Đổi cách tính chỉ tiêu lãi suất 5 năm tới
Mức chênh lệch của lãi suất - thay vì hợp lý so với mức lạm phát - đã chuyển thành hợp lý so với mức lãi suất huy động
Trình Uỷ ban Thường vụ kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế 2016 - 2020 tại phiên họp sáng 17/10, Chính phủ đã thay đổi cách xác định một số chỉ tiêu, thể hiện rõ nhất thể hiện ở chỉ tiêu phần tái cơ cấu các tổ chức tín dụng.
Trước đó, như VnEconomy đã đưa tin, tại phiên họp ngày 7/10 của Uỷ ban Kinh tế, đề án tái cơ cấu nền kinh tế đã được báo cáo.
Khi đó, đề án xác định cắt giảm lãi suất cho vay trung bình xuống mức chênh lệch hợp lý (từ 2 - 3%) so với mức lạm phát và có tính cạnh tranh so với mức lãi suất cho vay trung bình tại các nước trong khu vực.
Ngay lập tức, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho rằng, mục tiêu này rất khó cho điều hành và không hợp lý vì chính sách tiền tệ là chính sách ngắn hạn, hoàn toàn phụ thuộc vào tình hình kinh tế trong và ngoài nước để điều chỉnh.
Bà Hồng phân tích, lãi suất cho vay phải dựa trên lãi suất đầu vào cộng với chi phí của hoạt động trung gian tài chính. Nếu đề án đưa ra mục tiêu thấp hơn lạm phát 2- 3%, mà 2016 - 2020 mục tiêu những năm đầu lạm phát 4% và đưa về 3% vào 2020, trừ đi thì lãi suất cho vay chỉ 1% thì có hợp lý hay không, chưa kể còn trừ đi chi phí trung gian thì lãi suất huy động sẽ là 0 hay là âm?
Chỉ tiêu về lãi suất sau đó đã được xác định lại, tại tờ trình về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế 2016 - 2020 được Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sáng 17/10.
Đó là "cắt giảm lãi suất cho vay trung bình xuống mức chênh lệnh hợp lý so với mức lãi suất huy động và có tính cạnh tranh so với mức lãi suất cho vay trung bình tại các nước trong khu vực".
Như vậy, mức chênh lệch của lãi suất - thay vì hợp lý so với mức lạm phát - đã chuyển thành hợp lý so với mức lãi suất huy động. Và, con số cụ thể từ 2-3% cũng không còn xuất hiện.
Vẫn liên quan đến tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, ở tờ trình mới, Chính phủ vẫn xác định xử lý nhanh và dứt điểm nợ xấu, giảm tỷ lệ nợ xấu trong nền kinh tế xuống mức dưới 3% một cách bền vững.
Chính phủ cũng đặt mục tiêu phấn đấu đến 2020, các ngân hàng thương mại có mức vốn tự có theo chuẩn mực vốn của Basel 2, trong đó có ít nhất 12 -15 ngân hàng thương mại áp dụng thành công Basel II (theo phương pháp tiêu chuẩn trở lên).