12:58 13/10/2007

Doanh nhân Việt không có cửa thua

Tạ Thị Ngọc Thảo

Có phải do lịch sử nước ta gắn liền với những cuộc chiến nên khi nói về doanh nhân, xã hội ví họ là chiến sĩ thời bình?

Doanh nhân là lực lượng giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế.
Doanh nhân là lực lượng giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế.
Có phải do lịch sử nước ta gắn liền với những cuộc chiến nên khi nói về doanh nhân, xã hội ví họ là chiến sĩ thời bình?

Riêng với doanh nhân, người trong cuộc, thì từ "chiến sĩ thời bình" diễn đạt đúng trọng trách, môi trường hoạt động và hoàn cảnh mà họ phải đương đầu. 

Chiến sĩ thời bình trước hết là những người chịu trách nhiệm về đồng vốn của chính mình, chịu trách nhiệm trước pháp luật và xã hội về những hoạt động kinh doanh do mình điều hành và chịu trách nhiệm trước những con người gắn bó với doanh nghiệp do họ làm chủ.

Chiến sĩ thời bình còn là những người mà hoạt động của họ trực tiếp ảnh hưởng đến sự thịnh - suy của nền kinh tế.

Chiến sĩ thời bình, họ là ai?

Công việc đầu tư, kinh doanh của họ mang nhiều dạng: mua bán, sản xut, dịch vụ, nuôi trồng, v.v... Danh xưng của họ là chủ tập đoàn, chủ đầu tư, chủ tịch hội đồng quản trị, chủ doanh nghiệp, tổng giám đốc, giám đốc, chủ trang trại, chủ cơ sở kinh doanh cá thể.... Nơi họ hoạt động là thương trường, nơi họ tìm kiếm lợi nhuận là thị trường và lĩnh vực họ khai thác gồm nguồn nhân lực, nguồn vốn, nguyên - nhiên vật liệu, sản phẩm và hàng hóa.

Với nhiều doanh gia, hoạt động của họ trong thương trường không đơn thuần là nghề mà còn là nghiệp, chính điều này đã giúp nhiều người chủ xây dựng thành công thương hiệu tồn tại từ đời cha qua con, đời ông qua cháu.

Các chuyên gia nghiên cứu kinh tế đã khẳng định, doanh nhân là lực lượng giữ vai trò then chốt (có người gọi là nhân vật trung tâm) trong sự nghiệp phát triển kinh tế; họ sử dụng phần lớn lao động toàn cầu, tạo ra thị trường, tạo ra của cải, tạo ra cơ sở vật chất, góp phần quan trọng tạo ra công nghệ mới. Hoạt động của lực lượng này tác động tới sự thay đổi cơ cấu kinh tế toàn cầu, diện mạo quốc gia.

Do vậy, Nhà nước nào nhận rõ tầm quan trọng và khai thác được tiềm lực của giới doanh gia - nghiệp chủ, thì quốc gia đó phồn vinh - thịnh vượng; ngược lại, nếu kỳ thị, xóa bỏ, phân biệt đối xử thì kinh tế sẽ khựng lại hoặc thụt lùi, nếu có phát triển thì cũng khập khiễng, méo mó.

Chiến sĩ thời bình tuyên chiến với ai?

Thời nào cũng có loại "giặc" riêng, như năm 1945, Bác Hồ đã kêu gọi toàn dân chống giặc dốt, giặc đói cùng với giặc ngoại xâm; thời nay cũng vậy.

Nhớ lại những năm trước thời kỳ đổi mới, cái thời kinh tế tư nhân không có đất sống, giới kinh doanh bị lên án và kỳ thị; lúc đó nghèo đói, thiếu ăn, đã xảy ra ở diện rộng trên khắp đất nước ta. Đành rằng "đói cho sạch, rách cho thơm" nhưng "giàu mà sạch, lành mà thơm" vẫn tốt hơn nhiều.

Vì thế nhiều người trong giới doanh nhân không cam chịu đói nghèo, tiên phong bứt phá vượt rào, kiến nghị Nhà nước chấm dứt độc quyền làm kinh tế - vì làm kém hiệu quả - chấp nhận buông ra cho nhiều thành phần cùng tham gia. Cuộc bứt phá này đã nhận được sự đồng tình của toàn dân và cả khu vực quốc doanh.

Phúc đức cho dân tộc Việt Nam, các vị lãnh đạo thời bấy giờ đã thuận lòng dân, chẳng những chấp nhận xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp mà còn tạo hậu thuẫn cho chiến sĩ thời bình chủ động tiến công.

Vừa mới ra quân, đội ngũ tân binh chiến sĩ thời bình đã chặn đứng giặc đói nghèo, đẩy lùi túng thiếu và áp đảo định kiến cũ. Cả nước mở lòng bước vào thời kỳ đổi mới.

Để cùng với dân tộc chiến thắng đói nghèo, chống tụt hậu xa hơn về kinh tế, chiến sĩ thời bình đã phải tuyên chiến với giặc dốt của chính bản thân và đội ngũ mình. Bởi lẽ một thời gian dài bế quan tỏa cảng, chuyện làm sao để có cái ăn, cái mặc đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của cả nước; mọi nhu cầu khác đành phải xem nhẹ.

