09:05 09/09/2015

Doanh nghiệp “sợ” văn bản dưới luật

Hải Thanh

Kết quả khảo sát ý kiến cộng đồng doanh nghiệp sau 9 tháng thực hiện Luật Hải quan 2014

Xác nhận hàng hóa qua khu vực giám sát là một trong số các thủ tục có nhiều vướng mắc nhất và có ít cải tiến nhất hiện nay. <br>
Xác nhận hàng hóa qua khu vực giám sát là một trong số các thủ tục có nhiều vướng mắc nhất và có ít cải tiến nhất hiện nay. <br>
Có tới 94% doanh nghiệp được khảo sát đánh giá tích cực sự chuyển biến của các chính sách, pháp luật hải quan. Đặc biệt, doanh nghiệp đánh giá rất cao hệ thống thông quan điện tử VNACCS, hệ thống cung cấp thông tin và cơ chế tham vấn hải quan - doanh nghiệp.

Đó là thông tin từ ông Phạm Thanh Bình, chuyên gia tư vấn dự án USAID GIG (Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diên) tại buổi công bố kết quả khảo sát ý kiến cộng đồng doanh nghiệp về Luật Hải quan 2014 sau 9 tháng thi hành, tổ chức ngày 8/9 tại Hà Nội.

Tuy nhiên, theo ông Bình, hầu hết các doanh nghiệp được khảo sát tỏ ra “sợ” văn bản dưới luật.

Như Thông tư 38/2015/TT-BTC hướng dẫn một số điều của Luật Hải quan quá dài với 215 trang và còn kèm thêm phụ lục dài 96 trang để giải thích thêm. Thông tư 38 vừa ban hành đã có hiệu lực ngay nên doanh nghiệp không kịp “trở tay”...

Trong Thông tư 38 này có một số quy định khó hiểu, khó thực hiện như quy định về Báo cáo quyết toán hợp đồng gia công...Riêng quy định về thủ tục miễn thuế, không thu/hoàn thuế thì rườm rà, tốn nhiều giấy mực khi chiếm tới 25% trong tổng số 215 trang của Thông tư.

Ngoài ra, có một số quy định trong Luật Hải quan đã bộc lộ sự bất hợp lý.

Cụ thể như quy định nộp thuế trước khi thông quan hàng hoá. Trong trường hợp doanh nghiệp nhập hàng từ Thái Lan và hàng về trước khi C/O về và do quy định phải nộp thuế trước thông quan khiến doanh ngiệp không được áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt vì tại thời điểm làm thủ tục hải quan doanh nghiệp chưa thể có C/O.

Xác nhận hàng hóa qua khu vực giám sát là một trong số các thủ tục có nhiều vướng mắc nhất và có ít cải tiến nhất hiện nay.

Trong khi thủ tục khai báo hải quan đã căn bản được điện tử hoá thì thủ tục này vẫn làm thủ công. Trong khi thủ tục kiểm tra hồ sơ, kiểm tra hàng hoá đã áp dụng quản lý rủi ro, chỉ kiểm tra hàng mẫu thì thủ tục này vẫn đang áp dụng với tất cả các lô hàng...

Giữa các đơn vị hải quan khác nhau cũng áp dụng pháp luật khác nhau, như việc đưa hàng về bảo quản chờ kiểm tra chuyên ngành có đơn vị hải quan cho phép, có đơn vị không cho phép nên doanh nghiệp không biết đâu là đúng, là sai?.

Mã số hàng hoá mỗi nơi mỗi khác, có trường hợp đơn vị Hải quan khi làm thủ tục thông quan áp mã có thuế suất 5% nhưng theo kết quả phân tích của Trung tâm Phân tích - Phân loại hàng hóa thì mã thuế suất là 0% và đến khi kiểm tra sau thông quan chính mặt hàng này lại áp mã có thuế suất 9%, ông Bình nhấn mạnh.

Điểm vướng nhất trong thông quan hàng hóa vẫn là công tác kiểm tra chuyên ngành, ông Bình cho biết thêm.

Với câu hỏi về so sánh mức độ đơn giản của thủ tục kiểm tra chuyên ngành thực hiện trong 9 tháng đầu năm 2015 so với trước 2015 (trước khi Luật Hải quan 2014 có hiệu lực), có tới 63,2% doanh nghiệp cho rằng thủ tục kiểm dịch không đơn giản hơn trước 2015, 62,9% doanh nghiệp cho rằng thủ tục kiểm tra chất lượng không đơn giản hơn trước 2015 và 72,7% doanh nghiệp cho biết thủ tục không đơn giản hơn hoặc phức tạp hơn trước 2015...

Về thời gian hoàn thanh thủ tục kiểm tra chuyên ngành, 78,6% doanh nghiệp  không nhanh hơn trước năm 2015, 90,9% doanh nghiệp cho biết thời gian kiểm tra chất lượng không nhanh hơn trước năm 2015 và có tới 81,8% doanh nghiệp cho biết thời gian kiểm tra an toàn thực phẩm không nhanh hơn trước năm 2015.