20:41 27/03/2022

Đón đọc Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 13-2022

Tạp chí Kinh tế Việt Nam – VnEconomy

Mời quý độc giả đón đọc Kinh tế Việt Nam bộ mới số 13 phát hành ngày 28-03-2022 với nhiều chuyên mục hấp dẫn...

Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 13-2022
Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 13-2022

Sau hai năm đại dịch, Việt Nam bắt đầu mở cửa trở lại, vì vậy cần những nỗ lực để thúc đẩy giao lưu, hợp tác quốc tế để bù đắp những đình trệ trong thời gian dịch bệnh.

Chúng ta cũng đang chứng kiến sự thay đổi hết sức lớn trong môi trường kinh tế khu vực và kinh tế quốc tế, đặc biệt là quá trình tái cấu trúc chuỗi cung ứng theo hướng bền vững hơn, đảm bảo sự ổn định hơn. Điều này mở ra cơ hội rất lớn cho Việt Nam như một địa điểm thu hút đầu tư và địa điểm chế tạo mới của khu vực và thế giới. Đây là thời điểm Việt Nam phải tận dụng cơ hội này cộng với các lợi thế sẵn có, đó là nước ta nằm trong trung tâm kinh tế có quá trình phục hồi rất nhanh, cũng như có khả năng kết nối mạng lưới FDI đã ký kết.

Trong số báo ra sáng mai, thứ Hai, 28-03-2022, Tạp chí Kinh tế Việt Nam sẽ dành trọn chuyên mục Tiêu điểm cho chủ đề "Thu hút vốn đầu tư xanh, hướng đến phát triển bền vững" nhằm phản ánh những câu chuyện thu hút vốn FDI tại các địa phương.

Các bài viết bao gồm:

-“Chạy đua” để hút dự án FDI xanh sau đại dịch. Sau đại dịch, hầu hết các tỉnh, thành của Việt Nam đang mở hết tốc lực để “chạy đua” tìm kiếm những đối tác lớn tới với địa phương mình. Mặc dù vẫn phải chịu những tác động tiêu cực từ dịch bệnh, nhưng Việt Nam cũng đã đón nhận rất nhiều những cơ hội mới khi chuỗi cung ứng của khu vực, thế giới được tái cấu trúc theo hướng bền vững hơn. (Song Hoàng).

- Tấp nập mở rộng khu công nghiệp, Bắc Trung Bộ chuẩn bị đón “đại bàng”. Việc điều chỉnh quy hoạch, mở rộng đầu tư của loạt khu công nghiệp tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình… cho thấy những tín hiệu khả quan về sự “đổ bộ” của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào khu vực này trong thời gian tới. (Anh Nhi).

- Thanh Hóa trong mắt nhà đầu tư Hàn Quốc. Trong mắt nhiều doanh nhân người Hàn Quốc, Thanh Hóa là điểm đến đầu tư có đủ các điều kiện “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, nơi được xác định là có vị trí chiến lược với tiềm năng phát triển về mọi mặt, nhất là tiềm năng con người. Sự lựa chọn này thể hiện tầm nhìn chiến lược và triết lý kinh doanh riêng của họ, với truyền thống văn hóa mang đậm dấu ấn tư duy Đông Bắc Á – không đầu tư theo kiểu “ăn xổi ở thì”, không nhằm lợi ích trước mắt. (Nguyễn Quốc Uy).

- Làn sóng đầu tư từ Hàn Quốc:  Làm nên “Kỳ tích sông Hàn”. Sau 30 năm Việt Nam – Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao, những doanh nghiệp, doanh nhân đã góp phần tạo nên "kỳ tích sông Hàn" đang hướng sự chú ý của mình đến Việt Nam. Hàng ngàn dự án của doanh nghiệp Hàn Quốc đã được triển khai thành công tại mảnh đất hình chữ S. Hai năm qua, dù gặp nhiều trở ngại vì dịch Covid-19 nhưng làn sóng đầu tư từ xứ sở Kim Chi hướng tới Việt Nam đang ngày càng dồn dập và đậm màu xanh hơn.(Hoàng Việt). 

Cùng nhiều bài viết hấp dẫn khác:

-Đừng để nỗi sợ lạm phát thành sự thật. “Cú sốc” đẩy lạm phát ở nhiều nước tăng mạnh trong quý đầu tiên năm 2022 lại chính là cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine, thay vì chỉ là cầu kéo hay chi phí đẩy. Tuy nhiên, nếu nhìn vào nhóm hàng hóa có tỷ trọng lớn trong rổ tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI) là nhóm ăn uống, nhà ở, chi phí đi lại, thì việc kiểm soát lạm phát là hoàn toàn trong tầm tay. (TS.Võ Đình Trí, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, IPAG Business School (Paris) và AVSE Global).

-Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước: Vẫn tình trạng “nguồn lực lớn, hiệu quả ít”. Những mảng màu xám của bức tranh doanh nghiệp nhà nước tiếp tục thể hiện trong Báo cáo kết quả tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016-2020 khi khu vực này vẫn trong tình trạng “nguồn lực lớn, hiệu quả ít”. (An An).

- Gỡ “nút thắt” thể chế, khơi nguồn lực cho những “quả đấm thép”. Dù có số lượng không nhiều nhưng các doanh nghiệp nhà nước – vốn được ví như những “quả đấm thép” của nền kinh tế, lại nắm giữ một nguồn lực rất lớn trong nền kinh tế, chiếm khoảng 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu của toàn bộ doanh nghiệp trên thị trường. Vì vậy, việc giải quyết những “nút thắt” về thể chế, khơi thông nguồn lực sẵn có sẽ thúc đẩy hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước xứng tầm là những doanh nghiệp “dẫn dắt, mở đường” của nền kinh tế. (Ngân Hà).

-Tương lai của Việt Nam: Sáu quy tắc vàng giúp các doanh nghiệp hệ sinh thái giành thắng lợi tại Việt Nam. Tập trung vào gắn kết khách hàng, nhân tài và phân tích dữ liệu có thể mở ra thành công trong nền kinh tế hệ sinh thái mới nổi của đất nước. (Bruce Delteil - Alex Le)

- Đưa kim ngạch thương mại Việt Nam-Malaysia lên 18 tỷ USD. Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Malaysia năm 2021 đạt 16,71 tỷ USD, tăng 41,6% so với năm 2020 (lượng hàng hóa từ Malaysia xuất sang Việt Nam đạt 10,98 tỷ USD, tăng 47,2%; trong khi hàng hóa Malaysia nhập khẩu từ Việt Nam đạt 5,73 tỷ USD, tăng 31,9%). Hai bên đang nỗ lực để đưa con số này lên 18 tỷ USD vào năm 2025. Tuy nhiên, theo ông Mohamed Azmin Ali, Bộ trưởng Bộ Thương mại quốc tế và Công nghiệp Malaysia, mục tiêu đề ra vẫn còn khá khiêm tốn so với tiềm năng hợp tác giữa hai bên. (Nam Huyền).

- “Giảm khai thác, tăng xuất khẩu” : Thách thức lớn cho ngành thủy sản. Ngành thủy sản đặt mục tiêu tăng trưởng âm về sản lượng khai thác hải sản nhưng vẫn phải đảm bảo tăng trưởng dương về giá trị sản phẩm xuất khẩu. Đây là thách thức lớn trong bối cảnh các nhà máy chế biến thừa công suất, thiếu nguyên liệu. Hơn nữa, cảnh báo “Thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu chưa được tháo dỡ sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu. (Chu Khôi).

Sức ép giải ngân vốn đầu tư công lớn dần. Năm 2022, tổng số vốn Bộ Giao thông Vận tải được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn lớn nhất từ trước đến nay, lên tới 50.328 tỷ đồng, gồm 4.877 tỷ đồng vốn nước ngoài và hơn 45.400 tỷ đồng vốn trong nước. Ước hết tháng 3, Bộ Giao thông Vận tải mới giải ngân được 5.800 tỷ đồng, đạt 11,5% kế hoạch. (Anh Tú).

- Thị trường mạng di động ảo nhiều tiềm năng. Thị trường mạng di động ảo (MVNO) Việt Nam đang có sự hiện diện của ba nhà cung cấp và có thể tới đây sẽ có thêm một tân binh nữa gia nhập sân chơi. (Đỗ Phong).

