15:00 25/11/2013

Doanh nghiệp khó vay vốn: Từ góc nhìn địa phương

Nhật Nam

Từ góc nhìn của chính quyền địa phương, hiện còn quá nhiều lý do khiến doanh nghiệp khó vay vốn

Trong khuôn khổ hội nghị xúc tiến đầu tư, các ngân hàng thương mại đã ký kết 83 hợp đồng tín dụng với số vốn lên tới 21 ngàn tỷ
 đồng.<br>
Trong khuôn khổ hội nghị xúc tiến đầu tư, các ngân hàng thương mại đã ký kết 83 hợp đồng tín dụng với số vốn lên tới 21 ngàn tỷ đồng.<br>
Trong khuôn khổ hội nghị xúc tiến đầu tư vào Tây Nam Bộ, chiều 25/11, Ngân hàng Nhà nước tổ chức hội thảo “Hoạt động tín dụng ngân hàng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vòng đồng bằng sông Cửu Long”.

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước đưa ra tại hội thảo cho thấy, đồng bằng sông Cửu Long đang là khu vực có các chỉ số tăng trưởng cơ bản khá tốt trong hoạt động ngân hàng, so với mặt bằng chung.

Cụ thể, đến ngày 31/10/2013, tổng nguồn vốn huy động của toàn ngành trên địa bàn các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đạt 228 ngàn tỷ đồng, tăng 9% so với cuối năm 2012 và chiếm 6,5% tổng nguồn vốn huy động trên toàn quốc.

Đáng chú ý, tổng dư nợ tín dụng đối với khu vực này đến 31/10/2013 đạt 230 ngàn tỷ đồng, tăng 9,1% so với cuối năm 2012, cao hơn nhiều so với mức trên 7% tăng trưởng tín dụng bình quân toàn ngành. Riêng dư nợ cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn tại đây có mức tăng trưởng khá cao sau 10 tháng đầu năm, tăng 11,3% và đạt 124 ngàn tỷ đồng.

Dù sở hữu các tỷ lệ tăng trưởng tín dụng cao hơn bình quân ngành, song theo ý kiến của hầu hết các diễn giả tham gia hội thảo, các doanh nghiệp khu vực đồng bằng sông Cửu Long có thể xem là điển hình cho khó khăn trong tiếp cận vốn ngân hàng hiện nay, và ngược lại cũng giải thích một phần lý do các ngân hàng khó đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng.

Đơn cử như tại Vĩnh Long, ông Nguyễn Văn Diệp, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, số lượng các doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng trên địa bàn những năm qua còn rất ít, chỉ khoảng 27%.

Có nhiều lý do mà ông Diệp đưa ra, cũng là một góc nhìn điển hình từ chính quyền địa phương về thực tế ngân hàng và doanh nghiệp vẫn khó tìm tiếng nói chung hiện nay, hay diễn biến tín dụng tăng trưởng chậm thời gian qua.

Thứ nhất, ông Diệp nhấn mạnh đến trở ngại khi khả năng tài chính của nhiều doanh nghiệp còn hạn chế, nguồn vốn hoạt động chủ yếu dựa vào nguồn vay ngân hàng, thậm chí có những doanh nghiệp gần 100% vốn lưu động là vay ngân hàng.

Do lệ thuộc quá lớn nên khi chính sách tiền tệ thay đổi, thị trường tiền tệ có những biến động thì doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, khó xoay trở, đặc biệt khi lạm phát và lãi suất vay vốn tăng cao thì hạn chế sử dụng vốn vay, dẫn đến thiếu hụt vốn cho sản xuất.

Thứ hai, nhiều doanh nghiệp do thua lỗ kéo dài, không có phương án vay vốn khả thi, không còn tài sản thế chấp nên không đáp ứng được điều kiện vay mới. Số doanh nghiệp đủ nhu cầu vay vốn thì nhu cầu không cao do hoạt động kinh doanh cầm chừng vì đầu ra sản phẩm hạn chế, sức tiêu thụ trong nền kinh tế còn yếu, giá cả hàng hóa giảm… Đây cũng là nguyên nhân chính mà các ngân hàng thương mại hiện nay chưa mạnh dạn giải quyết cho vay tín chấp đối với doanh nghiệp.

