15:35 15/07/2010

Doanh nghiệp và dư âm quyết sách nghị trường

Tú Uyên

Ghi nhận tại hội thảo “Những tác động đối với doanh nghiệp sau kỳ họp thứ 7 - Quốc hội khóa 12”

Ts. Nguyễn Đức Kiên (người đứng), Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội trao đổi với các doanh nghiệp dự hội thảo.
Ts. Nguyễn Đức Kiên (người đứng), Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội trao đổi với các doanh nghiệp dự hội thảo.
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 12 đã kết thúc được gần một tháng, nhưng dư âm từ những quyết sách quan trọng tại nghị trường vẫn đang và sẽ lan tỏa trong xã hội cũng như cộng đồng doanh nghiệp.

Các quyết sách này đang và sẽ tác động như thế nào đến hoạt động của doanh nghiệp là những vấn đề được đưa ra thảo luận tại hội thảo “Những tác động đối với doanh nghiệp sau kỳ họp thứ 7 - Quốc hội khóa 12”, do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức hôm nay (15/7) tại Tp.HCM.

Với tham luận "Kinh tế vĩ mô và những thách thức, thời cơ của doanh nghiệp", TS. Nguyễn Đức Kiên, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, nhấn mạnh tại kỳ họp vừa qua, bên cạnh một số dự án luật mới được thông qua sẽ có tác động trực tiếp đến hoạt động của nhiều doanh nghiệp như Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp…, những vấn đề kinh tế vĩ mô cũng luôn được các đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội quan tâm, thảo luận và xử lý kịp thời.

Liên tiếp mấy kỳ họp gần đây, Quốc hội đều đặt ra vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế, hoặc như cách gọi của nhiều nhà khoa học và quản lý bây giờ là đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế Việt Nam để thực hiện công nghiệp hóa. Đặc biệt, tại kỳ họp thứ tám diễn ra vào cuối năm nay, Quốc hội sẽ dành thời gian thỏa đáng để tập trung thảo luận về kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015. Dự kiến, Chính phủ sẽ trình ra Quốc hội một chiến lược tổng thể với các phương án xử lý hài hòa giữa phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường sống.

Đề cập đến câu chuyện tái cơ cấu nền kinh tế tại hội thảo, TS. Nguyễn Đức Kiên cũng nhắc đến những biến động gần đây của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin), vốn đang thu hút sự chú ý của dư luận trong những ngày qua.

"Cái chúng ta muốn trao đổi hôm nay ở đây là đánh giá tác động tái cơ cấu của Chính phủ với tư cách là chủ doanh nghiệp lên vai trò của Chính phủ với tư cách là cơ quan hành chính cao nhất như thế nào? Ở đây, khi Chính phủ với vai trò quản lý nhà nước đã xây dựng chiến lược phát triển cơ khí Việt Nam với ngành công nghiệp đóng tàu làm nòng cốt, thì Chính phủ với tư cách là chủ doanh nghiệp đã đầu tư tập trung với những chính sách ưu đãi vĩ mô chưa từng có cho tập đoàn", ông Kiên nói.

Trong khi đó, TS. Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, lại tập trung đánh giá về Luật Ngân hàng Nhà nước, vừa được Quốc hội thông qua. "Luật mới đã xác định rõ nhiệm vụ trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong việc thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia hàng năm. Quy định rõ hơn một số thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước trong việc thực thi chính sách tiền tệ, chủ động điều hành công cụ chính sách tiền tệ, dự báo, công khai thông tin, xử lý vấn đề lãi suất khi thị trường có diễn biến bất thường", ông Kiêm nói.

Cũng tại hội thảo, TS. Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM, nhận định sự suy giảm tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam đã “chạm đáy” vào quý 1/2009 và từ quý 2 năm ngoái nền kinh tế nước ta đã bắt đầu giai đoạn hồi phục. Diễn biến 6 tháng cuối năm 2009 và 6 tháng đầu năm 2010 cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang dần đạt mức tăng trưởng của thời kỳ “tiền khủng hoảng”, nếu chỉ xét thuần túy về tốc độ tăng GDP.

"Từ tình hình thực tế, có thể tin tưởng rằng các mục tiêu kinh tế vĩ mô năm 2010 Chính phủ đề ra như tốc độ tăng GDP, kiểm soát lạm phát, giải quyết việc làm, tăng kim ngạch xuất khẩu… là hoàn toàn khả thi", ông Lịch nói.

Về lĩnh vực ngân hàng, TS. Lê Thẩm Dương - Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng Tp.HCM - cho rằng: sau kỳ họp thứ 7, kinh tế ghi nhận được nhiều điều phấn khởi. Nhưng những tác động đến doanh nghiệp thì trái ngược. Nguyên nhân là do doanh nghiệp và ngân hàng không tìm được tiếng nói chung. Doanh nghiệp thiếu tiền nhưng không tiếp cận được vốn vay do không tạo được lòng tin đối với ngân hàng.

“Hầu hết các doanh nghiệp đều gặp phải vấn đề quản lý yếu kém, dựa trên kinh nghiệm, thiếu hẳn chiến lược. Giải quyết được các vấn đề này thì vấn đề về vốn sẽ được khai thông”, ông Dương nói.

Đề cập đến một góc độ khác của nền kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh, Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả, nhấn mạnh thâm hụt cán cân thương mại đã trở thành căn bệnh mãn tính của kinh tế Việt Nam, không những chưa có cách khắc phục mà dường như bệnh ngày càng nặng nề hơn.

Ông dẫn chứng, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 7,8 tỷ USD còn khu vực FDI xuất siêu hơn 1 tỷ USD, song nếu loại trừ dầu thô thì khu vực FDI cũng nhập siêu 1,6 tỷ USD. Tình trạng nhập siêu nặng nề nhất là trong quan hệ thương mại với Trung Quốc với thâm hụt tới 6,3 tỷ USD, chiếm 94% tổng mức thâm hụt thương mại, tiếp theo là với ASEAN (thâm hụt 2,5 tỷ USD) trong khi Việt Nam vẫn duy trì xuất siêu sang thị trường Mỹ và EU. Đặc biệt, tình trạng nhập siêu lại xuất hiện trong thương mại với Nhật Bản nửa đầu năm 2010 trong khi những năm gần đây Việt Nam thường xuất siêu sang Nhật Bản.

Ông Ánh dự báo, trong nửa cuối năm 2010, kim ngạch nhập khẩu tiếp tục tăng mạnh và nhập siêu không thể dưới 20% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Dù lạc quan vào tình hình kinh tế Việt Nam trong thời gian tới, nhưng TS. Trần Du Lịch vẫn xác định nền kinh tế Việt Nam hiện tại là “qua sông, dò đá”. “Chúng ta đang phải trả giá cho mô hình kinh tế dựa vào lao động rẻ. Tất cả những khúc mắc này đang kỳ vọng vào chính sách mới 2011-2015. Với vai trò là đại biểu Quốc hội, tôi sẽ cố gắng góp sức hoạch định, hướng doanh nghiệp đi vào phát triển bền vững”.