Doanh nghiệp Việt liệu có đang “trễ nhịp” trong cuộc đua phát triển AI?
Trước sự phát triển như vũ bão của công nghệ AI trên thế giới trong thời gian qua, doanh nghiệp Việt đã và đang ở đâu trong “cuộc đua” này? Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp Việt trong cuộc trường chinh với “thuyền con cưỡi sóng cả” này là gì?...
Trí tuệ nhân tạo (AI) đang nổi lên là công nghệ có khả năng cách mạng hóa hầu hết các ngành. Khi AI tiếp tục chứng minh tiềm năng của mình, thị phần của công nghệ này được dự đoán sẽ tăng lên nhanh chóng trong những năm tới.
Năm 2023, theo tính toán của Finbold, thị phần của AI ước tính sẽ đạt 207,9 tỷ USD và dự đoán giá trị thị trường sẽ tăng gấp hơn 7 lần để đạt 1,87 nghìn tỷ USD vào năm 2030. Theo đó, thị trường này sẽ đạt hơn 1 nghìn tỷ USD lần đầu tiên vào năm 2028.
Nhiều quốc gia và doanh nghiệp hàng đầu thế giới cũng đang đầu tư rất nhiều tiền của để có thể vượt lên trong cuộc đua phát triển AI. Microsoft được cho là đang đầu tư tổng cộng 13 tỷ USD vào OpenAI, startup đứng sau ChatGPT.
Gã khổng lồ tìm kiếm Google cũng đã đầu tư gần 400 triệu đô la vào Anthropic, công ty khởi nghiệp trí tuệ nhân tạo (AI) đang thử nghiệm một công cụ chatbot cạnh tranh với ChatGPT của OpenAI.
Trong khi đó, CEO Facebook Mark Zuckerberg chia sẻ trong một bài đăng trên blog công ty hồi tháng 3: “Khoản đầu tư lớn nhất của chúng tôi là thúc đẩy AI và tích hợp nó vào mọi sản phẩm”.
Trước sự phát triển như vũ bão của công nghệ AI, doanh nghiệp Việt đã và đang ở đâu trong “cuộc đua” này? Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp Việt trong cuộc trường chinh với “thuyền con cưỡi sóng cả” này là gì?
Khi sự phát triển bùng nổ của OpenAI nhen lên những hy vọng cho các startup tí hon trước cơ hội cạnh tranh sòng phẳng với những gã khổng lồ hàng đầu thế giới, giới ủng hộ công nghệ nước nhà có lẽ cũng vẫn ít nhiều kỳ vọng doanh nghiệp Việt có thể tạo nên một cú nổ tương tự như Chat GPT.
Giấc mơ có phần viển vông này liệu có cơ hội thành sự thật? AI sẽ mang đến cơ hội như thế nào cho sự phát triển kinh tế - xã hội và người dân Việt Nam?”.
Để mang tới cho độc giả những cái nhìn cận cảnh hơn về lĩnh vực đang phát triển rất nóng này, Trung tâm Kết nối Công nghệ Tương lai (Tech Connect), Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức Talkshow The WISE Talk số 07 với chủ đề: “Doanh nghiệp Việt có đang “trễ nhịp” trong cuộc đua phát triển AI”
Các nội dung được thảo luận trong chương trình bao gồm:
- Bức tranh phát triển của AI trên thế giới qua những con số và dữ liệu thực tế đang như thế nào?
- Tại Việt Nam, ứng dụng AI và các nền tảng như chat GPT đang được triển khai ra sao?
- Các lĩnh vực nào tại Việt Nam đang được ứng dụng mạnh mẽ nhất các tiến bộ của AI cho đến thời điểm hiện tại? Những lĩnh nào sẽ là miền đất hứa để công nghệ AI phát triển tại Việt Nam?
- Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam trong cuộc đua phát triển AI như thế nào?
- Doanh nghiệp Việt nên làm gì để không bị “chậm chân” trong cuộc đua này?
- Việc các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư và phát triển các sản phẩm AI sẽ có thể mang đến những cơ hội nào cho sự phát triển kinh tế - xã hội và người dân Việt Nam?
- Để lĩnh vực AI phát triển nhanh, mạnh và tăng tốc hơn nữa thì Việt Nam cần những cơ chế, ưu đãi, hay chính sách đặc thù ra sao?
Khách mời của Talkshow bao gồm:
- PGS-TS.Nguyễn Xuân Hoài - Viện trưởng Viện trí tuệ nhân tạo Việt Nam (AI Academy Vietnam)
- Th.S ngành Khoa học máy tính Nguyễn Vũ Anh - CEO Cốc cốc
- TS. AI Trung Huỳnh - nhà sáng lập Actable AI và ChatBD - tham gia qua zoom từ nước Anh
- Host: Đào Huyền Trang
The WISE Talk số thứ 07 với chủ đề: "Doanh nghiệp Việt có đang “trễ nhịp” trong cuộc đua phát triển AI” sẽ được phát sóng trực tuyến vào hồi 14:00 giờ ngày 16/06/2023 trên nền tảng VnEconomy và Fanpage VnEconomy.
Trân trọng kính mời quý độc giả quan tâm theo dõi!