Thứ ba, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long nhấn mạnh đến một nguyên nhân nổi bật trong quá khứ, dẫn tới không chỉ trở ngại tiếp cận vốn và còn thúc đẩy quá trình phá sản tại nhiều doanh nghiệp.

Ông Diệp nhìn nhận, một số doanh nghiệp trước đây mở rộng quy mô sản xuất vượt quá tầm kiểm soát, sử dụng vốn ngắn hạn để đầu tư trung dài hạn hoặc sử dụng vốn sai mục đích vào những lĩnh vực không chuyên sâu của mình… dẫn đến rủi ro không thanh tóa được nợ khi đến hạn làm phát sinh nợ xấu. Do vậy, doanh nghiệp không đủ điều kiện tiếp cận được nguồn vốn mới.

Thứ tư, ông Diệp cho rằng nhiều doanh nghiệp chưa thực sự chủ động, tích cực trong việc tìm kiếm các giải pháp để tự cứu mình (như tự cơ cấu về tài chính, tài sản, thu hẹp một phần hoạt động của doanh nghiệp, giảm giá sản phẩm để dễ tiêu thụ hàng hóa…) mà còn “trông chờ” vào các chính sách hỗ trợ của nhà nước và các ngân hàng. Do vậy, khả năng tiếp cận vốn mới tái sản xuất - kinh doanh còn hạn chế.

thứ năm, liên kết giữa doanh nghiệp và người sản xuất trong khâu chế biến còn lỏng lẻo dẫn đến việc các bên đơn phương phá vỡ các hợp đồng khi có sự biến động về giá trên thị trường làm thiệt hại cho cả doanh nghiệp và người dân.

Về phía các ngân hàng thương mại, một khó khăn nổi bật hiện nay là nhu cầu vay vốn của khu vực đồng bằng sông Cửu Long khá lớn, vượt xa lượng vốn huy động được tại chỗ. Cụ thể, tính đến 31/8/2013, tổng vốn huy động ở địa bàn này của toàn hệ thống ngân hàng chỉ được hơn 230 ngàn tỷ đồng, trong khi dư nợ lên tới 301,6 ngàn tỷ đồng. Lượng vốn huy động tại chỗ chỉ đáp ứng được khoảng 77% nhu cầu.

Ở bàn chủ tọa hội thảo, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, thời gian qua chính sách tín dụng cũng đã có những điều chỉnh cần thiết để góp phần khắc phục những trở ngại trên, để kích thích tín dụng phát triển hợp lý tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện áp trần lãi suất cho vay và lần lượt hạ trần đối với các khoản vay thuộc lĩnh vực nông nghiệp nông thôn - lĩnh vực đặc thù và thế mạnh của các doanh nghiệp đồng bằng sông Cửu Long; thực hiện tái cấp vốn và giảm tỷ lệ dự trữ đặc biệt đối với các ngân hàng thương mại có tỷ lệ cho vay ở lĩnh vực này cao (từ 40% trở lên) để kích thích mở rộng cho vay.

Bên cạnh đó, triển khai ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đối với chăn nuôi và thủy sản, cũng là lĩnh vực trọng điểm của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo 5 ngân hàng thương mại nhà nước xem xét gia hạn nợ và cho vay mới đối với các lĩnh vực này với lãi suất phù hợp (tối đa hiện nay là 9%/năm).

Ngân hàng Nhà nước cũng tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tinh giản thủ tục cho vay nhưng vẫn bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật; rút ngắn thời gian xem xét, quyết định cho vay đối với hộ nông dân, hộ sản xuất ở khu vực nông thôn.

Trong khuôn khổ hội nghị xúc tiến đầu tư nói trên, ngành ngân hàng cũng cụ thể hóa định hướng mở rộng cho vay tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long bằng 83 hợp đồng tín dụng được ký kết với số vốn lên tới 21 ngàn tỷ đồng, tập trung cho vay các lĩnh vực thế mạnh của khu vực như sản xuất, chế biến lúa gạo, thủy sản, chế biến thức ăn chăn nuôi...