14:59 11/10/2017

Ông chủ “giấc mơ ôtô Việt” xin vay vốn VDB mua lại nợ xấu

Bạch Dương

Vinaxuki đã kiến nghị vay vốn VDB để mua lại các khoản nợ xấu mà các ngân hàng đã bán cho VAMC

Vinaxuki và đoạn kết buồn của giấc mơ thương hiệu xe hơi Việt. 
Vinaxuki và đoạn kết buồn của giấc mơ thương hiệu xe hơi Việt. 
Bộ Tài chính vừa có văn bản trả lời Công ty Cổ phần Ôtô Xuân Kiên (Vinaxuki) về việc công ty này đã kiến nghị vay vốn Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) để mua lại khoản nợ xấu mà các ngân hàng đã bán cho VAMC.

Bộ Tài chính cho biết, Nghị định số 32/2007/NĐ-CP ngày 31/3/2017 của Chính phủ về tín dụng đầu tư của Nhà nước không có quy định về việc vay vốn tín dụng đầu tư từ VDB để mua lại khoản nợ xấu mà ngân hàng thương mại đã bán cho các tổ chức khác.

“Do đó, đề nghị vay vốn Ngân hàng Phát triển Việt Nam để mua lại khoản nợ xấu của Vinaxuki là không có cơ sở pháp lý để thực hiện”, Bộ Tài chính khẳng định.

Đây không phải lần đầu tiên kiến nghị của Vinaxuki bị từ chối bởi Bộ Tài chính, phía Bộ Tài chính đã có nhiều công văn trả lời cho các kiến nghị tháo gỡ khó khăn của Vinaxuki.

Bộ Tài chính từng cho biết đã nêu rõ quan điểm về chính sách tín dụng, công ty này cần chủ động liên hệ với Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) để được hướng dẫn.

Trước đó, ông Huyên cũng có văn bản “cầu cứu” lên Thủ tướng, trong đó nói rõ những khó khăn của bản thân.

Ông Huyên cho biết, tổng dư nợ của Vinaxuki tính đến ngày 31/12/2013 là 600 tỷ đồng. Công ty đã đề nghị Vietcombank và BIDV cho vay thêm nhưng không được, vì hiện hai ngân hàng này vẫn chưa thực hiện xong việc tái cơ cấu vốn cho công ty.

“Vinaxuki đang thực sự khó khăn, nhiều ngân hàng muốn cho chúng tôi vay vốn song tài sản của chúng tôi đã được cầm cố tại các ngân hàng của Việt Nam, số tài sản đó nếu bình thường có thể thế chấp vay thêm được 400 tỷ đồng. Chúng tôi phải thế chấp 2.800 tấn khuôn với giá 8.400 đồng/kg như giá sắt vụn… Chúng tôi sau 1,5 năm chờ đợi việc tái cơ cấu vốn của ngân hàng và đến nay đang chào bán và cổ phần hóa một số tài sản để có thêm vốn sản xuất nhưng mọi việc đang còn chậm trễ, do giai đoạn này các công ty Việt Nam chẳng ai mua, còn các công ty nước ngoài lại chờ chiến lược của Chính phủ”.

Những năm đầu sản xuất và có mặt trên thị trường, Vinaxuki và Trường Hải chính là những điển hình của ngành công nghiệp ôtô nội địa với sản lượng bán hàng thường xuyên đạt trên mốc 1.000 xe/tháng. Tuy nhiên, khi nền kinh tế rơi vào khó khăn, thị trường suy giảm mạnh thì với tiềm lực tài chính hạn chế, Vinaxuki đã gặp khó khăn.

Việc không vay được vốn lưu động khiến các kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp “đổ vỡ”, Vinaxuki không trả được nợ. Ông Huyên đặt giả thiết rằng, nếu năm 2012-2015 Vinaxuki được vay vốn lưu động sản xuất xe tải nặng và xe khách tại Thanh Hoá thì không những trả hết nợ mà còn có lãi.

Cũng tại văn bản này, ông Huyên cho biết, ông đã trình bày với các lãnh đạo các chi nhánh của Vietcombank, BIDV, VietinBank và cơ bản họ đồng ý với đề nghị tái cơ cấu vốn đầu tư và cho vay vốn lưu động để Vinaxuki tiếp tục sản xuất và trả nợ nhưng cấp trên của họ không đồng ý.

Vinaxuki cũng đề xuất việc vay 200 tỷ đồng vốn lưu động hoặc mời ngân hàng cùng đầu tư để các nhà máy vận hành trở lại và tìm đối tác bán cổ phần, thu hồi vốn trả nợ VAMC và các ngân hàng.

Cũng trong chính bức thư gửi Thủ tướng, ông Bùi Ngọc Huyên đã đề nghị được tháo gỡ khó khăn bằng việc chuyển khoản nợ (cộng lãi) 630 tỷ đồng từ ngân Vietcombank và BIDV sang Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) để được hưởng mức lãi suất thấp hơn. Kèm theo đó là lời hứa, “những năm tới sẽ mở rộng việc hợp tác trong nước, chuyển giao công nghệ để một số doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể dập và sản xuất một số chi tiết trên cơ sở khuôn mẫu do Vinaxuki chế tạo, với giá thành chỉ bằng 50-80% khuôn mẫu nhập khẩu”.