09:02 02/01/2007

10 sự kiện chính trị - kinh tế - xã hội 2006

TBKTVN

Trong những ngày đầu năm mới 2007, mời bạn cùng chúng tôi nhìn lại những sự kiện chính trị - kinh tế - xã hội quan trọng nhất trong năm qua

Việt Nam đã trở thành thành viên của WTO từ ngày 7/11/2006.
Việt Nam đã trở thành thành viên của WTO từ ngày 7/11/2006.

Trong những ngày đầu năm mới 2007, mời bạn cùng chúng tôi nhìn lại những sự kiện chính trị - kinh tế - xã hội quan trọng nhất trong năm qua.

1. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X và một số nhân sự mới của Đảng và Nhà nước

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X Đảng cộng sản Việt Nam họp từ ngày 18/4/2006 đến ngày 25/4/2006 tại Thủ đô Hà Nội. Có 1.176 đại biểu đại diện cho trên 3,1 triệu đảng viên về dự Đại hội.

Đại hội đã thảo luận và thông qua các văn kiện quan trọng: Báo cáo chính trị; Báo cáo phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010; Báo cáo công tác xây dựng Đảng và Điều lệ Đảng (bổ sung, sửa đổi).

Các văn kiện được thông qua tại Đại hội là kết tinh trí tuệ và ý chí của toàn Đảng, toàn dân ta, là sự tổng kết sâu sắc thực tiễn và lý luận 20 năm đổi mới để tiếp tục hoàn thiện và phát triển đường lối, quan điểm đổi mới trong giai đoạn cách mạng hiện nay ở nước ta.

Đại hội đã biểu thị quyết tâm to lớn của Đảng ta, trong những năm tới, lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phấn đấu: nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, tạo nền tảng đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

2. Việt Nam gia nhập WTO và Mỹ thông qua PNTR

Sau 11 năm đàm phán đa phương và song phương, ngày 7/11/2006  Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã kết nạp Việt Nam. Ngày 28/11/2006, Quốc hội đã chính thức phê chuẩn Nghị định thư về việc Việt Nam gia nhập WTO. Việt Nam sẽ chính thức trở thành thành viên đầy đủ thứ 150 của WTO vào ngày 11/1/2007.

Việc Việt Nam gia nhập WTO đã khẳng định sự công nhận của Cộng đồng quốc tế đối với những nỗ lực và thành tựu đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế và đường lối đối ngoại rộng mở của Việt Nam. Đây được xem như một cột mốc lịch sử mở ra một thời kỳ mới cho phát triển kinh tế Việt Nam. Từ nay, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại đầy đủ với các thành viên WTO, trong đó có Hoa Kỳ.

Việc thông qua Quy chế Quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) của Chính phủ Hoa Kỳ với Việt Nam cũng là một sự kiện không kém quan trọng, đã đánh dấu việc bình thường hoá hoàn toàn quan hệ song phương giữa hai nước trong các lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, thương mại và đầu tư. Hai nước sẽ cùng áp dụng cho nhau những cam kết của mình trong khuôn khổ WTO.

3. Đăng cai và tổ chức thành công APEC 14

Năm APEC Việt Nam 2006 đã kết thúc tốt đẹp với việc Việt Nam tổ chức thành công Tuần lễ cấp cao APEC và Hội nghị cấp cao các nhà lãnh đạo kinh tế APEC 2006 tháng 11/2006. Sự kiện này đã gây một tiếng vang lớn, góp phần mở rộng quan hệ và nâng cao vị thế của Việt Nam tại Diễn đàn hợp tác kinh tế lớn nhất thế giới cũng như trên trường quốc tế.

Vượt lên trên những tác động về chính trị-xã hội, những kết quả thu được về kinh tế từ năm APEC 2006 thật ý nghĩa. Hàng loạt chuyến thăm song phương, hàng nghìn doanh nghiệp hàng đầu đổ về Việt Nam được chứng kiến một nước Việt Nam đầy tiềm năng để từ đó củng cố ý định hợp tác đầu tư. Hàng loạt hợp đồng kinh tế trị giá nhiều tỷ USD đã được ký, các ý định hợp tác được bàn thảo, góp phần tích cực thúc đẩy hợp tác vì sự phồn vinh của đất nước.

Năm 2006 cũng là năm có nhiều hoạt động đối ngoại sôi nổi với nhiều cuộc đi thăm của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đến các nước trên thế giới và khu vực. Trong năm này, Việt Nam đã đón 12 vị nguyên thủ, 17 thủ tướng, phó thủ tướng, 12 chủ tịch, phó chủ tịch quốc hội các nước thăm nước ta.

Cũng trong năm này, Việt Nam được các nước châu Á nhất trí đề cử trở thành thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

4. FDI và ODA đạt kỷ lục

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam năm 2006 đạt con số kỷ lục 10,2 tỉ USD. Đây là mức thu hút vốn FDI cao nhất kể từ khi có Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1997 đến nay. Hàn Quốc dẫn đầu trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư nhiều nhất tại Việt Nam.

