09:05 21/01/2011

Doanh nghiệp niêm yết: Bất an vì “sợ” bị thâu tóm

Trọng Nghĩa

Nỗi lo ngại bị thâu tóm trên sàn chứng khoán đang trở nên hiệu hữu hơn, khi nhiều trường hợp đã diễn ra ngược với ý muốn của doanh nghiệp

Minh bạch thông tin hậu niêm yết tác động tốt đến quản trị doanh nghiệp là điều đã được kiểm chứng
Minh bạch thông tin hậu niêm yết tác động tốt đến quản trị doanh nghiệp là điều đã được kiểm chứng
Báo cáo khảo sát các doanh nghiệp niêm yết cổ phiếu trên sàn HNX vừa được công bố hôm 19/1 cho thấy, công bố thông tin không phải là gánh nặng với các doanh nghiệp, giá cổ phiếu giảm cũng không gây áp lực, trừ nỗi lo ngại bị thâu tóm.

Ngày 19/1, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) phối hợp với báo Đầu tư chứng khoán đã tổ chức diễn đàn doanh nghiệp niêm yết. Khảo sát với các doanh nghiệp niêm yết tại HNX cho thấy áp lực lo ngại bị thâu tóm sau khi niêm yết là có thực.

Với câu hỏi liên quan đến cảm nhận của doanh nghiệp trước áp lực bị thâu tóm trên sàn, chỉ có 41% câu trả lời rằng áp lực này không ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Có tới hơn 20% câu trả lời cho biết áp lực bị thâu tóm là tiêu cực, thậm chí là ảnh hưởng rất tiêu cực đến doanh  nghiệp.

Hoạt động thâu tóm thông qua sàn niêm yết không phải là mới. Riêng năm 2010 cũng có hàng loạt trường hợp chào mua công khai để nắm giữ cổ phần chi phối. Hiện tượng này nhiều năm trước xảy ra khá lẻ tẻ và “êm ái”, một số trường hợp là sáp nhập doanh nghiệp chủ động. 

Vụ thâu tóm “lùm xùm” nhất trên sàn HNX năm 2010 là trường hợp Công ty Cổ phần Dược Viễn Đông (DVD) chào mua công khai cổ phần của Công ty Dược Hà Tây (DHT). Hiện vụ việc vẫn đang được cơ quan điều tra làm rõ, nhưng rõ ràng cả doanh nghiệp đi thâu tóm lẫn doanh nghiệp mục tiêu chẳng vui vẻ gì, thậm chí từ chỗ hợp tác đối tác chuyển sang đối đầu.

Trong thời gian căng thẳng giữa DVD và DHT lên đến đỉnh điểm, hàng loạt đơn tố cáo, đơn kêu cứu được gửi đi, đến cả cơ quan báo chí. Đại diện hai doanh nghiệp cũng thi nhau lên mặt báo giải thích, đổ lỗi cho nhau. 

Đại diện DVD - ông Lê Văn Dũng - đăng đàn giải thích việc mua khối lượng lớn dưới danh nghĩa cá nhân là “tiền trạm” cho quá trình thâu tóm DVD, và chưa thâu tóm được thì muốn làm tốt vai trò của cổ đông lớn, giúp DHT phát triển. Vài ngày sau, đại diện DHT cũng đăng đàn “trải lòng” về tình trạng hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị đình trệ vì các tin đồn quanh sự kiện thâu tóm. Khách hàng kém tin tưởng vì cho rằng lãnh đạo DHT sắp bị thay thế, người lao động thì hoang mang.

Chưa biết cái lý của bên nào đúng, sự thực đến đâu nhưng rõ ràng việc lo thủ thế, “phản đòn” lẫn nhau cũng đủ khiến cả hai bên đau đầu. DHT sợ bị thôn tính liền đăng ký mua cổ phiếu quỹ, họp khẩn để tăng vốn chóng mặt. DVD thì sử dụng quyền lực của cổ đông lớn phản bác. Thậm chí DHT còn có văn bản cáo buộc một số cá nhân có liên quan đến DVD làm giá cổ phiếu DHT.

Rõ ràng việc thôn tính bất thành và những “nghi án” xung quanh đó khiến các doanh nghiệp niêm yết khác phải giật mình. Mặc dù chưa “đến lượt” nhưng biết đâu trong tương lai, mức vốn hóa nhỏ xíu của doanh nghiệp còn không đủ để vài “đại gia” xúm vào thâu tóm?

Trên thị trường chứng khoán, đặc biệt là tại HNX, số doanh  nghiệp có mức vốn hóa dưới 300 tỷ đồng không thiếu. Thậm chí chỉ cần vài nhà đầu tư cá nhân lớn cũng có thể mua sạch cả doanh nghiệp nếu thuận tiện, chưa kể đến các tổ chức.

Công bố thông tin: Sẽ tiện dụng hơn

Một kết quả điều tra khá thú vị cũng được tiết lộ là đa số doanh nghiệp niêm yết không “sợ” áp lực về biến động giá cổ phiếu. Có tới 87% doanh nghiệp được hỏi cho rằng biến động giá cổ phiếu gây áp lực không nhiều hoặc không ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Chỉ có 5,9% doanh nghiệp đánh giá tác động của giá cổ phiếu là tiêu cực. 

Thực tế một thời gian dài, giá cổ phiếu biến động do yêu tố thị trường, trong đó nguyên nhân chính là hoạt động đầu cơ. Các giải trình biến động giá từ doanh nghiệp gần như không có giá trị vì ngoài những thông tin thị trường đã biết, rất ít trường hợp các tin đồn được xác nhận hoặc doanh nghiệp tiết lộ thêm những thông tin mới.

Liên quan đến áp lực công bố thông tin, 92% doanh nghiệp cho biết chỉ cảm thấy khó khăn lúc mới niêm yết. Sau đó, doanh nghiệp đều nhận thấy những quy chuẩn công bố thông tin ảnh hưởng rất tích cực đến hoạt động của mình. Chính áp lực này đã tạo ra động lực để doanh nghiệp hiện đại hóa việc quản lý tài chính, minh bạch thông tin tài chính, từ đó cắt giảm được nhiều khoản chi phí và gia tăng hiệu quả kinh doanh. Đây có lẽ là lần đầu tiên một khảo sát trên diện rộng khẳng định hiệu quả về minh bạch quản trị hậu niêm yết.

Ông Trần Văn Dũng, Tổng giám đốc HNX cho biết, Sở đã hoàn tất phần mềm quản lý doanh nghiệp niêm yết. Điểm quan trọng là hệ thống mới sẽ có chức năng hỗ trợ doanh nghiệp tự nộp và công bố thông tin cho nhà đầu tư. Các nhân viên công bố thông tin sẽ được cấp tài khoản và đào tạo sử dụng tiện ích này.

Dự kiến HNX sẽ tiến hành tập huấn và thí điểm lần đầu từ tháng 3/2011 và sẽ chọn 50 doanh nghiệp thực hiện. Những doanh nghiệp này sẽ tự công bố báo cáo tài chính quý 4 và năm 2010 vào tháng 4/2011. Các doanh nghiệp đăng ký sớm sẽ được tham gia thử nghiệm và sau đó sẽ triển khai trên diện rộng. HNX hy vọng quý 3/2011 này tất cả doanh nghiệp niêm yết có thể tự sử dụng phần mềm và đăng công bố thông tin cho nhà đầu tư.