09:07 13/03/2008

Doanh nghiệp Nhà nước vẫn “loay hoay” tìm CEO

Dũng Hiếu

Các doanh nghiệp Nhà nước vẫn đang loay hoay với nhiều vướng mắc và chưa thể trải thảm đỏ mời người tài về làm lãnh đạo

Hội thảo Route to the Top dành cho các nhà quản lý nhân sự.
Hội thảo Route to the Top dành cho các nhà quản lý nhân sự.
Trước sự yếu kém trong quản lý điều hành của cán bộ lãnh đạo ở các doanh nghiệp Nhà nước, Chính phủ đã cho thực hiện thí điểm thuê tổng giám đốc (CEO), sau đó rút kinh nghiệm để xây dựng quy chế triển khai đại trà.

Thế nhưng, hơn 4 năm trôi qua, các doanh nghiệp Nhà nước vẫn loay hoay với nhiều vướng mắc và chưa thể trải thảm đỏ mời người tài về làm lãnh đạo.

5 tập đoàn bao gồm Tổng công ty Công nghiệp ôtô Việt Nam (Vinamotor), Tổng công ty Công nghiệp tàu biển, Tổn công ty Thiết bị kỹ thuật điện, Thủy tinh và Gốm xây dựng, Tổng công ty Xây dựng Sông Hồng được Chính phủ cho thực hiện thí điểm thuê CEO. Tuy nhiên, duy nhất có Vinamotor đã tìm thuê được người. Còn 4 tập đoàn còn lại vẫn còn ngổn ngang những vướng mắc

Yếu và thiếu

Theo bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc tuyển dụng nhân sự cao cấp của Navigos Group, hạn chế chủ yếu của nhân lực cao cấp (lãnh đạo tầm trung) của Việt Nam hiện nay chủ yếu là những kỹ năng mềm cần thiết để một người thành công trên cương vị lãnh đạo.

Cụ thể: kỹ năng ra quyết định, kỹ năng động viên và thúc đẩy cấp dưới làm việc, kỹ năng phân công công việc... Mặt khác, lực lượng nhân sự bậc trung và cao của Việt Nam hiện nay vẫn chưa được trang bị đầy đủ những kinh nghiệm thực tiễn về quản lý trong quá trình hội nhập.

Trong khi các doanh nghiệp tư nhân sẵn sàng bỏ ra hàng tỷ đồng để “săn nhạc trưởng” giỏi thì các doanh nghiệp Nhà nước vẫn tốn thời gian vật lộn với đề án thuê CEO. Theo ông Phạm Minh Huân, Vụ trưởng Vụ Tiền lương (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), gốc của vấn đề là các doanh nghiệp Nhà nước chưa thật sự quyết tâm làm.

Cái vướng chung không phải là trả mức lương cao bao nhiêu mà là áp dụng cơ chế tuyển dụng mới, tổng giám đốc được trao quyền hành đến đâu? Bộ máy cũ phải thay đổi như thế nào? Mối quan hệ giữa chủ sở hữu và người làm thuê được phân định rạch ròi đến đâu? Bởi lẽ, để đạt được mục tiêu tăng lợi nhuận, tăng doanh thu thì “nhạc trưởng” được thuê phải có quyền quyết định vận mệnh của tổng công ty.

Bên cạnh đó, CEO đi thuê theo hợp đồng lao động đó làm chủ tài khoản, thì sẽ phải thế chấp như thế nào để hội đồng quản trị quản lý được tài sản Nhà nước đã được giao vào tay ông ta, nếu có vi phạm thì sẽ phải xử lý tranh chấp ở toà án nào...

Đây chính là những điểm khiến cho việc triển khai đề án thuê CEO quá chậm.

Vẫn tiếp tục xây dựng đề án

Bà Vân Anh cho rằng: “Ít nhất trong vòng 4 năm tới, Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục đối đầu với cảnh khan hiếm lao động cấp cao, bởi lẽ đào tạo khó mà sản sinh lập tức nguồn cung ứng lao động cấp cao để có thể đáp ứng được nhu cầu ngày càng gia tăng. Chính vì vậy, Việt Nam cần nguồn lực lao động nước ngoài để cải thiện nhanh chóng tình trạng thiếu nhân lực cấp cao hiện thời, điều này sẽ giúp cho Việt Nam trở nên cạnh tranh trên thị trường quốc tế”.

Mới đây, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng vừa ký văn bản về việc xây dựng đề án tuyển dụng, ký hợp đồng đối với các chức danh lãnh đạo chủ chốt trong công ty nhà nước. Thời hạn cho việc thực hiện đề án và báo cáo với Phó thủ tướng trước ngày 1/10/2008.

Theo Vụ Tiền lương - Tiền công, sau khi thí điểm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ nghiên cứu, đánh giá, rút ra những khó khăn và cho ra đời Đề án tổng thể về việc thuê CEO để trình Chính phủ. Những vướng mắc trên sẽ được nghiên cứu, lấy ý kiến cụ thể, kỹ lưỡng và giải quyết trong Đề án của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Trước mắt, nếu có thể, Bộ sẽ trình để Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định điều chỉnh lại việc thực hiện thí điểm của các tập đoàn, nhằm thống nhất các quan điểm triển khai của những đơn vị này.

Hiện nay, các tập đoàn đều tự xây dựng đề án thuê CEO của mình và trình Chính phủ. Tuy nhiên, tới đây, có thể Thủ tướng sẽ quyết định cơ chế lương riêng cho các CEO của các tập đoàn theo một hạn mức nhất định.

Thậm chí, tỷ lệ ăn chia trên lợi nhuận vượt định mức hàng năm do tập đoàn trả cho CEO cũng sẽ được khống chế mức trần.