00:02 23/09/2019

Doanh nghiệp lo thu ngân sách nhà nước giảm nếu sửa Bộ Luật lao động?

KIỀU LINH

Từ những thay đổi của Bộ Luật lao động sửa đổi, các doanh nghiệp lo rằng sẽ phải đối diện khó khăn, nhiều doanh nghiệp đình trệ, phá sản và ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Các tổ chức, hiệp hội gồm VCCI, Vasep, Vitas, Lefaso, Veia, Amcham mới đây đã có bài viết đánh giá tác động của một số quy định trong dự thảo Bộ Luật lao động sửa đổi. Bài đánh giá này dựa trên Dự thảo Bộ Luật lao động sửa đổi ngày 11/8/2019. 

Đại diện các hiệp hội này cho rằng các quy định trong Dự thảo Bộ Luật lao động mới sẽ kéo theo chi phí đầu tư vào sức lao động tăng cao, dẫn đến đẩy chi phí đầu vào ở mức lớn hơn, khiến cho nhiều doanh nghiệp không đủ tiềm lực về tài chính để tồn tại và tiếp tục hoạt động. 

Khi đó, nhiều doanh nghiệp do không thể tồn tại được trước "áp lực gia tăng" của Bộ luật lao động mới sẽ buộc phải giải thể hoặc chấm dứt hoạt động, kéo theo nhiều người lao động mất việc và làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam.

"Nhiều doanh nghiệp sẽ có khả năng phải đối mặt với việc giải thể, phá sản hoặc cắt giảm công suất lao động do thiếu vốn. Nguyên nhân này dẫn tới nguồn thu từ hoạt động của doanh nghiệp (như thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế thu nhập, thuế giá trị gia tăng, …cũng sẽ bị sụt giảm theo và ảnh hưởng đáng kể tới việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội của quốc gia do không có đủ nguồn thu, phát sinh bội chi, gây sức ép lớn cho Nhà nước", đại diện các Hiệp hội nhấn mạnh.

Đối với doanh nghiệp dệt may, da giày hay chế biến thuỷ sản, hầu hết chỉ tập trung vào mùa Noel, tức tháng 12 hàng năm, chỉ có hoạt động sản xuất nhiều khoảng 5-6 tháng mỗi năm. Đây cũng là lúc người lao động làm việc có cơ hội để tăng thu nhập lo trang trải cho cuộc sống vào những thời điểm không có việc để làm.

Với thời giờ làm việc là 48 giờ/tuần như hiện nay các máy móc thiết bị trong nhà máy vận hành vẫn có thể đảm bảo công suất, tuy nhiên nếu giảm còn 44 giờ/tuần sẽ làm cho nhà máy chạy dưới công suất, hoạt động cầm chừng. 

Mặt khác, dù làm việc theo thời gian 48 giờ/tuần hay 44 giờ/tuần thì doanh nghiệp cũng phải mất nhiều chi phí cho việc cài đặt, vận hành, duy trì, bảo dưỡng để máy móc được hoạt động hiệu quả. Đáng lẽ ra chi phí này là tương ứng với hoạt động sản xuất trong 48 giờ/tuần thì nay với quy định mới chi phí sẽ phải trả tương ứng 44 giờ/tuần khiến doanh nghiệp không còn lợi nhuận do phải thanh toán các chi phí vận hành.

"Nhưng thật đáng tiếc, theo Dự thảo lần này, quy định về giới hạn giờ làm thêm không đáp ứng được mong muốn đó, doanh nghiệp không đáp ứng được đơn hàng để xuất khẩu, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích quốc gia về kim ngạch xuất khẩu và cả lợi ích của người lao động khi chính bản thân họ đều có nhu cầu được làm thêm giờ để tăng thu nhập trong thời điểm đó", bản đánh giá nêu.

Bên cạnh đó, các hiệp hội nêu trên cũng cho rằng, lợi thế duy nhất để doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam là chi phí về lao động, nguồn nhân lực. Nhưng điểm mạnh này có thể trở thành điểm yếu khi môi trường pháp lý không thuận lợi, hàng loạt các chi phí cho người lao động ngày càng tăng cao, họ có thể từ bỏ Việt Nam để tìm kiếm các quốc gia khác.

Dự thảo Bộ Luật lao động mới sẽ có thể khiến cho những nỗ lực của Nhà nước hướng tới đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài có thể trở nên khó khăn.

"Để doanh nghiệp Việt Nam không bị "chết" trên chính "sân nhà" bởi những quy định khắt khe của Bộ Luật lao động mới, Nhà nước nên sửa đổi, bổ sung một số quy định trong Dự thảo Bộ Luật lao động mới phù hợp với đặc thù "thời vụ" của một số ngành sản xuất và xuất khẩu hàng hóa quan trọng hiện nay", Đại diện các hiệp hội kiến nghị.