09:57 11/11/2008

Doanh nghiệp Hàn và lao động Việt: Làm gì để hiểu nhau?

Quỳnh Lam

Tranh chấp lao động đã xảy ra liên tục trong thời gian gần đây tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư Hàn Quốc

90% lao động đình công liên quan đến vấn đề trả lương.
90% lao động đình công liên quan đến vấn đề trả lương.
Tranh chấp lao động đã xảy ra liên tục trong thời gian gần đây tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư Hàn Quốc.

Đình công tăng cao

Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho biết, hiện cả nước có gần 2.000 công ty của Hàn Quốc đang họat động và kinh doanh tại Việt Nam, với số vốn đầu tư lên đến 14 tỷ USD. Hàn Quốc đang trở thành quốc gia đầu tư hàng đầu tại Việt Nam.

Tuy nhiên, tình trạng tranh chấp lao động đã xảy ra liên tục tại các doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động ở Việt Nam, điều mà những năm trước đây rất hiếm gặp. Thậm chí nhiều người còn cho rằng, tình trạng vi phạm lao động tại các doanh nghiệp Hàn Quốc ở Việt Nam đã lên đến mức báo động.

Thống kê chưa đầy đủ của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, từ tháng 1/1995 đến tháng 9/2008 cho thấy cả nước đã xảy ra 2.600 cuộc đình công tập thể của người lao động. Số vụ đình công xảy ra trong các doanh nghiệp FDI luôn luôn chiếm tỷ lệ cao nhất (72,4%), trong đó các doanh nghiệp của Hàn Quốc chiếm khoảng 27,7%.

Các cuộc đình công chủ yếu xảy ra trên địa bàn các tỉnh phía Nam, mà tập trung là tại Tp.HCM, nơi có khá đông doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động.

Theo báo cáo của Liên đoàn Lao động Tp.HCM, tính từ đầu năm đến ngày 11/9/2008, Tp.HCM có tới có tới 178 vụ đình công trong đó số vụ xảy ra tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 126 vụ. Riêng đình công tại các doanh nghiệp Hàn Quốc là 57 vụ, chiếm 45% các vụ diễn ra tại doanh nghiệp nước ngoài.

Nhận định về nguyên nhân xảy ra đình công, theo ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, vi phạm của doanh nghiệp Hàn Quốc xảy ra ở hầu hết các chế định của pháp luật lao động, chủ yếu tập trung vào các vấn đề: không xây dựng thang bảng lương; quy chế trả lương, thưởng hoặc chậm trả lương, nợ lương; né tránh đóng bảo hiểm xã hội …

Ông Chính cũng cho rằng, có đến 90% lao động đình công liên quan đến vẫn đề trả lương. Nhiều doanh nghiệp trả lương không tương xứng với công sức lao động bỏ ra, không chấp hành đúng thỏa ước lao động.

Ngoài ra, không đảm bảo các điều kiện an toàn, vệ sinh lao động, tăng ca quá mức, sa thải hoặc chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật đối với người lao động… cũng là một trong những nguyên nhân khiến lao động bức xúc và dẫn đến đình công.

Ông Nguyễn Huy Cận, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Tp.HCM cũng đưa ra những số liệu chứng minh nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đã vi phạm luật lao động Việt Nam.

Cụ thể, tại Tp.HCM, tính đến 30/9 có 525 doanh nghiệp có vốn đầu tư của Hàn Quốc, thế nhưng trong đó chỉ có 159 doanh nghiệp có quy ước lao động, 115 doanh nghiệp có công đoàn cơ sở, 180 doanh nghiệp có xây dựng thang bảng lương, các doanh nghiệp còn lại phần lớn vi phạm luật lao động; thậm chí có 87 doanh nghiệp Hàn Quốc nợ  42 tỉ đồng tiền bảo hiểm xã hội của công nhân.

Cần mở rộng đối thoại

Hôm qua, 10/11, lần đầu tiên sau nhiều năm, một cuộc gặp gỡ, đối thoại giữa công đoàn Việt Nam với các nhà đầu tư Hàn Quốc được tổ chức với mục đích “xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định”.

Theo ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, bất cứ một cuộc đình công nào xảy ra, nguyên nhân được xác định là từ hai phía.

Với doanh nghiệp, lỗi của họ là nhiều doanh nghiệp chưa có nội quy lao động, chưa có công đoàn cơ sở, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp chưa thật hiểu được những khó khăn, thiếu thốn trong cuộc sống người lao động với đồng lương ít ỏi. Trong khi đó, theo ông Tùng, người lao động cũng chưa thật sự thông cảm và chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp trong thời buổi cần “thắt lưng buộc bụng”

Vì thế, ông cho rằng, cần mở rộng đối thoại giữa hai bên, nhằm "thúc đẩy sự tin cậy, hiểu biết lẫn nhau, để giúp doanh nghiệp và người lao động tìm được tiếng nói chung, hướng tới việc xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, hai bên cùng có lợi".

Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính đã thay mặt cho tổ chức công đoàn Việt Nam kiến nghị với Đại sứ quán Hàn Quốc nên tổ chức các cuộc đối thoại giữa các cơ quan hữu quan của Việt Nam và các doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam.

Đồng thời,  yêu cầu các doanh nghiệp Hàn Quốc khi đầu tư vào Viẹt Nam cần nghiên cứu và thực hiện các quy định của pháp luật Việt Nam.

Đại diện phái Hàn Quốc, ông Im Hong Jae- Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam cũng bày tỏ, tình hình kinh tế thế giới diễn tiến xấu đang tác động đến cả Hàn Quốc và Việt Nam, do đó ít nhiều đã ảnh hưởng đến mức lương mà doanh nghiệp Hàn Quốc trả cho lao động Việt Nam, dẫn đến cả hai bên đã  gặp phải khó khăn.

“Tuy nhiên, khó khăn là khó khăn chung, chúng ta hãy cùng ngồi lại với nhau, cùng đối thoại để hiểu nhau hơn, dựa vào nhau để lớn mạnh. Doanh nghiệp thì có thể tạo công ăn việc làm, mang lại thu nhập cho lao động, ngược lại, lao động là nhân tố phát triển doanh nghiệp”, ngài Đại sứ nói.