17:27 26/03/2021

Đối thoại gỡ vướng cho doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Tp.Hồ Chí Minh

Ban Mai

Năm 2020, Tp.HCM đã xuất khẩu sang Hàn Quốc với tổng giá trị hàng hoá đạt 1,8 tỷ USD, là thị trường xuất khẩu lớn thứ 5 của thành phố.

Năm 2020, Tp.HCM đã vươn lên dẫn đầu cả nước với tổng vốn đăng ký đạt 4,36 tỷ USD, chiếm 15,3% tổng vốn đầu tư nước ngoài của cả nước.
Năm 2020, Tp.HCM đã vươn lên dẫn đầu cả nước với tổng vốn đăng ký đạt 4,36 tỷ USD, chiếm 15,3% tổng vốn đầu tư nước ngoài của cả nước.

Dù bị ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch bệnh khiến kim ngạch thương mại hai chiều của thành phố với Hàn Quốc giảm so với cùng kỳ năm 2019, nhưng Hàn Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn thứ 5 của thành phố.

Tại hội nghị đối thoại lãnh đạo Tp.HCM và doanh nghiệp Hàn Quốc, ngày 25/3, theo ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Tp.HCM, kim ngạch xuất khẩu năm 2020 của thành phố đạt xấp xỉ 1,8 tỷ USD, chiếm 9,5% giá trị xuất khẩu của cả nước vào Hàn Quốc, đạt tỷ trọng 4,5% tổng giá trị xuất khẩu của thành phố.

Về nhập khẩu, Hàn Quốc là thị trường nhập khẩu lớn thứ ba của thành phố với kim ngạch đạt 2,8 tỷ USD, chiếm gần 6% giá trị xuất khẩu của Việt Nam vào Hàn Quốc, đạt tỷ trọng 6,5% giá trị nhập khẩu của thành phố.

Về thu hút đầu tư nước ngoài trong năm 2020, Tp.HCM đã vươn lên dẫn đầu cả nước với tổng vốn đăng ký đạt 4,36 tỷ USD, chiếm 15,3% tổng vốn đầu tư của cả nước. Trong đó, vốn đăng ký mới, vốn đăng ký điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của các nhà đầu tư Hàn Quốc xếp thứ 2 và đạt 786,5 triệu USD, chiếm 18,1%.

Trong 2 tháng đầu năm 2021, TP.HCM đã ghi nhận xuất khẩu sang Hàn Quốc đạt hơn 366 triệu USD, tăng 30,3%, và nhập khẩu đạt hơn 701 triệu USD, tăng 47,3% so với cùng kỳ năm trước.

Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 5 và nhà đầu tư đứng thứ 2 của Tp.HCM - Ảnh 1.

Hội nghị đối thoại lãnh đạo Tp.HCM và doanh nghiệp Hàn Quốc ngày 25/3 thu hút đông đảo doanh nghiệp tham gia.

Tại hội nghị, ông Kim Hueng Soo, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc (KOCHAM) cho rằng, các thủ tục hành chính như phát triển dự án, thành lập thêm pháp nhân, giấy phép chuyển đổi pháp nhân thủ tục mua đất cho các dự án nước ngoài của các công ty FDI đã đầu tư chưa rõ ràng và phức tạp, các thủ tục này bị trì hoàn gây khó khăn cho việc thực hiện đầu tư...

Ngoài ra, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã đề nghị lãnh đạo thành phố gỡ vướng mắc về chính sách đầu tư, hạ tầng logistics, phí sử dụng cơ sở hạ tầng… cho các doanh nghiệp này.

Trả lời các vướng mắc của doanh nghiệp xung quanh vấn đề phí sử dụng cơ sở hạ tầng tại khu vực cảng biển Tp.HCM, ông Nguyễn Hữu Nghiệp, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Tp.HCM, cho biết để tạo điều kiện tốt nhất cho vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu tới cảng Cát Lái (chiếm tới 90% tổng số lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của khu vực Tp.HCM), ngày 4/3/2021, UBND Tp.HCM đã có Quyết định số 713/QĐ-UBND giao cho các đơn vị trực thuộc thực hiện công tác chuẩn bị thu phí hạ tầng cảng biển vào ngày 01/7 sắp tới.

Việc thực hiện thu phí sẽ dùng để đầu tư và bảo trì trực tiếp cho các tuyến đường kết nối cảng biển thành phố nhằm giảm ùn tắc giao thông, rút ngắn thời gian, tăng hiệu quả khai thác và quay vòng xe đối với các phương tiện vận chuyển, kéo theo chi phí logistics thấp, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá.

Về cải cách thủ tục hành chính, chia sẻ với doanh nghiệp, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Tp.HCM – bà Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, hiện nay theo quy định, Tp.HCM thu hút đầu tư các dự án thân thiện với môi trường, không thâm dụng lao động, nên trước mỗi trường hợp phải xin ý kiến của Sở Khoa học và Công nghệ và các sở ngành khác để có hướng dẫn nên thời gian còn bị chậm… 

Quan điểm nhất quán của thành phố là luôn ủng hộ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Hàn Quốc, sản xuất, kinh doanh hiệu quả, an toàn và lâu dài tại thành phố.