Đề nghị xác định rõ trách nhiệm của bộ trưởng trong triển khai nghị quyết giám sát
Theo đại biểu Nguyễn Tuấn Anh, hiện tại vẫn chưa có hoặc thiếu các biện pháp hữu hiệu để xử lý các cá nhân, cơ quan chịu sự giám sát thực hiện nghị quyết
Phát biểu đóng góp cho Dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa 14 của Quốc hội tại hội trường sáng 26/3, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (tỉnh Long An), cho biết dù công tác giám sát của Quốc hội đã đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng vẫn còn kiến nghị về việc một số hoạt động giám sát chuyên đề chưa đi đến cùng vấn đề.
"Có thể khẳng định hoạt động giám sát trong nhiệm kỳ vừa qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Cử tri vui mừng khi hoạt động giám sát được tăng cường, không ngừng được cải tiến, tập trung vào các vấn đề bức xúc. Tuy nhiên, vẫn còn những kiến nghị của cử tri băn khoăn về công tác giám sát chuyên đề liệu đã đi đến cùng vào vấn đề được giám sát hay chưa", đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho biết.
Đại biểu Tuấn Anh cho rằng để phát huy kết quả giám sát trong thực tiễn, để cử tri tin tưởng hơn thì cần tăng cường hiệu quả của công tác "hậu giám sát".
"Hậu giám sát đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả và là vấn đề được cử tri quan tâm. Cử tri mong muốn vấn đề được xử lý triệt để không để tình trạng đặt ra rồi để đấy", đại biểu Tuấn Anh nhấn mạnh.
Trong nhiệm kỳ qua, Quốc hội đã đi sâu vào giám sát với các chuyên đề thực tiễn, được cử tri đặc biệt quan tâm, như an toàn thực phẩm, quy hoạch, quản lý sử dụng đất đai tại đô thị, phòng cháy chữa cháy, phòng chống xâm hại trẻ em... Kết thúc giám sát, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết kết quả giám sát. Nghị quyết này là căn cứ quan trọng để Chính phủ, các bộ ngành, cơ quan liên quan triển khai thực hiện.
Tuy nhiên, theo đại biểu Tuấn Anh, cử tri đặc biệt quan tâm tới việc các nghị quyết đã được thực hiện thế nào trong thực tiễn và việc thực hiện các mục tiêu, giải pháp có đúng theo yêu cầu và mong đợi của cử tri, của đại biểu Quốc hội hay không. Đại biểu cho rằng việc tổ chức đánh giá lại kết quả thực hiện nghị quyết kết hợp chất vấn chưa được thực hiện nhiều.
"Cách thức làm việc là Chính phủ có báo cáo định kỳ, thường là kỳ cuối năm và các cơ quan Quốc hội có báo cáo thẩm tra. Tuy vậy, các báo cáo này chỉ là tài liệu để đại biểu tham khảo. Trong các buổi chất vấn về kinh tế xã hội, các đại biểu không đủ thời gian để đề cập, vì có nhiều vấn đề cần phát biểu và nhiều đại biểu đăng ký nên chủ tọa phải phân bổ theo địa phương", đại biểu Nguyễn Tuấn Anh nêu vấn đề.
Bên cạnh đó, theo đại biểu, hiện tại vẫn chưa có hoặc thiếu các biện pháp hữu hiệu để xử lý các cá nhân, cơ quan chịu sự giám sát thực hiện nghị quyết.
Đại biểu Tuấn Anh lấy ví dụ về Nghị Quyết 43 năm 2017 của Quốc hội giao nhiệm vụ đến hết 2018 kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm các cấp theo hướng tập trung đầu mối trách nhiệm rõ ràng.
"Tuy nhiên, đến khi xảy ra vụ việc ví dụ như Pate Minh Chay năm 2020, dư luận bức xúc không rõ cơ quan nào chịu trách nhiệm giải quyết", đại biểu cho biết.
Một ví dụ khác là về việc thực hiện nghị quyết 437 về thu phí không dừng năm 2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, yêu cầu đến hết 2019 phải triển khai đồng bộ việc thu phí dịch vụ không dừng với tất cả các tuyến quốc lộ đầu tư theo hình thức BOT. Sau đó, năm 2018, các đại biểu QUốc hội cũng chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải về việc triển khai chậm. Tuy nhiên, đến nay, việc triển khai vẫn còn chậm, chưa hoàn thành đồng bộ như nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho biết ngoài các ví dụ trên, một số yêu cầu chính đáng của cử tri từ đầu nhiệm kỳ từ năm 2017 đặt ra sau giám sát vẫn tiếp tục phải chờ đợi.
"Những quyết sách của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất đúng và trúng được cử tri hoan nghênh nhưng việc giám sát tổ chức thực hiện còn chưa được thực hiện hiệu quả", đại biểu bày tỏ.
Theo đó, đại biểu Long An đưa kiến nghị để nâng cao hiệu quả công tác giám sát.
Thứ nhất là cần làm rõ trong báo cáo tổng kết nghiệm kỳ về một số điểm còn hạn chế trong công tác giám sát, liên quan tới vấn đề hậu giám sát.
Thứ hai là cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý nhất là luật hoạt động giám sát của Quốc hội, đổi mới cơ chế để tăng cường hiệu quả công tác giám sát chuyên đề, tăng cường vai trò của đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội với công tác hậu giám sát.
"Việc này phải làm thường xuyên, tránh tình trạng bệnh tình tái phát, khi giám sát lại thì tình trạng trầm trọng hơn lần trước", đại biểu nhấn mạnh.
Thứ ba là nghiên cứu sửa đổi luật giám sát, quy định cụ thể hơn trách nhiệm của Chính phủ trong việc ban hành kế hoạch triển khai nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề. Đồng thời có cơ chế ràng buộc trách nhiệm, tăng cường chế tài xử lý trách nhiệm trong việc thực hiện nghị quyết.
"Chính phủ cần xác định rõ trách nhiệm của bộ trưởng, trưởng ngành trong triển khai nghị quyết giám sát. Đây là căn cứ quan trọng để đánh giá tín nhiệm của chính phủ, thành viên chính phủ ở mỗi kỳ lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội", đại biểu Nguyễn Tuấn Anh kiến nghị.