06:45 16/02/2007

Đổi tiền lẻ dịp Tết: Ngân hàng thiếu, chợ đen... thừa

Có lẽ chưa có năm nào tình hình đổi tiền lẻ để lì xì dịp Tết lại căng thẳng như năm nay

Tiền mệnh giá nhỏ không đủ để đáp ứng nhu cầu đi lễ.
Tiền mệnh giá nhỏ không đủ để đáp ứng nhu cầu đi lễ.
Có lẽ chưa có năm nào tình hình đổi tiền lẻ để lì xì dịp Tết lại căng thẳng như năm nay.

Nhiều bạn bè, người thân làm việc trong ngành ngân hàng cũng không dám hứa chắc sẽ đổi được, mặc dù thông tin Ngân hàng Nhà nước cho in thêm tiền mệnh giá nhỏ được khẳng định từ tháng 1 vừa qua.

Nóng dịch vụ vỉa hè

Chợ đổi tiền lẻ trung tâm Hà Nội nằm trên phố Đinh Lễ - Đinh Tiên Hoàng. Vẫn hàng dãy chị em ngồi dọc vỉa hè như mọi năm, nhưng không khí không nhộn nhịp, vồn vã chèo kéo khách công khai. Chỉ những người dừng xe tìm kiếm hoặc khách quen mới được “giao dịch”.

Trong khi các ngân hàng thương mại trong tình trạng khan hiếm tiền lẻ thì các “ngân hàng vỉa hè” lại không hề thiếu. “Loại gì cũng có, số lượng bao nhiêu cũng đổi được” là cam kết chắc nịch của tất cả các bà chủ “nhà băng” này.

Giá đổi tiền được ấn định một mức thống nhất và không có chuyện mặc cả. Với loại 10.000 đồng - mệnh giá đắt hàng nhất - thì cứ 100.000 đồng đổi được 80.000 đồng. Theo lời quảng cáo, mặc dù màu tờ tiền loại này không được tươi như tiền 10.000 đồng cũ (tiền cotton) nhưng là loại mệnh giá vừa phải, phù hợp việc mừng tuổi nên “cầu” rất lớn.

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội, năm nay sẽ không có quầy đổi tiền lẻ cho dân trong dịp Tết. Mặc dù thông tin về việc in thêm tiền mệnh giá nhỏ đã được khẳng định, nhưng tại các ngân hàng vẫn xuất hiện tình trạng khan hiếm tiền lẻ nên không đủ phục vụ nhu cầu đổi tiền. Tuy nhiên, bằng nhiều cách tiền mệnh giá nhỏ vẫn chảy ra các ngân hàng vỉa hè với một khối lượng lớn, đủ phục vụ các khách hàng có nhu cầu với chi phí cắt cổ.

Chẳng hạn với loại mệnh giá cotton 1.000 đồng mới cứng, chi phí đổi là 150.000 đồng ăn 100.000 đồng. Loại 500 đồng - tờ ưa thích của các bà đi chùa - “tỉ giá” lên tới 180.000 đồng ăn 100.000 đồng. Loại 200 đồng khá hiếm, chủ yếu là tiền cũ được ép phẳng, nhưng “tỉ giá” cao nhất: 200.000 đồng ăn 100.000 đồng.

Ngân hàng bí

Tuy chỉ là nhu cầu lì xì Tết cho vui chứ không phải nhu cầu thanh toán, các ngân hàng thương mại vẫn đau đầu vì không thể đáp ứng đủ tiền lẻ cho khách hàng.

Từ một tuần qua, hầu hết các ngân hàng thương mại ở Tp.HCM đều ở trong tình trạng khan hiếm tiền lẻ. Loại tiền khách hàng yêu cầu chủ yếu là polymer mệnh giá 10.000 đồng, 20.000 đồng. Theo Phòng Ngân quỹ Eximbank, hầu như khách hàng nào đến rút tiền cũng yêu cầu cơ cấu cho một lượng tiền lẻ, nhưng khả năng đáp ứng của ngân hàng không nhiều.

Trong 2-3 tháng qua, tiền lẻ do các ngân hàng thương mại phát cho khách hàng nhiều, nhưng thu vào rất ít. Đến nay, nhu cầu lại tăng vọt, chỉ còn cách trông chờ vào Ngân hàng Nhà nước.

Nhưng lượng tiền lẻ từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp.HCM rót về cũng rất hạn chế, không thể đáp ứng nhu cầu tăng vọt của người dân. Các ngân hàng thương mại đành phải cố gắng phân chia theo kiểu “bình quân”, tức là mỗi khách hàng đều có một ít để khỏi phàn nàn.

Ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu, cho biết: “Chúng tôi bố trí để mỗi khách hàng đến lĩnh tiền đều được cơ cấu một tỉ lệ tiền lẻ nhất định, chứ không thể đáp ứng thoả mãn mọi yêu cầu”.

Ông Trần Ngọc Minh - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp.HCM - cho biết: trước đây, Ngân hàng Nhà nước vẫn đưa một lượng tiền mới vào lưu thông trong dịp Tết, vừa thay thế tiền cũ không còn đủ tiêu chuẩn, vừa kết hợp nhu cầu lì xì Tết. Từ khi tiền polymer được sử dụng đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu sạch, đẹp nên Ngân hàng Nhà nước không có kế hoạch chi tiền mới phục vụ Tết.

Về nguyên tắc, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ cơ cấu lượng tiền lưu thông phục vụ nền kinh tế chứ không phục vụ nhu cầu lì xì Tết. Tuy vậy, ngành ngân hàng vẫn quan tâm đến nhu cầu vui Tết cho dân và có tăng thêm lượng tiền lẻ polymer.

Trong các khoản tiền đưa về các ngân hàng thương mại hàng ngày, Ngân hàng Nhà nước Tp.HCM vẫn bố trí khoảng 10-20% tiền lẻ polymer, đồng thời cũng đưa một phần về kho bạc để trả lương. “Mỗi người muốn có một ít, góp lại thành nhu cầu rất lớn. Chúng tôi đã cố gắng hết sức, nhưng cũng chỉ đáp ứng được phần nào mà thôi”, ông Trần Ngọc Minh cho biết.