14:37 31/05/2009

Đối phó với "đòn hiểm" trong xuất khẩu thủy sản

Thông tin không chính xác về sản phẩm nhằm đánh tụt uy tín của đối thủ là một "đòn" đang được sử dụng khá phổ biến

Chế biến cá tra xuất khẩu.
Chế biến cá tra xuất khẩu.
Việc đưa tin không chính xác về chất lượng hàng thủy sản Việt Nam tại các thị trường xuất khẩu, cùng với các rủi ro khác trong quá trình xuất khẩu đang làm  cho hoạt động sản xuất, chế biến và xuất khẩu mặt hàng này bị ảnh hưởng không nhỏ.

Để hạn chế tình trạng này, theo các chuyên gia, các doanh nghiệp và cơ quan chức năng cần chủ động công bố thông tin cũng như quản lý chất lượng thủy sản tại tất cả các khâu.

Chiến thuật tổng lực

Các chuyên gia thương mại nông nghiệp cho rằng, xuất phát từ sự cạnh tranh ngày một gay gắt trên thị trường nông sản, nên tất yếu dẫn đến tình trạng nhiều thị trường luôn tìm cách đưa ra các rào cản thương mại nhằm bảo hộ cho sản xuất trong nước của họ.

Thông tin không chính xác về sản phẩm nhằm đánh tụt uy tín của đối thủ là một "đòn" đang được sử dụng khá phổ biến. Biện pháp này có đặc thù là dùng các kênh không chính thức, mà phương tiện truyền thông là một điển hình để "bôi nhọ" đối thủ. Khi đối thủ lật ngược được thế cờ, thì đã phải gánh chịu những thiệt hại đáng kể: Lượng hàng bán ra, uy tín sản phẩm giảm; nặng hơn còn bị người tiêu dùng tẩy chay.

Điều này được minh chứng rõ nét qua vụ các cơ quan truyền thông của Ai Cập và Italia đưa tin không chính xác về chất lượng cá tra, cá basa vừa qua và sau đó đã được chính cơ quan có thẩm quyền của các nước này minh oan cho phía Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lương Lê Phương, thực tế trên đang tác động không tích cực đến kinh tế trong nước, nhất là trong bối cảnh xuất khẩu nông sản nói chung, thủy sản nói riêng của Việt Nam là một trong những trụ cột của nền kinh tế. Để chủ động hóa giải vấn đề này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng các bộ, ngành liên quan đang triển khai nhiều giải pháp về tăng cường công bố thông tin, tập trung kiểm soát chất lượng nông sản, tăng cường trao đổi với đối tác nhập khẩu.

"Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản gửi toàn bộ thông tin về quản lý chất lượng cá tra, cá basa của Việt Nam đến Văn phòng Quốc gia SPS Việt Nam, để đăng tải tại địa chỉ www.spsvietnam.gov.vn nhằm công bố cho toàn thế giới hiểu rõ về chất lượng các sản phẩm cá tra, cá basa của Việt Nam," Phó Cục trưởng Nguyễn Như Tiệp cho biết.

Văn phòng SPS thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là đầu mối thực hiện các nghĩa vụ minh bạch hóa theo yêu cầu của Hiệp định về áp dụng các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (Hiệp định SPS) của Tổ chức Thương mại thế giới, là kênh thông tin chính thức giữa Việt Nam và các thành viên WTO về các vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS).

Theo các chuyên gia, cùng với chủ động công bố thông tin, cần tiếp tục siết mạnh quản lý chất lượng thủy sản ngay từ khâu nuôi trồng, chất lượng thức ăn, đến chế biến, bảo quản nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Phó tổng thư ký Hội Nghề cá Việt Nam Bùi Văn Thưởng nhấn mạnh cần xử lý nghiêm các hành vi gian dối trong quá trình nuôi, chế biến thủy hải sản, tránh xảy ra tình trạng vì sự không trung thực của một vài cá nhân, doanh nghiệp mà ảnh hưởng đến toàn ngành.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng cần có cơ chế khuyến khích chuyển mạnh sang các mô hình nuôi trồng, chế biến sản phẩm sạch.

Để nâng cao chất lượng cá tra, Chính phủ vừa chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn soạn thảo Đề án nuôi cá tra vùng Đồng bằng sông Cửu Long bền vững. Với một loạt các biện pháp kiểm soát từ khâu môi trường nuôi, con giống, đến thu hoạch, chế biến, hy vọng khi đề án này triển khai sẽ tạo bước đột phá trong nâng cao chất lượng cá tra.

Chủ động đối phó rủi ro

Các chuyên gia cho rằng cần chủ động hơn trong nắm bắt diễn biến các thị trường, nhất là những thị trường xuất khẩu thủy sản trọng điểm nhằm xây dựng kịch bản đối phó sớm với những tranh chấp có thể phát sinh, thì mới giảm thiểu được rủi ro cho nông sản xuất khẩu.

Theo ông Nguyễn Như Tiệp, chuyện tranh chấp tay đôi giữa đối tác nước ngoài với các ngành hàng của Việt Nam sẽ ngày một diễn biến phức tạp. Đây là xu hướng tất yếu không thể tránh khỏi, nên muốn giảm thiểu rủi ro không còn cách nào khác là lên phương án sẵn sàng "đánh" tay đôi với đối tác. Muốn giành thế chủ động, cơ quan quản lý, các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp cần tăng cường nắm bắt đặc thù, dự báo diễn biến của từng thị trường. Trên cơ sở đó đưa ra các kịch bản ứng phó tương ứng có lợi nhất.

Thứ trưởng Lương Lê Phương cho biết, trong chương trình trọng điểm xúc tiến thương mại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn rất chú trọng trong nắm bắt, nghiên cứu thông tin, đặc biệt các thị trường trọng điểm. Qua đó, kịp thời đưa ra những cơ chế, chính sách phù hợp nhằm giảm thiểu rủi ro cho hoạt động sản xuất, chế biến, xuất khẩu thủy sản nói riêng, nông sản nói chung.

(TTXVN)