11:24 07/11/2019

Doanh nghiệp Na Uy đẩy mạnh tìm đối tác Việt để phát triển khí LNG

Nguyễn Tuyến

Ông Egil Rensvik, giám đốc dự án của Công ty Network LNG Norway, đánh giá các doanh nghiệp Việt có tiềm năng lớn để gia nhập lĩnh vực khí LNG

Ông Egil Rensvik, giám đốc dự án của Công ty Network LNG Norway.
Ông Egil Rensvik, giám đốc dự án của Công ty Network LNG Norway.

Trong bối cảnh nhu cầu nhập khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) của Việt Nam được dự báo sẽ ngày càng tăng trong thập kỷ tới, với 75% được cho các nhà máy điện để đảm bảo an ninh cho ngành kinh tế đang phát triển, Chính phủ Việt Nam đang khuyến khích các công ty trong và nước ngoài trong lĩnh vực LNG hợp tác với nhau, khiến thị trường LNG ở Việt Nam trở nên "sôi động" hơn bao giờ hết.

Chia sẻ với VnEconomy bên lề hội thảo khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) Việt Nam - Na Uy mới đây, ông Egil Rensvik, giám đốc dự án của Công ty Network LNG Norway, đã có những giải thích thêm về lĩnh vực còn mới mẻ này tại Việt Nam cũng như dự định hợp tác với các công ty của Việt Nam thời gian tới.

LNG - nhiên liệu hoá thạch sạch nhất cho tương lai

Việt Nam được xem một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu. Một số chuyên gia cho rằng việc thúc đẩy sử dụng khí thiên nhiên hoá lỏng (LNG) - một loại nhiên liệu hoá thạch - là lợi bất cập hại khi Việt Nam đang phải tăng cường các biện pháp nhằm ứng phó và thích nghi với biến đổi khí hậu. Ông đánh giá như thế nào về ý kiến này?

LNG đúng là nhiên liệu hoá thạch nhưng được xem là một những loại nhiên liệu hoá thạch sạch nhất. LNG không chứa các hạt bụi và giảm khí thải CO2 so với dầu và than. Nếu các nhà máy điện than chuyển sang sử dụng khí LNG thì sẽ giúp giảm được lượng khí thải CO2. Dù vẫn có, nhưng khí thải CO2 từ LNG ít hơn và không khí cũng sạch hơn nhiều. Chính vì vậy, việc đưa vào sử dụng LNG là một giải pháp tuyệt vời cho tương lai.

Mặt khác, khi dùng LNG làm nhiên liệu cho các nhà máy điện, chúng ta cũng có thể kết hợp với nhiên liệu sinh học - được tạo ra từ rác thải, khi mà nhiều nước đang có lượng rác thải khổng lồ cần phải xử lý. Ba ứng dụng phổ biến của LNG gồm cho các ngành công nghiệp sản xuất, các nhà máy phát điện và phương tiện vận tải. Để đáp ứng dụng cầu, chúng ta cần xây dựng các trạm nhập khẩu khí LNG hoặc trạm nổi ngoài khơi để từ đó phân phối LNG để sử dụng cho quy mô nhỏ hơn.

So với năng lượng tái tạo thì LNG có điểm mạnh gì và có cách nào để kết hợp hai loại năng lượng này không, thưa ông? 

Trong 10 năm qua, nhiều nước đã đầu tư phát triển các loại năng lượng tái tạo như năng lượng gió và mặt trời. Tuy nhiên, năng lượng gió và mặt trời luôn biến động, trong khi đó các nguồn khí LNG lại ổn định hơn. Vì vậy, sử dụng kết hợp khí LNG và các loại năng lượng tái tạo này là giải pháp tốt nhất.

Ví dụ, trên tàu thuỷ, chúng ta có thể kết hợp LNG với pin điện để có nguồn năng lượng ổn định hơn. Hiện tại, những con phà chạy giữa Na Uy và Đan Mạch đang sử dụng kết hợp LNG và pin điện. LNG cũng có thể được dùng cho các phương tiện công cộng như xe buýt.

Việt Nam đang có kế hoạch sớm nhập khẩu và đưa vào sử dụng khí LNG, dù còn tồn tại không ít thách thức về việc xây dựng và đồng bộ cơ sở hạ tầng thu gom khí. Theo ông, liệu Việt Nam có thể tự sản xuất LNG thay vì nhập khẩu hay không?

Trong nhiều năm qua, các nước đã đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng dành cho LNG. Ở châu Á, Singapore có các trạm nhập khẩu LNG để phân phối khí này tới các nhà máy phát điện và tàu thuyền. Nước này đang phát triển một đội tàu lớn để vận chuyển LNG. Khi có trạm nhập khẩu lớn cho các nhà máy điện, chúng ta có thể phân phối LNG cho các ứng dụng quy mô nhỏ hơn. Ở Na Uy, chúng tôi đã làm theo cách này 20 năm qua.

Theo các báo cáo, trữ lượng khí gas của Việt Nam đã giảm, vì vậy trong tương lai, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu khí LNG. Chúng ta phải lên kế hoạch để tận dụng tối đa nguồn lực này. Bởi không phải tất cả các trạm nhập khẩu đều có thể hoạt động hết 100% công suất. Nhưng chúng ta có thể bắt đầu từ từ rồi sau đó tăng dần. Có một cách là phân phối lại LNG từ các trạm nhập khẩu lớn sang các nhà máy phát điện nhỏ.

Ngoài ra, cũng có nhiều công nghệ mới và giải pháp giúp dễ dàng vận hành các nhà máy điện nhỏ hơn quanh bờ sông và khu vực lân cận. Một số có thể sản xuất ngay tại Việt Nam, vì vậy, tôi cho rằng tiềm năng hợp tác giữa các công ty Na Uy và Việt Nam là rất lớn. Chúng tôi có ý tưởng và mô hình, còn các công ty Việt Nam có thể sản xuất.

Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng của các công ty Việt Nam trong lĩnh vực này? Và công ty của ông tìm kiếm những đối tác như thế nào?

Chúng tôi mong muốn và hiện đang có kế hoạch hợp tác với các công ty Việt Nam. Chúng tôi có một mạng lưới gồm các công ty Na Uy hợp tác với nhau và bao phủ cả chuỗi giá trị từ nguồn khai thác cho tới sử dụng khí LNG. Mạng lưới của chúng tôi cũng gồm một số tổ chức chuyên làm các nghiên cứu và phân tích.

Để hợp tác kinh doanh, theo tôi, chúng ta cần có các dự án lớn hơn, đây là mục tiêu của chúng tôi. Chúng tôi sẽ thực hiện một số nghiên cứu khả thi với các đối tác Việt Nam, sau đó thiết lập các chuỗi giá trị, thực hiện phân tích về chi phí và lợi nhuận để đưa ra giải pháp tốt nhất.

Tôi đến châu Á 10 năm rồi. Mọi thứ đang thay đổi. LNG đang được nhắc đến như một loại năng lượng sạch cho tương lai. Chúng tôi hy vọng sẽ được đón các đoàn từ Việt Nam và đưa họ đi thăm một số nhà máy, xem cách vận hành của các trạm, tàu vận chuyển khí LNG. Chúng tôi hy vọng sẽ tìm được 2 - 3 dự án để có thể bắt tay vào triển khai.

Các đối tác Việt Nam rất tiềm năng. Các công ty Na Uy của chúng tôi đã có mặt ở Việt Nam trong nhiều thập thập kỷ. Tôi cho rằng kết quả hợp tác là rất khả quan, bởi họ có kinh nghiệm làm việc tại Việt Nam.