vilaf, nói rằng các quan chức ở phía Nam trở nên bảo thủ hơn và khắt khe hơn. Với cùng một dự án, việc xin phép đầu tư ở phía Nam có vẻ khó khăn, nhưng sẽ dễ dàng hơn nếu xin phép ở miền Bắc.

Xuất phát từ cùng quan điểm trên, ông Burke cho rằng ngày càng nhiều nhà đầu tư của Nhật và Hàn Quốc mở nhà máy ở khu vực phía Bắc thay vì ở phía Nam. Các tỉnh phía Nam thu hút nhiều vốn đầu tư nhưng chỉ tập trung vào lĩnh vực nhiều lao động như dệt may, giày dép... trong khi tại phía Bắc nhiều nhà đầu tư công nghệ cao mở nhà máy. Ông Burke cho rằng đây là điều cần suy nghĩ vì lẽ ra các nhà đầu tư công nghệ cao theo chân Intel vào phía Nam nhưng họ lại chọn phía Bắc.

Bên cạnh những vướng mắc riêng ở các tỉnh, thành phía Nam, các nhà đầu tư nước ngoài còn phàn nàn về những qui định chung ở Việt Nam liên quan đến quyền sản xuất, phân phối, quyền sử dụng đất đai, mua cổ phần trong các công ty trong nước và cả hệ thống cơ sở hạ tầng chưa được cải thiện nhiều ở Việt Nam.

Đại diện của một doanh nghiệp khác thì thắc mắc vì sao kể từ 1/1/2008 doanh nghiệp cho phép các nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần không hạn chế trong các doanh nghiệp trong nước trong khi đó lại hạn chế ở tỷ lệ 49% trong các công ty niêm yết và 40% trong các công ty chưa niêm yết.

Mặc dù qui định tỷ lệ 40% trong công ty chưa niêm yết chưa thể hiện bằng văn bản nhưng được nêu ra bởi một quan chức cấp cao của chính phủ và điều này làm nhiều nhà đầu tư nước ngoài lúng túng.

Cơ quan chức năng nói gì?

Nhóm công tác sản xuất và phân phối (Manufacturing and Distribution Group) thuộc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (Vietnam Business Forum) đưa ra bản giải trình những vướng mắc và bức xúc của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài làm ăn ở Việt Nam.

Theo nhóm này, các cam kết WTO về dịch vụ bảo trì và sửa chữa thiết bị được hiểu theo cách quá hẹp ở một số sở kế hoạch và đầu tư địa phương và do đó không cho phép doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài dù doanh nghiệp đang cung cấp loại dịch vụ sửa chữa trong lĩnh vực công nghệ thông tin, dịch vụ công nghiệp mà lẽ ra chỉ hạn chế dịch vụ sửa chữa đồ dùng gia đình như cam kết WTO.

Nhóm này cho biết còn tồn tại với mức độ cao tệ nạn quan liêu và phân biệt đối xử khi cấp phép trong các lĩnh vực dịch vụ tổng hợp và hiện đại cho các công ty nhập khẩu, cụ thể là dịch vụ lưu hàng hóa trong kho, lưu kho bãi, marketing và bán lẻ cho các công ty kinh doanh trong và ngoài nước.

Ông Phan Hữu Thắng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói rằng nhận định quan chức cấp phép ở phía Nam bảo thủ và khó khăn hơn phía Bắc là không đúng. Ông nêu bằng chứng là có nhiều dự án được thu hút ở khu vực này và các tỉnh thành như Bình Dương, Đồng Nai và Tp.HCM luôn đứng đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài.

Liên quan đến tỷ lệ cổ phần tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trong các công ty trong nước, ông Thắng cho rằng đó là do thiếu sự thống nhất trong các luật của Việt Nam: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và Luật Chứng khoán. Thiếu những qui định thống nhất giữa các luật cũng như những mâu thuẫn trong luật của Việt Nam với cam kết WTO được giới chức đầu tư thừa nhận.

Ông Ngô Công Thành, Trưởng phòng Dịch vụ, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang soạn thảo nghị định liên quan đến việc mua bán cổ phần, sáp nhập của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Nghị định này sẽ qui định chung về tỷ lệ nắm giữ cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam.