08:29 11/12/2013

Đổi tiền, ba bộ phối hợp quản lý

Thùy Duyên

Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an và Bộ Công Thương sẽ phối hợp xử lý việc đổi tiền hưởng chênh lệch

Nhu cầu tiền mới mệnh giá nhỏ tăng cao đã phát sinh hiện tượng kinh 
doanh dịch vụ đổi tiền hưởng chênh lệch nhằm trục lợi cá nhân, ảnh hưởng
 tới việc lưu thông tiền tệ và môi trường, cảnh quan khu di tích, lễ 
hội.
Nhu cầu tiền mới mệnh giá nhỏ tăng cao đã phát sinh hiện tượng kinh doanh dịch vụ đổi tiền hưởng chênh lệch nhằm trục lợi cá nhân, ảnh hưởng tới việc lưu thông tiền tệ và môi trường, cảnh quan khu di tích, lễ hội.
Ngày 9/12/2013, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có văn bản số 9222 và 9223/NHNN-PHKQ đề nghị Bộ Công Thương và Bộ Công an phối hợp kiểm tra, xử lý các cá nhân, tổ chức kinh doanh đổi tiền hưởng chênh lệch.

Theo văn bản này, trong những năm qua, nhu cầu tiền mới mệnh giá nhỏ (đặc biệt là tiền mới nguyên seri chưa qua sử dụng) trong dịp Tết Nguyên đán ngày một tăng cao đã tạo áp lực rất lớn đối với Ngân hàng Nhà nước nói riêng và ngành ngân hàng nói chung.

Đáng chú ý là, số tiền mệnh giá nhỏ đó chỉ một phần dùng làm phương tiện thanh toán trong lưu thông, phần còn lại được sử dụng vào các hoạt động khác, trong đó có hoạt động lễ hội, tín ngưỡng.

Qua khảo sát của Ngân hàng Nhà nước, việc sử dụng tiền mệnh giá nhỏ không hợp lý của người dân ở một số đền, chùa, lễ hội, nơi thờ tự (chủ yếu ở các tỉnh Bắc Trung bộ trở ra)… còn phổ biến. Tiền mệnh giá nhỏ được đặt một cách tùy tiện, rải khắp các khu vực trong các đền, chùa, khu vực lễ hội tâm linh tạo hình ảnh phản cảm, ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của di tích, làm sai lệch giá trị bản sắc văn hóa xã hội và làm xấu đi hình ảnh đồng tiền Việt Nam.

Bên cạnh đó, tiền mệnh giá nhỏ được sử dụng không hợp lý, không đúng chức năng gây ra lãng phí lớn cho xã hội trong việc in ấn, phát hành, kiểm đếm, phân loại, vận chuyển, bảo quản lượng tiền này.

Nhu cầu tiền mới mệnh giá nhỏ tăng cao đã phát sinh hiện tượng kinh doanh dịch vụ đổi tiền hưởng chênh lệch nhằm trục lợi cá nhân, ảnh hưởng tới việc lưu thông tiền tệ và môi trường, cảnh quan khu di tích, lễ hội.

Trên thực tế, trong suốt cả năm, đặc biệt là dịp Tết và lễ hội, một số người dân bày bán (đổi) tiền mệnh giá nhỏ công khai tại các khu vực đền, chùa, lễ hội để hưởng chênh lệch.

Nhằm hạn chế những tiêu cực xảy ra đối với hình thức kinh doanh đổi tiền hưởng chênh lệch, góp phần khuyến khích người dân tham gia lễ hội gìn giữ, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống dân gian, bảo vệ hình ảnh đồng tiền Việt Nam và tiết kiệm chi phí cho xã hội, tại các văn bản trên Ngân hàng Nhà nước đã đề nghị Bộ Công Thương và Bộ Công an quan tâm chỉ đạo các cơ quan của đơn vị mình ở địa phương phối hợp cùng Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố, cơ quan quản lý thị trường và chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố, quận, huyện tăng cường kiểm tra, xử lý các cá nhân, tổ chức kinh doanh dịch vụ đổi tiền hưởng chênh lệch tại các điểm di tích, đền, chùa, lễ hội.