Điểm đáng chú ý trong bức tranh về đầu tư nước ngoài ở nước ta trong năm 2006 là đã xuất hiện hàng loạt các dự án đầu tư có quy mô lớn do các tập đoàn xuyên quốc gia đầu tư, trong đó Công ty thép Posco là dự án có vốn đầu tư lớn nhất 1,126 tỷ USD, tiếp theo là Công ty TNHH Intel Products Việt Nam vốn đầu tư trên 1 tỷ USD.

Kết quả ấn tượng này tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của đầu tư trực tiếp nước ngoài trong nền kinh tế Việt Nam và góp phần tạo đà tăng trưởng cao đối với hoạt động đầu tư nước ngoài năm 2007.

Năm 2006  các định chế quốc tế và các nước cam kết tài trợ vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) 4,45 tỷ USD, cũng là mức cao nhất từ khi Việt Nam thực thi đường lối đổi mới. Điều này chứng tỏ các nhà tài trợ tin tưởng vào kế hoạch 5 năm 2006-2010 của Chính phủ Việt Nam và mong muốn đóng góp vào những chuyển biến tích cực về kinh tế, xã hội của Việt Nam.

5. Xuất khẩu tăng trưởng cao

Năm 2006, hoạt động xuất khẩu vẫn tiếp tục đà tăng trưởng cao và đạt được những kết quả rất khả quan.

Nhìn chung, xu hướng xuất khẩu từ đầu đến cuối năm đều khá thuận lợi, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 39,605 tỷ USD, tăng 22,1% so với năm 2005. Trong đó khu vực đầu tư nước ngoài tiếp tục dẫn đầu cả về tỷ lệ đóng góp và tăng trưởng tương ứng với 22,865 tỷ USD và tăng 23,2%.

Cơ cấu xuất khẩu năm 2006 đã có những bước chuyển tích cực theo hướng bền vững, cả nước đã có 9 nhóm mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD với hai mặt hàng mới là cà phê và cao su. Có 4 nhóm mặt hàng vượt 3 tỷ USD là dầu thô 8,323 tỷ USD, dệt may 5,802 tỷ USD, dày dép đạt 3,555 tỷ USD, thủy sản 3,364 tỷ USD. Ngoài ra các mặt hàng sản phẩm gỗ, đồ điện - vi tính, gạo đều đạt trên 1 tỷ USD.

Trong các thị trường, Mỹ vẫn tiếp tục dẫn đầu với 7,9 tỷ USD, EU 7,1 tỷ USD và Nhật Bản 5,1 tỷ USD... các thị trường trọng yếu này vẫn có mức tăng trưởng từ 20 - 35%.Xuất khẩu đóng góp trên 50% GDP cả nước, sự tăng trưởng xuất khẩu có ý nghĩa rất quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế chung.

6. Thị trường chứng khoán bùng nổ

Như nhiều thị trường mới nổi ở châu Á, thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2006 chứng kiến những đợt thăng hoa ngoạn mục, trong đó đặc biệt là chỉ số của hai sàn Tp.HCM và Hà Nội có biến động lớn và liên tục lập những kỷ lục mới.

Chỉ số VN-Index của sàn Tp.HCM đã có lúc xuống mức thấp nhất 304,23 điểm và tăng lên mức cao nhất 809,86 điểm (ngày 20/12). Chỉ số Hastc-Index của sàn Hà Nội cũng biến động không kém, từ mức thấp nhất 89,93 điểm tăng lên mức cao nhất 258,78 điểm.

Vốn hóa thị trường tăng vọt từ 1% GDP (vào cuối năm 2005) lên mức 15% GDP, đạt xấp xỉ 150 nghìn tỷ đồng.

Doanh thu giao dịch tăng mạnh đã kéo theo mảng dịch vụ phát triển theo. Riêng trong năm 2006, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã cấp phép cho gần 40 công ty chứng khoán mới. 108 công ty niêm yết cổ phiếu tại sàn Tp.HCM (gồm cả 2 quỹ đầu tư niêm yết chứng chỉ quỹ) và 88 công ty tại sàn Hà Nội. Hơn 80% trong số này lên sàn trong năm 2006.

Số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán tăng từ 30.000 (cuối năm 2005) lên hơn 130.000 tài khoản trong năm 2006.

7. Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của giới công nghệ thông tin - viễn thông thế giới

2006 được xem là năm đánh dấu những sự kiện quan trọng đối với ngành công nghệ thông tin và viễn thông Việt Nam. Tập đoàn Intel đã chính thức đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất chíp ở Tp.HCM và cũng chỉ sau 9 tháng được cấp phép, Tập đoàn này cũng đã nâng tổng số vốn đầu tư từ 605 triệu USD lên 1 tỷ USD.

Cũng lần đầu tiên, Chủ tịch kiêm Kiến trúc sư trưởng của Microsoft - tỷ phú Bill Gates đã đến thăm Việt Nam.

Cùng với sự viếng thăm và cam kết đầu tư gần 1 tỷ USD của các doanh nghiệp điện tử và công nghệ cao vào Hà Tây và các tỉnh khác, Việt Nam đang trở thành một điểm đầu tư hấp dẫn của giới công nghệ thông tin thế giới và làn sóng đầu tư được dự đoán sẽ còn tiếp tục gia tăng sau khi Việt Nam đã trở thành thành viên của WTO.

