10:42 14/11/2011

Doanh nghiệp nhỏ sợ “sập tiệm” vì… chính sách

Anh Quân

Tác động từ chính sách mới về lao động và thuế đất đối với khối doanh nghiệp chiếm đa số hiện nay

Doanh nghiệp nhỏ và vừa còn bị bó buộc bởi nhiều hạn chế từ chính sách.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa còn bị bó buộc bởi nhiều hạn chế từ chính sách.
“Về định hướng chính sách, doanh nghiệp nhỏ và vừa cần được coi là trụ cột của nền kinh tế”, vị đại diện của Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhấn mạnh trong một hội thảo cuối tuần trước.

Quan điểm trên - xuất phát từ dự thảo kế hoạch hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2011-2015, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện - đã thổi bùng lên những bức xúc lâu nay, liên quan đến câu chuyện chính sách nhà nước đã hỗ trợ thế nào đến khối doanh nghiệp chiếm đa số hiện nay.

Bảo hiểm “ăn” hết doanh thu

“Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Thuế, Luật Hải quan cũng có nhiều vấn đề, nhưng luật về lao động là bức xúc lớn nhất của chúng tôi”, bà Từ Thị Bích Lộc, Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Anh (Hà Nội), khơi mào.

“Tại doanh nghiệp chúng tôi, tất cả lao động đều được đóng bảo hiểm hết”, doanh nhân đến từ công ty chuyên may gia công cờ cho các nước châu Âu và trang phục trẻ em xuất khẩu nói. “Nhưng cứ thế này, chúng tôi không thể tồn tại được”.

Theo Luật Bảo hiểm xã hội, trước năm 2010, hằng tháng người lao động sẽ đóng 5% mức tiền lương, tiền công vào quỹ hưu trí và tử tuất; người sử dụng lao động đóng 15%. Nhưng kể từ 1/1/2010, quy định mới đã có điều chỉnh tăng lên. Theo đó, mỗi bên sẽ có nghĩa vụ góp thêm 1% vào quỹ.

Nếu tính thêm 4,5% bảo hiểm y tế; 2% nộp cho bảo hiểm thất nghiệp cũng được chia đều cho hai đối tượng; và chủ doanh nghiệp phải nộp thêm 2% kinh phí công đoàn thì tổng số phải nộp là trên 30% tiền lương, tiền công của người lao động.

Nhưng đáng lưu ý hơn, cũng theo quy định, cứ hai năm tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội lại tăng thêm 2%, chia đều cho cả người sử dụng lao động và người làm công.

“Doanh thu gia công của chúng tôi nhiều khi đến 70% là chi lương, thế này thì hết quá doanh thu của chúng tôi, còn đâu mà tái sản xuất, còn đâu mà phát triển!”, bà Lộc bức xúc.

Nhưng chưa hết, năm 2011, Chính phủ quyết định đã tăng lương tối thiểu, cũng có nghĩa các khoản đóng bảo hiểm tiếp tục tăng thêm tương ứng. “Giá thì là con thỏ, rùa là lương, lương cứ chạy theo mãi”, bà Lộc nói.

Cho nên, thực tế là để tồn tại, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn hiện nay, ngay cả doanh nghiệp nhà nước, hay những doanh nghiệp lớn cũng đành chấp nhận “nợ” bảo hiểm xã hội.

Cũng theo bà Lộc, nhiều doanh nghiệp hiện nay chủ yếu là nộp bảo hiểm xã hội theo mức lương tối thiểu, trong khi quy định của Luật Bảo hiểm xã hội là phải đóng theo thu nhập.

“Tức là chúng ta hoàn toàn sai hết. Theo luật là đóng theo mức thu nhập thực tế của người lao động, nhưng có ai làm được đâu”, giám đốc doanh nghiệp Mỹ Anh nói thêm.

Trong khi đó, do điều kiện hợp đồng ràng buộc về thời gian, chất lượng…, công nhân may với bà Lộc là vàng. Để giữ được lao động, doanh nghiệp này áp dụng quy chế tăng lương từng tháng, chứ không theo lương tối thiểu.

Nhưng “quy định về mức đóng bảo hiểm xã hội như hiện nay, không thể ai, doanh nghiệp nào mà có thể chấp nhận được. Cần giải pháp làm thế nào để người chủ doanh nghiệp chúng tôi đàng hoàng đóng bảo hiểm”, bà nói thẳng.

“Ngã ngửa” vì thuế đất

Trong khi những bức xúc về mức thu bảo hiểm xã hội quá cao đã âm ỉ từ lâu, mà trường hợp của Mỹ Anh kể trên không phải cá biệt, chuyện thuế đất đột ngột tăng cao chót vót cũng khiến nhiều doanh nghiệp “ngã ngửa”.

Ngày 1/3/2011, Nghị định 121/2010/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 142/2005/NĐ -CP về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước chính thức có hiệu lực.

Tại điều 5a về đơn giá thuê đất quy định, trường hợp giá đất do ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại thời điểm cho thuê đất chưa sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường thì căn cứ vào giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường tại địa phương để quyết định mức giá cụ thể cho phù hợp.

Áp vào trường hợp của Mỹ Anh, doanh nghiệp này từ mức phải nộp thuế đất trên 20 triệu mỗi năm, nay tăng lên hơn 17 lần, đến gần 500 triệu đồng. “Trên thế giới này, có cái giá gì mà tăng một lúc lên hơn 17 lần?”, bà Lộc bức xúc đặt câu hỏi.

Mỹ Anh không phải là trường hợp cá biệt. Nhiều doanh nghiệp đã phản ánh những bất cập hiện nay lên Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Chẳng hạn, Công ty TNHH Vạn Xuân (Hưng Yên), sau khi áp mức thuế đất mới, kết quả là tiền đất phải nộp đang từ 49 triệu đồng/năm, nay tăng lên 1,5 tỷ đồng. Hay trường hợp Công ty TNHH Cảng Khuyến Lương, tiền thuê đất năm 2010 là 1,3 tỷ đồng, nhưng năm 2011 sẽ là 4,9 tỷ đồng.

Bà Trương Thúy Nga, Giám đốc Công ty TNHH Cảng Khuyến Lương cho rằng, đây là khoản chi phí bất thường mà doanh nghiệp không thể trả nổi, vì năm 2010 doanh thu của Cảng Khuyến Lương chỉ có 47 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận là 530 triệu đồng.

Theo một khảo sát của VCCI tại Hải Phòng vào hồi tháng 7 năm nay, tiền thuê đất doanh nghiệp phải nộp năm 2011 so với năm trước tăng bình quân từ 3 lần đến 10 lần, tại một số doanh nghiệp tăng 14-15 lần, thậm chí có doanh nghiệp tăng đến 20 lần.

“Chúng tôi là doanh nghiệp nhỏ thôi, nhưng chưa bao giờ thiếu việc làm”, bà Lộc chia sẻ. “Nhưng cần phải có những chính sách hợp lý để doanh nghiệp phát triển hết mình, hết khả năng. Còn bây giờ, doanh nghiệp của chúng tôi vẫn bị bó buộc bởi nhiều hạn chế”.