- Muốn không bị rớt lại đằng sau, Việt Nam cần phát triển tiền kỹ thuật số. Trong khi các quốc gia khác đang gấp rút chạy đua nghiên cứu và thử nghiệm tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (Central Bank Digital Currency – CBDC, thì Việt Nam dường như vẫn còn rất “từ từ” trong việc nghiên cứu, chấp thuận tiền, tài sản kỹ thuật số. Để nền kinh tế không bị rớt lại phía sau, Việt Nam phải nỗ lực tham gia dòng chảy này. (Kiều Mai).

- Lấy cắp tiền trong tài khoản chứng khoán, SOS! Các công ty chứng khoán, ngân hàng cần kiểm tra các quy trình giao dịch trực tuyến, điều chỉnh hệ thống để các giao dịch chuyển tiền, ứng tiền, thay đổi tài khoản của nhà đầu tư phải xác thực OTP tức thời. (Hồng Vinh).

- Để chuyển đổi số thành công: Doanh nghiệp phải vượt rào cản lớn. Chuyển đổi số là một trong những giải pháp ưu tiên giúp doanh nghiệp vượt qua đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, việc phải đổi mới mô hình kinh doanh chính là rào cản lớn nhất cho quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp, bên cạnh các khó khăn khác liên quan đến nguồn lực tài chính, năng lực công nghệ, lựa chọn giải pháp tối ưu và tìm kiếm các đối tác tin cậy. (Song Hà).

- Ngành xây dựng, bất động sản “nghẹt thở” với lạm phát. Nhiều ý kiến cho rằng, trong năm nay, ngành xây dựng - bất động sản phải đối phó với khó khăn kép: Chịu tác động của dịch bệnh Covid-19 và chống đỡ với cơn bão giá vật liệu tăng cao. Do đó, giá bất động sản dự kiến cũng bị đẩy lên nhiều. (Phan Nam).

- Chống thất thu thuế với mọi nền tảng kinh doanh xuyên biên giới. Trong 6 năm qua, số thuế thu được từ các nền tảng kinh doanh xuyên biên giới tăng trưởng 27 lần, riêng năm 2021 đạt hơn 1.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, số thu này chẳng thấm tháp gì so với doanh thu “khủng” của các nền tảng kinh doanh xuyên biên giới tại Việt Nam. Làm thế nào để công bằng nghĩa vụ thuế đối với mọi đối tượng? (Ánh Tuyết).

- Đẩy mạnh M&A: Doanh nghiệp cần đảm bảo tuân thủ pháp luật. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong đó có mua bán và sáp nhập (M&A), là một trong những phương thức hiệu quả để doanh nghiệp phục hồi nhanh sau Covid-19. Tuy nhiên, chính sách kiểm soát tập trung kinh tế trong thời gian tới cần được quan tâm đồng bộ, để vừa tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng cho các doanh nghiệp kinh doanh tại Việt Nam nhưng cũng cần đảm bảo tuân thủ pháp luật về tập trung kinh tế. (Vũ Khuê).

- Giảm nghèo bền vững: Cần thay đổi cách hỗ trợ người nghèo. Điều kiện nguồn lực ngân sách có hạn, nhất là  trong thời “bão” đại dịch Covid-19, vì thế việc xóa đói giảm nghèo đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Do đó cần phải có những thay đổi cách hỗ trợ người nghèo và chú trọng tới tính tự chủ của địa phương cùng sự tham gia của người dân… (Dũng Hiếu).

- Golf tour: “Bảo bối” để phục hồi du lịch. Nằm trong xu hướng du lịch chăm sóc sức khoẻ, du lịch golf là thị trường ngách thuộc phân khúc cao cấp, mang lại doanh thu cao, thúc đẩy đa dạng trải nghiệm tại các điểm đến. (Tường Bách).

- Thế giới quay cuồng trong cơn sốt giá hàng hóa cơ bản. Khi cuộc tấn công của Nga vào Ukraine bắt đầu từ hôm 24/2, giá hàng hoá cơ bản – vốn dĩ đã tăng từ trước đó – leo thang với tốc độ chóng mặt hơn: giá dầu phá mốc 100 USD/thùng, giá nhôm đạt mức kỷ lục, còn giá lúa mì lên cao nhất 9 năm... (An Huy).