Đối phó thế nào với làn sóng giấy phép con?
"Hơn 150 giấy phép đã bị bãi bỏ theo đề nghị của Tổ thi hành Luật Doanh nghiệp trước kia, nhưng nay thì số giấy phép lại trở lại như cũ, thậm chí là hơn"
Sự “tái xuất” của "làn sóng" giấy phép kinh doanh đang làm dấy lên những bức xúc trong các doanh nghiệp. Họ cho rằng việc bãi bỏ một số giấy phép kinh doanh nhưng không thay đổi triệt để cách làm luật của các cơ quan hành chính nên vẫn không thay đổi được “bản chất sự việc”.
Vì sao Chính phủ không thể đẩy lùi làn sóng giấy phép con trong những năm qua, và hướng xử lý sẽ như thế nào? Ông Đinh Văn Ân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, kiêm Tổ phó Tổ thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, vừa có cuộc trao đổi với chúng tôi về vấn đề này
Sự trở lại của "làn sóng" giấy phép kinh doanh thời gian vừa qua được các doanh nghiệp xem như là tái ban hành các luật lệ cũ dưới hình thức mới nhưng các phản ứng lại không thu hút được sự chú ý của xã hội. Liệu có phải Tổ công tác hiện tại hoạt động kém hiệu quả so với tổ công tác trước?
Tổ công tác hiện nay được kế thừa từ Tổ thi hành Luật Doanh nghiệp trước kia, và mới đi vào hoạt động được gần 3 tháng nay. Tuần nào chúng tôi cũng họp để xem xét cách áp dụng của 2 luật và các nghị định kèm theo của các cơ quan quản lý và doanh nghiệp để cố gắng tháo gỡ khó khăn thực tế.
Trong khi đó, việc ban hành các giấy phép con của các bộ, ngành, địa phương là cả một quá trình, đặc biệt từ năm 2000 trở lại đây.
Ngoài chức năng giám sát việc thực hiện hai luật này, Thủ tướng cũng giao cho Tổ rà soát lại các giấy phép con. Chúng tôi đã chuẩn bị Nghị định về quản lý Nhà nước về giấy phép, nhưng tiếc là không thể ban hành được.
Tại sao lại khó khăn vậy, thưa ông?
Chính phủ đã không thể ban hành nghị định này vì hai lý do.
Thứ nhất, Việt Nam đã có Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Theo luật này, các cơ quan soạn thảo cấp dưới và Quốc hội khi xem xét thông qua các luật cũng đã phải xem liệu tính hợp lý của các giấy phép cài trong luật đó và đồng ý chấp nhận có giấy phép hay không trong từng lĩnh vực, trong từng luật. Vì vậy, khi luật đã ban hành (mà có cài giấy phép con) thì không còn thuộc thẩm quyền của Chính phủ.
Thứ hai, Luật Doanh nghiệp mới đã quy định cụ thể là chỉ Chính phủ và cơ quan trên Chính phủ (Quốc hội) mới được quyền ban hành các văn bản quy định về giấy phép con. Nghĩa là các bộ, ngành và chính quyền địa phương không được quy định về giấy phép con, hay điều kiện kinh doanh trong các thông tư, hướng dẫn, hay văn bản.
Nếu trong một nghị định của Chính phủ mà nói sửa đổi hoặc không cho thực hiện một giấy phép đã được quy định trong luật hay pháp lệnh của Quốc hội, hay Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì vi hiến, trái pháp luật. Đây là lý do không thể có nghị định này.
Tuy nhiên, Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cho Tổ công tác xem xét lại toàn bộ hệ thống giấy phép con hiện tại trong các luật và sau đó sẽ kiến nghị lên Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội để điều chỉnh luật đó. Còn những giấy phép con không phù hợp cài trong nghị định, thì sẽ được Chính phủ xem xét vì đây thuộc quyền của Chính phủ.
Nhiều ý kiến cho rằng các cơ quan hành chính thường tìm cách mở rộng quyền lực của mình thông qua việc tái ban hành các luật lệ cũ dưới hình thức mới. Nhưng rõ ràng việc các bộ, ngành ban hành các giấy phép con là vi phạm pháp luật, và vi hiến. Ông bình luận như thế nào?
Thực ra, việc các bộ, ngành, chính quyền địa phương ban hành các giấy phép cũng có tính lịch sử. Hiện tại, Việt Nam đang thực hiện Nhà nước pháp quyền, và hệ thống văn bản đang trong quá trình hoàn thiện.
Hơn nữa, cũng chỉ Luật Doanh nghiệp có hiệu lực từ 1/7 vừa qua vừa rồi mới chính thức quy định là các bộ và UBND không được quy định về giấy phép và điều kiện kinh doanh. Còn trước đó, các bộ và chính quyền địa phương vẫn có quyền ban hành các giấy phép hoặc các điều kiện kinh doanh phù hợp với hoàn cảnh, theo yêu cầu quản lý. Cho nên, họ vẫn còn quen với nếp cũ.
Thực tế là các giấy phép con đang mọc thêm, và điều này chứng tỏ chúng ta đang có tình trạng lạm dụng giấy phép. Bộ nào, ngành nào cũng muốn ban hành giấy phép thì mới cho rằng mới quản lý được, đấy là tôi chưa nói đến những tiêu cực khác.
Hơn 150 giấy phép đã bị bãi bỏ theo đề nghị của Tổ thi hành Luật Doanh nghiệp trước kia, nhưng nay thì số giấy phép lại trở lại như cũ, thậm chí là hơn. Theo thống kê của VCCI thì hiện tại có tới 300 giấy phép đã được ban hành.
Vậy Tổ công tác sẽ có kế hoạch như thế nào với những giấy phép mới này?
Sang năm mới Tổ công tác tập trung rà soát các toàn bộ hệ thống giấy phép, và trên cơ sở đó kiến nghị với Thủ tướng bãi bỏ. Nhưng điều quan trọng hơn là chúng tôi phải tìm một cơ chế tổng thể về thể chế, thủ tục hành chính, năng lực bộ máy để đơn giản hóa được quản lý Nhà nước nhưng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.