Vì lẽ này, hành trang nhập cuộc vào thương trường của nhiều doanh gia - nghiệp chủ thiếu hẳn những kiến thức cần thiết, lại mang nặng nếp nghĩ tiểu nông, chỉ chăm chút cho doanh nghiệp của mình, chú trọng khai thác cái lợi trước mắt, làm giàu bằng mọi cách. Nhiều khi vì lợi ích riêng tư xâm hại lợi ích cộng đồng, lợi ích quốc gia, phá hoại môi trường.

Cuộc chiến với những yếu kém của chính mình đầy thống khổ, gai góc và khắc nghiệt đã làm cho không ít chiến sĩ thời bình buộc phải bỏ cuộc vì sự sàng lọc khe khắt của thương trường.

Cuộc chiến với giặc dốt, giặc lạc hậu của bản thân và của đất nước chưa phân thắng bại thì lại xuất hiện một loại giặc mới: "quốc nạn tham nhũng".

Loại giặc này gắn với thói quen lạm dụng quyền lực từ thời tập trung quan liêu bao cấp cũ, nay càng lộng hành trong thời kỳ mới. Đó chính là lực cản liên minh với tư duy cũ kỹ làm trì trệ công cuộc đổi mới, khiến cho hệ thống pháp luật còn chưa đồng bộ, thiếu minh bạch, thiếu nht quán, làm nguội lạnh nhiệt huyết của nhiều chiến sĩ thời bình.

Đó còn là những bất cập trong chủ trương, chính sách liên quan đến kinh tế - thị trường, doanh nhân - doanh nghiệp; là tệ vô cảm, nhũng nhiễu, vô trách nhiệm của một số người mang danh công bộc của dân...

Nhà nước và người dân, trong đó có chiến sĩ thời bình, đã nhận diện rất rõ loại giặc này: chính nó đã kéo lùi bước tiến của xã hội, chính nó làm tuột tay nhiều cơ hội và vận hội dân tộc, và cũng chính nó trói tay, trói chân chiến sĩ thời bình. Không đánh cho tan tác không xong!

Chiến sĩ thời bình không có cửa thua

Nếu trước đây thế giới biết đến Việt Nam qua các cuộc kháng chiến đưa tới thắng lợi vẻ vang cho dân tộc, thì nay, thế giới còn biết về một Việt Nam nhiều tiềm năng với một lực lượng doanh nhân giàu sức bật và tràn đầy khát vọng làm giàu.

Dù chưa đến lúc ca khúc khải hoàn, nhưng chiến sĩ thời bình đã có thể ngẩng cao đầu mà bước. Sự tự hào chính đáng này là của cả dân tộc Việt Nam.

Trong thời kỳ đổi mới, chiến sĩ thời bình đã gặt hái được những thành quả không ai có thể phủ nhận: Khi họ tuyên chiến với nạn đói nghèo, với cơ chế bao cấp cũ thì sức sản xuất được giải phóng, tiềm năng, tiềm lực được khai thác; nghèo đói, túng thiếu đội nón đi xa; "giấc mơ hóa rồng" đã chập chờn trong gic ngủ của nhiều người.

Khi họ xác định dốt nát, lạc hậu và tụt hậu là giặc thì họ có ý thức trau dồi học hỏi, nâng cao kiến thức để chủ động vươn cao, bay xa đuổi bắt và hội nhập với toàn cầu. Vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế từng bước được nâng cao.

Và hiện nay, đội ngũ chiến sĩ thời bình là lực lượng xung kích đương đầu với "quốc nạn tham nhũng". Loại giặc này đã làm cho một đất nước có đầy đủ ba yếu tố "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" lại phải chịu chậm thời cơ tiến nhanh, tiến thẳng đến sự phồn vinh, thịnh vượng.

Cũng chính nó làm người có tâm huyết phải nản lòng, người có tài bị mai một và làm cho một số người trong hàng ngũ chiến sĩ thời bình biến chất, tha hóa, mỏi mệt; có người đã đầu hàng, có người muốn bỏ cuộc.

Hơn mươi hai năm đổi mới, chiến sĩ thời bình đã gắn bó với dân tộc của mình như thuyền và nước: "Nước lên, thuyền thong dong - nước xuống, thuyền mắc cạn". Và bây giờ là thời toàn cầu hóa, chiến sĩ thời bình không chỉ hoạt động trong sân nhà mà còn vẫy vùng trên sân bạn.

Cha ông ta đã dạy "biết người biết ta, trăm trận trăm thắng". Vậy lực lượng "quân ta" hiện nay như thế nào? Dù thừa hưởng tinh thần kiên cường quật khởi của dân tộc nhưng, tỉnh táo mà nói, so với "quân bạn", "quân ta" non hơn. Non về tuổi nghề, về vốn, kiến thức, công nghệ, môi trường kinh doanh...

Đã non, sức lại phải phân chia cho hai mặt trận, vừa cạnh tranh toàn cầu vừa chống giặc tham nhũng. Vì thế, không thể không đặt ra tình huống: nếu lỡ như chiến sĩ thời bình thua trong cuộc chiến này, thì sao?

Bởi lẽ, cái sự thua này không phải của riêng chiến sĩ thời bình và cái giá phải trả cho cái sự thua này quá lớn. Hơn lúc nào hết, cùng với sự nỗ lực của từng doanh gia, nghiệp chủ, chiến sĩ thời bình rất cần sự hậu thuẫn của Nhà nước và của toàn dân tộc Việt Nam. Nếu được vậy, lần ra quân này, chiến sĩ thời bình không có cửa thua.