14:39 11/05/2011

Doanh nghiệp và ngân hàng đang cùng “đói” vốn

Bảo Anh

Chỉ có 1/3 số doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, 2/3 còn lại không hoặc khó tiếp cận được vốn từ nguồn này

Lãi suất cao phần nào phản ánh tình trạng nguồn vốn của ngân hàng.
Lãi suất cao phần nào phản ánh tình trạng nguồn vốn của ngân hàng.
Chỉ có 1/3 số doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, 2/3 còn lại không hoặc khó tiếp cận được vốn từ nguồn này.

Thông tin trên được Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đưa ra tại hội thảo “Giải pháp vốn cho doanh nghiệp” do đơn vị này tổ chức ngày 10/5.

Đa số doanh nghiệp “nhỏ” gặp khó về vốn

Theo ông Vũ Tiến Lộc, trên thực tế, lâu nay các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn khó tiếp cận vốn từ ngân hàng và các tổ chức tín dụng. Nguyên nhân chủ yếu là do các doanh nghiệp này không đáp ứng đủ điều kiện cho vay.

Mối bận tâm thường trực đối với doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp vừa và nhỏ nói riêng là vốn. Vậy nên, theo ông Lộc, dù tiếp cận vốn từ ngân hàng rất khó khăn, song đây vẫn là kênh chính khi có đến 74,47% doanh nghiệp hướng tới, trong khi các kênh khác chưa được sử dụng hiệu quả.

Theo VCCI, không ít doanh nghiệp vừa và nhỏ cho rằng, lý do chính khiến họ khó tiếp cận vốn là do thủ tục ngân hàng đặt ra là “quá sức” đối với họ.

Hiện tại, mức lãi suất trần huy động vốn của Ngân hàng Nhà nước quy định đối với các ngân hàng thương mại là 14%/năm, lãi suất cho vay trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh xê dịch khoảng 17-18%/năm. Song, vì phải chạy đua cạnh tranh huy động vốn, nên các ngân hàng thương mại đã "phá rào", đẩy lãi suất huy động vốn lên từ 15 -19%/năm, tuỳ vào thời điểm và số lượng tiền gửi.

Điều này đồng nghĩa với việc lãi suất cho vay ra từ các ngân hàng có thể bị đẩy lên 20 - 22%. Một số ngân hàng còn tự đặt ra nhiều loại phí, khiến mức lãi suất thật mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải vay có thể lên tới 27%. Dẫn tới không ít doanh nghiệp không dám vay vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh.

Thế nhưng, về phía các ngân hàng, tình hình cũng không mấy sáng sủa hơn. TS. Nguyễn Thị Mùi (ngân hàng Vietinbank) cho hay, mức lãi suất hiện nay đã nói lên năng lực vốn của các ngân hàng thương mại.

Theo bà, nếu ngân hàng nhiều vốn không việc gì phải “phá trần” huy động và nâng lãi suất cho vay.

Không ít ngân hàng thương mại đang “kêu” về tình trạng sụt giảm mạnh nguồn tiền gửi của doanh nghiệp, tổ chức kinh tế - chiếm tỷ trọng đáng kể trong nguồn vốn của các tổ chức tín dụng, ngân hàng.

Bà Mùi cho hay, chỉ đơn cử tại Vietinbank, tính đến ngày 28/4/2011, lượng tiền gửi của doanh nghiệp đã giảm tới 17,1% so với thời điểm 31/12/2010; còn so với ngày 31/3/2011, tức chỉ cách đó một tháng, con số này đã giảm 5,77%.

Lý do được cho là hệ quả của cuộc đua lãi suất huy động, một số ngân hàng chào lãi suất huy động hấp dẫn khiến vốn từ ngân hàng này chảy sang ngân hàng khác. Đồng thời, trước bối cảnh lãi suất cho vay cao, rất nhiều doanh nghiệp tạm thời rút vốn từ ngân hàng về để phục vụ sản xuất kinh doanh, càng tạo thêm áp lực về vốn cho các ngân hàng.

Bất động sản không “ngán” lãi suất?

Theo TS.Nguyễn Thị Mùi, đối với khối sản xuất kinh doanh, mức lãi suất vay vốn 15-17% là đã khiến đa phần các doanh nghiệp gặp khó khăn. Thế nhưng, với khối phi sản xuất (tiêu dùng và đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán), các doanh nghiệp vẫn tỏ ra “vô tư” vay ngân hàng mà không một lời kêu ca.

Lý giải điều này, TS. Nguyễn Bá Ân , Phó viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, mức lãi suất có thể lên tới 25 - 27% nhưng vẫn thu hút doanh nghiệp bất động sản vay vốn, là do tiềm năng lợi nhuận cao của dự án.

“Nếu các dự án đô thị mới của Hà Nội mà được đấu giá sòng phẳng trên thị trường thì chắc không ai dám vay vốn mức như vậy, nhưng vì có trường hợp được giao đất, do mối quan hệ, doanh nghiệp có dự án rất tốt rồi, cần làm thì họ vẫn dám huy động, vay mức cao”, ông Ân nói.

Thế nhưng, với việc các doanh nghiệp bất động sản chấp nhận vay lãi suất cao, hiện đang có hai luồng ý kiến trái chiều trước thực tế này.

Một bên cho rằng, thực chất bất động sản không phải là lĩnh vực phi sản xuất vì vẫn tạo ra nhiều việc làm cho chính lao động trong ngành này và nhiều ngành khác như vận tải, dịch vụ... nên nếu quy bất động sản vào nhóm hạn chế cho vay là không hợp lý và thiếu công bằng. Một bên khác lại cho rằng, việc hạn chế cho vay bất động sản nhằm kiềm chế lạm phát là một biện pháp đúng. Nếu tiếp tục thả lỏng tín dụng đối với lĩnh vực này tất yếu sẽ dẫn tới mất cân bằng trong nền kinh tế, khiến sản xuất, kinh doanh toàn xã hội sẽ gặp khó khăn.