16:30 21/11/2021

Đón đọc Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 72

Mời quý độc giả đón đọc Kinh tế Việt Nam bộ mới số 72 phát hành ngày 22-11-2021 với nhiều chuyên mục hấp dẫn...

Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế toàn cầu nói chung, cũng như Việt Nam nói riêng. Số liệu quý 3/20201 cho thấy GDP của Việt Nam đã tăng trưởng âm 6,17%. Trong bức tranh không mấy sáng sủa đó, thị trường chứng khoán Việt Nam nổi lên như một hiện tượng, lội ngược dòng với VN-Index vượt đỉnh lịch sử 20 năm vào tháng 4. Và kể từ khi số liệu vĩ mô quý 3 được công bố, VN-Index đã tăng trưởng thêm gần 11% nữa.

Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 72
Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 72

Sau cú sụp đổ đi vào lịch sử của năm 2007 - 2008, 15 năm sau, giới đầu tư chứng khoán mới chứng kiến lại một lần nữa sự “điên rồ” của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tình trạng bỏ việc đi đánh chứng khoán bắt đầu trở nên như cơm bữa, thậm chí, ngay cả những người cả một đời chưa từng biết đến “ba chữ cái” là mã cổ phiếu của doanh nghiệp nào trên sàn nhưng mua la liệt, chỉ cần được phím có game, hàng có lái là mua, bằng mọi giá, bất chấp.

Trong khi vốn ngoại ngày càng lép vế, xu hướng bùng nổ nhà đầu tư cá nhân mới dự kiến sẽ vẫn tiếp tục khi bối cảnh đang ủng hộ kênh đầu tư chứng khoán. Mặt bằng lãi suất thấp cộng với tầng lớp trung lưu trẻ gia tăng thúc đẩy nhu cầu tìm kiếm kênh đầu tư, kênh tích trữ tài sản mới ngoài kênh tiết kiệm. 

Trong số báo phát hành vào sáng mai, thứ Hai (22-11), Kinh tế Việt Nam bộ mới số 72-2021 sẽ dành 11 trang cho chuyên mục Tiêu điểm "Tiền vào chứng khoán, từ đâu?” để giải nghĩa một phần những diễn biến cực nóng của thị trường trong hai tháng gần đây.

Các bài viết bao gồm:

- Chân dung thị trường qua con mắt tài chính hành vi. Chúng ta thường quen thuộc với lý thuyết thị trường hiệu quả bởi đây là lý thuyết phổ biến trong các sách giáo khoa về tài chính. Thị trường hiệu quả cho rằng, mọi thông tin đều ngay lập tức được phản ánh vào giá tài sản. Nếu đó là một thông tin tốt, giá sẽ lên. Còn nếu đó là một thông tin xấu, giá sẽ xuống. (TS. Quách Mạnh Hào, Giảng viên Đại học Lincoln, Vương quốc Anh. Sáng lập QMV Group).

-  Vốn ngoại ngày càng “lép vế” trên thị trường chứng khoán Việt. Áp lực bán ròng liên miên 22 tháng qua của dòng vốn ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam đang dần bị quên lãng, thậm chí là lạc lõng trong xu thế tăng trưởng cực mạnh của thị trường chung cũng như quy mô thanh khoản gia tăng chóng mặt. Nhà đầu tư nước ngoài giờ chỉ còn là thế lực yếu ớt, khi tỷ trọng tham gia thị trường ngày càng thấp. (Khánh Hà).

- Lạc quan về triển vọng dài hạn, vốn FDI cam kết vẫn tích cực. Từ quý 1/2020 đến nay, dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) liên tục rút ròng trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, đó không phải là một phản ứng với việc đánh giá thấp triển vọng của nền kinh tế. Sự vận động của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lại cho thấy một bức tranh tích cực, nhất là trong những ngày gần đây. (Ngân Hà).

- Chỉ biết “yêu” tiền, nhà đầu tư cá nhân tạo sóng đầu cơ. Hai tháng qua, tiền ồ ạt đổ vào thị trường chứng khoán, đặc biệt là nhóm đầu cơ, dù nhiều chuyên gia cho rằng đà tăng của nhóm này khó bền. Điều đáng nói, không chỉ nhà đầu tư F0 mà cả những người có kiến thức cũng bị hiệu ứng tâm lý sợ bỏ lỡ mất cơ hội theo cơn sóng này. Để có thêm góc nhìn về những diễn biến đang xảy ra trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay, Tạp chí Kinh tế Việt Nam – VnEconomy phỏng vấn chuyên gia tài chính – chứng khoán Phan Dũng Khánh đ. (Đào Hưng thực hiện).

- “Cơn điên” đầu cơ chứng khoán và nỗi sợ “bóng ma” 2008 quay lại. Dòng tiền quá hung hãn, mua bán bất chấp, đảo lộn nhiều giá trị cơ bản của hoạt động đầu tư, doanh nghiệp thua lỗ cổ phiếu càng tăng cao, thanh khoản liên tiếp kỷ lục, đang làm nhiều người liên tưởng đến bóng ma năm 2007 - 2008 quay lại. (Kiều Linh).

Và các chuyên mục khác:

- Nỗi lo của Chính phủ. Chỉ còn hơn một tháng nữa, năm 2021 đầy lo toan, vất vả của cả nước sẽ khép lại, với nhiều chỉ số không vui về kinh tế - xã hội, làm hụt đà phát triển mà lẽ ra năm đầu tiên của một kế hoạch 5 năm phải tạo được. Đợt dịch Covid-19 lần thứ tư (bùng phát ngày 27/4/2021) đã phá hỏng nhiều kế hoạch. Nó gây thiệt hại nặng nề về kinh tế - xã hội, kéo lùi nhiều chỉ số phát triển, trong đó tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2021, theo dự báo, chỉ đạt mức trên dưới 2%, tức là kém xa tốc độ tăng trưởng năm ngoái (2,91%), vốn đã là mức thấp nhất trong thập niên 2011-2020. (Nguyễn Quốc Uy).

- Năm mũi giáp công kiến tạo mô hình tăng trưởng mới. Xây dựng mô hình tăng trưởng mới cho Việt Nam cần huy động tổng hợp nguồn lực đất, lao động, vốn, khoa học và công nghệ, cùng những nguồn lực mới như số hóa, con người… để tạo ra tăng trưởng. (Chu Khôi).

- Ba lý do khiến FDI vào Việt Nam phục hồi sau Covid-19. Trong cuộc trao đổi với Tạp chí Kinh tế Việt Nam, ông Harry Loh, Tổng Giám đốc Ngân hàng UOB tại Việt Nam, bày tỏ sự lạc quan về dòng vốn FDI vào Việt Nam bất chấp sự suy giảm trên tất cả các ngành và lĩnh vực kinh tế. Với những chuyển biến gần đây của Việt Nam, UOB tin rằng các hoạt động kinh tế sẽ khởi sắc trở lại sau kỳ nghỉ Tết khi người lao động nhập cư quay lại TP.HCM và các thành phố lớn khác. (Anh Nhi thực hiện).

- Để công nghiệp tự chủ, tự cường: Cần có luật riêng. Việt Nam hiện đang thiếu khung pháp lý và khung chính sách điều chỉnh các vấn đề mới nổi của ngành công nghiệp như Cách mạng công nghiệp 4.0, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, trách nhiệm giải trình, chuỗi giá trị minh bạch… Vì vậy, việc xây dựng Luật Phát triển công nghiệp đang là yêu cầu cấp thiết để có một nền công nghiệp tự chủ, tự cường,  giúp hiện thực hóa các mục tiêu phát triển đất nước vào năm 2030 và 2045. (Mạnh Đức)

- Cú hích cho ngân hàng phi vật lý. Xu thế số và yếu tố đại dịch Covid-19 được coi là những cú hích đẩy nhanh quá trình chuyển đổi mô hình hoạt động của ngân hàng từ “quầy, kệ” sang số hóa phi vật lý. Đó là những nội dung cơ bản được đề cập tại một diễn đàn do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức ngày 18/11/2021. (Đào Vũ).

- Doanh nghiệp bảo hiểm “bắt nhịp” với IFRS 17. Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) 17 – Hợp đồng bảo hiểm chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2023 sẽ có ảnh hưởng toàn diện đến quy trình kinh doanh của doanh nghiệp bảo hiểm. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải có sự chuẩn bị ngay từ bây giờ để bắt nhịp với sự thay đổi của thị trường và yêu cầu tuân thủ. (Khúc Lan Anh, Phó Tổng Giám đốc Dịch vụ Kiểm toán và Đảm bảo Deloitte Việt Nam).

- “Vết rạn” thị trường trái phiếu bất động sản bắt đầu từ năm 2023. 80% giá trị trái phiếu doanh nghiệp của ngành bất động sản dân cư, lên đến 100 nghìn tỷ đồng thuộc về các doanh nghiệp chưa niêm yết, với sức khỏe tài chính ở mức yếu kém đáng báo động. Thời điểm đáo hạn các trái phiếu này sẽ rơi vào giai đoạn 2023 – 2024 và khi đó vết rạn thị trường rất có thể xảy ra… (Ánh Tuyết).

- Quy định giao dịch bất động sản phải qua sàn vẫn chưa thông. Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến về dự thảo “Đề cương Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi”, trong đó, vấn đề được quan tâm nhiều nhất là quy định “giao dịch bất động sản phải qua sàn giao dịch”. Quy định này vẫn đang có nhiều ý kiến trái chiều. (Phan Dương).

- Doanh nghiệp F&B: “Quyết chiến” để tồn tại. F&B là một trong những phân khúc chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất do tác động của giãn cách xã hội trong phòng chống Covid-19. Sau giai đoạn khó khăn, nhiều thương hiệu đã xác định chiến lược phát triển thận trọng hơn và quản lý các chi phí chặt chẽ hơn. (Tuệ Mỹ).

- Startup không nên chỉ mong gọi được nhiều vốn. Từ góc độ nhà đầu tư, bà Hoàng Thị Kim Dung, nhà đầu tư đến từ Quỹ Genesia Ventures của Nhật Bản, cho rằng startup sẽ cần trang bị các kỹ năng hoàn toàn mới trong bối cảnh đại dịch Covid-19 như hiện nay. Và không chỉ dừng lại ở “giấc mơ” gọi vốn thật nhiều hay trở thành “kỳ lân”, mà cần có mục tiêu trở thành các công ty đại chúng để có thể hỗ trợ nhiều hơn cho sự phát triển bền vững của các startup. (Hoàng Thu).

- Phòng vệ thương mại: “Vũ khí” để cạnh tranh lành mạnh. Phòng vệ thương mại là công cụ chính sách được Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho phép các nước thành viên sử dụng với mục đích bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước các hành vi cạnh tranh được xem là không công bằng của hàng hóa nhập khẩu như bán phá giá hay trợ cấp tài chính của Chính phủ cho doanh nghiệp hoặc trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu tăng mạnh gây ảnh hưởng tới ngành sản xuất nội địa. (Huyền Vy).

- Giao thương với thị trường Hoa Kỳ trong bối cảnh mới. Hoa Kỳ được đánh giá là thị trường dung dưỡng nhiều cơ hội với doanh nghiệp Việt Nam, nhưng để tiếp cận sâu và rộng thị trường này cả về nguồn vốn, khoa học công nghệ, kỹ năng quản lý, đòi hỏi mối quan hệ song phương cần được nâng cấp từ đối tác toàn diện sang chiến lược. (Vũ Khuê).

- Đấu giá trực tuyến “tiếp lửa” tiêu dùng xa xỉ. Gần hai năm đại dịch Covid  bùng phát, mua sắm “bù” đang trở thành xu hướng. Giới nhà giàu sẵn sàng chi hàng chục đến hàng trăm nghìn USD cho những món trang sức, túi xách từ các phiên đấu giá trực tuyến, để xóa buồn chán trong thời gian “cầm chân” ở nhà. (Tường Bách).

- Bảy giải pháp cấp bách “giải cứu” thị trường lao động. Tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 khiến từ đầu năm đến nay, thị trường lao động nước ta phải đối mặt với những tác động tiêu cực khi số người có việc làm giảm sâu, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng cao. Do đó cần phải triển khai các giải pháp hỗ trợ và các biện pháp nhằm ổn định thị trường lao động. (Dũng Hiếu).

- Cuộc đua công nghiệp ô tô điện “nóng” lên. Giới đầu tư ở Phố Wall đang đổ xô mua cổ phiếu của các hãng sản xuất ô tô điện, đặt cược vào sự dịch chuyển của ngành công nghiệp ô tô từ động cơ đốt trong sang động cơ điện – một xu hướng phù hợp với các mục tiêu về bảo vệ môi trường. (An Huy).