Luật Công nghệ thông tin được Quốc hội thông qua vào tháng 6/2006 đã tạo điều kiện cho một số doanh nghiệp viễn thông của Việt Nam đầu tư ra thị trường nước ngoài (Viettel đã đầu tư và cung cấp dịch vụ tại Campuchia).

Trong những ngày cuối năm, sự cố đứt cáp quang quốc tế tại vùng biển Đài Loan đã ảnh hưởng đến nhiều ngành kinh tế, trong đó có ngành hàng không và ngân hàng.

8. Hạ tầng giao thông được xây dựng thêm nhiều công trình mới

Theo ước tính của Bộ Giao thông Vận tải, tổng mức đầu tư cho lĩnh vực cơ sở hạ tầng giao thông năm 2006 vào khoảng 10.000 tỷ đồng. Điểm nổi bật nhất của ngành trong năm 2006 là việc khánh thành cầu Bãi Cháy và cầu Thị Nại.

Cầu Bãi Cháy bắc qua eo biển Cửa Lục trên vịnh Hạ Long, Quảng Ninh được xây dựng bằng nguồn vốn ODA của Nhật Bản đã chính thức được hoàn thành và thông xe vào 2/12 với tổng mức đầu tư gần 2.141 tỷ đồng. Đây là cây cầu bê tông dự ứng lực một mặt phẳng đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam. Việc hoàn thành cầu Bãi Cháy đã nối thông toàn bộ Quốc lộ 18, trục giao thông huyết mạch của tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Sau cầu Bãi Cháy, cầu Thị Nại thuộc dự án cầu đường Quy Nhơn - Nhơn Hội với tổng mức đầu tư 580 tỷ đồng cũng được hoàn thành trong tháng 12/2006. Cầu có chiều dài hơn 2.477m, được xây dựng vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép.

Bên cạnh đó, mặc dù chưa chính thức được thông xe trong năm 2006 nhưng đến nay cầu Thanh Trì cũng đã cơ bản hoàn thành. Dự kiến được thông xe vào trước Tết nguyên đán.  Tuyến tàu điện ngầm tại Hà Nội cũng vừa được khởi công vào cuối năm.

9. Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai

Trong năm 2006, Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai trong khu vực Đông Nam Á. Đã có 10 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta, trong đó 3 cơn bão số 1, 6, 9 đã gây thiệt nặng nề về người và tài sản.

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê thiên tai ở Việt Nam đã làm hơn 500 người chết, mất tích và khoảng 2.900 người bị thương; tổng thiệt hại về vật chất trên 18.700 tỉ đồng. Các địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất về vật chất là Đà Nẵng (5.200 tỉ đồng), Bà Rịa - Vũng Tàu (3.300 tỉ đồng), Bến Tre (3.100 tỉ đồng).

Trong sản xuất nông nghiệp, sự bùng phát của dịch rầy nâu gây bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá trên hàng trăm ngàn ha lúa tại ĐBSCL đã làm giảm sản lượng 700.000 tấn thóc trong năm 2006 và khiến giá gạo tăng cao, nhiều doanh nghiệp phải hủy bỏ hợp đồng xuất khẩu gạo.

Theo tính toán, nếu không có các biện pháp triệt để phòng trừ rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá hiệu quả thì trong năm 2007, sản lượng lúc ở khu vực ĐBSCL có khả năng thiếu hụt khoảng 1 triệu tấn.

10. Thành lập các cơ quan chống tham nhũng

Năm 2006 nổi lên như một năm thể hiện quyết tâm cao độ của Đảng, Chính phủ trong cuộc chiến bài trừ tham nhũng ở nước ta .

Ngày 1/9/2006, Ban phòng chống tham nhũng Trung ương được thành lập, do Thủ tướng làm Trưởng ban. Ngày 31/10/2006, Cục Chống tham nhũng được thành lập ở Thanh tra Chính phủ. Ngày 13/11/2006, Cục Cảnh sát phòng chống tham nhũng cũng đã được thành lập tại Bộ Công an. Ngày 27/12/2006 trong phiên họp thường kỳ cuối năm Thủ tướng Chính phủ đồng ý lấy ý kiến của các thành viên là năm 2007 sẽ thành lập Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng tỉnh thành trực thuộc Trung ương.

Theo cuộc thăm dò dư luận do trang web của Thanh tra Chính phủ tổ chức, tính đến ngày 22/12, có 53,1% người trả lời rằng vụ PMU 18 là vụ tham nhũng, lãng phí lớn nhất trong năm. Đến nay, đã có 17 đơn vị , tổ chức và 40 cá nhân liên quan đến vụ tiêu cực PMU18 đã nhận các hình thức kỷ luật khác nhau. Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Việt Tiến cùng nhiều quan chức khác của ngành giao thông đã bị bắt tạm giam và đang chờ ngày xét xử.

Trong năm qua, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành 25 cuộc thanh tra về kinh tế xã hội, đã phát hiện sai phạm hơn 7.000 tỷ đồng và gần 10 triệu USD.