08:20 06/04/2007

Đối phó thế nào với các rào cản thời hội nhập?

Quỳnh Ngọc

Trở thành thành viên của WTO, không có nghĩa là Việt Nam sẽ hưởng một môi trường mậu dịch hoàn toàn tự do

Những rào cản nhập khẩu thường được các nước đặt ra là các điều kiện về kỹ thuật như chất lượng, nhãn mác, bao bì, vệ sinh an toàn thực phẩm, sở hữu trí tuệ... - Ảnh: TT.
Những rào cản nhập khẩu thường được các nước đặt ra là các điều kiện về kỹ thuật như chất lượng, nhãn mác, bao bì, vệ sinh an toàn thực phẩm, sở hữu trí tuệ... - Ảnh: TT.
Gia nhập WTO, xuất khẩu của Việt Nam có nhiều cơ hội để tăng trưởng, song gắn với đó là nguy cơ bị kiện chống bán phá giá và những rào cản kỹ thuật khác.

Vậy làm thế nào để tranh thủ tối đa những cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu, đồng thời hạn chế những rào cản kỹ thuật sẽ được dựng lên trong giai đoạn hội nhập sâu rộng này? Đây cũng là vấn đề “nóng” nhất được các chuyên gia đề cập đến tại Diễn đàn Xúc tiến Xuất khẩu do Thời báo Kinh tế Việt Nam phối hợp với Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Thương mại) tổ chức ngày 5/4 tại Hà Nội.

Phòng hơn chống

Theo Thứ trưởng Bộ Thương mại Lương Văn Tự, trở thành thành viên của WTO, không có nghĩa là Việt Nam sẽ hưởng một môi trường mậu dịch hoàn toàn tự do mà luôn luôn có những rào cản kỹ thuật, đặt biệt là nguy cơ bị kiện chống bán phá giá. “Do vậy, chúng ta nên chủ động phòng tránh và hạn chế những nguy cơ này trước khi bị các nước điều tra kiện”, ông nói.

Để phòng tránh nguy cơ bị kiện bán phá giá, Thứ trưởng Lương Văn Tự cho rằng cần phải xem xét ba yếu tô dẫn đến bị điều tra áp thế chống bán phá giá. Đó là tăng trưởng hàng xuất khẩu ở thị trường đó cao, xuất khẩu vượt mức quy định thị phần của hàng nhập khẩu ở nước đó, và giá bán thấp hơn giá bán trong nước đó và các nước khác.

Từ những yếu tố trên, các chuyên gia cho rằng, Nhà nước cần phải giúp doanh nghiệp hiểu và điều tiết thị trường. "Nhưng, vấn đề điều tiết ở đây không phải như theo kiểu cũ, tức là cho làm cái này mà không cho làm cái kia”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Đối với doanh nghiệp, theo ông, nên thống nhất với nhau để giữ giá. Thứ trưởng gợi ý, khi mở thị trường chúng ta có thể chào với giá hấp dẫn, nhưng khi đã có được thị trường rồi chúng ta cần phải tăng dần giá hàng hoá lên.

Tuy nhiên, rất khó có thể tăng giá hàng hoá một cách đột ngột vì điều đó sẽ ảnh hưởng đến nhiều vấn đề liên quan đến mối quan hệ làm ăn giữa hai bên và uy tín của chính doanh nghiệp. Vì vậy, Thứ trưởng cho rằng, cùng với việc tăng giá chúng ta cần tăng dần giá trị hàng hoá cao hơn hoặc thay đổi mẫu mã bao bì.

Thứ trưởng kể, kinh nghiệm vụ kiện cá tra cá basa cho thấy, lúc đầu chúng ta bán vào Mỹ 3 USD/kg, nhưng sau đó nhiều doanh nghiệp cùng vào, giá cá bị hạ xuống còn 1 USD/kg. Vậy là Mỹ cho rằng ta bán phá giá và kiện ta bán phá giá cá tra, cá basa vào Mỹ.

Ngoài ra, Thứ trưởng cũng nhấn mạnh đến vai trò của các hiệp hội trong việc định hướng và hỗ trợ thông tin cho các doanh nghiệp đối với những thị trường đã có “báo động đỏ”.

Cơ chế giám sát xuất khẩu

Luật sư Trần Hữu Huỳnh (Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) cho rằng, để đối phó với những rào cản trong thời hội nhập, cần phải có cơ chế giám sát xuất khẩu.

Tuy nhiên, hiện nay, về thuật ngữ vẫn chưa có một cách hiểu thống nhất. Ông cho rằng, nếu hiểu theo nghĩa một cơ chế mà Nhà nước thiết lập để kiểm soát các hoạt động xuất khẩu nhằm hạn chế nguy cơ bị các rào cản thương mại ở các nước nhập khẩu thì hầu như không tìm thấy một quốc gia nào áp dụng “cơ chế” kiểu như vậy.

Vì theo ông Huỳnh, khó có một cơ chế giám sát cho tất cả các loại hàng hoá xuất khẩu và không thể sử dụng cơ chế tĩnh để đối phó với những rủi ro.

Do đó, ông cho rằng, nên căn cứ vào các nguyên nhân trực tiếp của các rào cản thương mại để có cơ chế phù hợp.

Ví dụ, những rào cản nhập khẩu thường được các nước đặt ra là các điều kiện về kỹ thuật như chất lượng, nhãn mác, bao bì, vệ sinh an toàn thực phẩm, sở hữu trí tuệ… Với tính chất như vậy thì biện pháp đối phó duy nhất là phải đảm bảo hàng hoá trước khi xuất. Do đó, cần phải duy trì các đơn vị theo dõi và kiểm soát về vấn đề này.

Đối với các vụ kiện thương mại phức tạp hơn như kiện chống bán phá, chống trợ cấp hoặc tự vệ, thì cần phải có một hệ thống phức hợp nhiều biện pháp với tính chất khác nhau, từ biện pháp mềm như tuyên truyền, cảnh bảo đến các biện pháp cứng rắn hơn như hạn chế số lượng, ấn định giá sàn, áp dụng thuế xuất khẩu…

Như vậy, cơ chế giám sát xuất khẩu có thể là một giải pháp hữu hiệu nếu cơ chế đó được xây dựng theo phương pháp “mở” và “động”.