16:18 11/09/2007

Đơn hàng dệt may vào Mỹ đang trở lại

Hiệp hội Dệt may xác nhận những đơn hàng dệt may của các tập đoàn nhập khẩu lớn từ Hoa Kỳ đang trở lại Việt Nam

Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu hàng dệt may trong 8 tháng đầu năm 2007 đạt kim ngạch 5 tỷ USD (tăng 29,6 so với cùng kỳ).
Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu hàng dệt may trong 8 tháng đầu năm 2007 đạt kim ngạch 5 tỷ USD (tăng 29,6 so với cùng kỳ).
Hiệp hội Dệt may xác nhận những đơn hàng dệt may của các tập đoàn nhập khẩu lớn từ Hoa Kỳ đang trở lại Việt Nam.

Những tháng đầu năm, ngành dệt may Việt Nam điêu đứng vì hàng loạt nhà nhập khẩu Hoa Kỳ "bỏ đi" do lo ngại hàng dệt may Việt Nam bị Hoa Kỳ áp dụng cơ chế giám sát, và có thể bị áp thuế chống bán phá giá,... Song, với sự chủ động của Việt Nam trong giám sát đối với hàng dệt may xuất khẩu ngay từ trong nước, thì nay áp lực đã giảm, và các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ đã quay trở lại.

Dấu hiệu tốt

Mới đây, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Lê Quốc Ân cho hay, những đơn hàng dệt may của các tập đoàn nhập khẩu lớn từ Hoa Kỳ đang trở lại đặt hàng của Việt Nam là có thật, dù còn khiêm tốn. Được biết, thời điểm đầu năm 2007 lo ngại Hoa Kỳ áp dụng cơ chế giám sát đối với hàng dệt may Việt Nam sẽ dẫn đến nguy cơ hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam bị áp thuế chống bán phá giá, các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ đã rút hợp đồng làm các doanh nghiệp dệt may Việt Nam rất khó khăn.

Việc trở lại của những khách hàng lớn từ Hoa Kỳ, theo ông Lê Quốc Ân, đó là biểu hiện có dấu hiệu tốt, bởi các cơ quan quản lý của Việt Nam cùng các doanh nghiệp dệt may đã chủ động áp dụng các biện pháp và hạn chế được tác động của cơ chế giám sát của phía Hoa Kỳ.

Theo số liệu của Hải quan Hoa Kỳ mới công bố, 6 tháng đầu năm 2007 (thời điểm hàng dệt may của Việt Nam bị giám sát), giá trung bình của những Cat. bị giám sát có giảm, nhưng vẫn ở mức trên dưới 10%. Điều đó cũng có nghĩa giá bán của hàng dệt may Việt Nam không phá giá.

Còn số liệu công bố của Bộ Thương mại Hoa Kỳ, trong 6 tháng, số lượng một số Cat. nằm trong diện bị giám sát như 338.339, 347.348, 647.648 đều không tăng.

Như vậy, tốc độ tăng trưởng hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam cũng ở mức độ vừa phải mà phía Hoa Kỳ chấp nhận được. Do đó, khả năng hàng dệt may Việt Nam bị áp thuế chống bán phá giá ít xảy ra.

Nỗ lực từ nhiều phía

Để ngăn chặn tình huống xấu đối với hàng dệt may Việt Nam xuất sang thị trường Hoa Kỳ, liên bộ Thương mại - Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) đã tiến hành giám sát chặt chẽ hoạt động xuất khẩu hàng sang thị trường này. Từ 22/6/2007, Bộ Công Thương đã bãi bỏ giấy phép tự động (E/L) đối với xuất khẩu hàng dệt may, xây dựng cơ chế quản lý, giám sát hàng dệt may xuất khẩu theo phương pháp "hậu kiểm" nhằm ngăn ngừa các hành vi gian lận thương mại.

Nhận thức được mối nguy hại nếu để phía Hoa Kỳ áp dụng biện pháp chống bán phá giá, các doanh nghiệp đã chấp hành tốt những yêu cầu từ phía cơ quan quản lý, do đó không để xảy ra trường hợp gian lận.

Được biết, các đơn hàng dệt may từ các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ đã tạo việc làm cho nhiều doanh nghiệp từ nay đến hết năm 2007, nhiều hợp đồng đã được ký kết đến hết quý 1/2008 và điều đáng quan tâm là trong những đơn hàng quay trở lại với ngành dệt may, có rất nhiều hợp đồng không thuộc nhóm mặt hàng nằm trong diện bị giám sát từ phía Hoa Kỳ.

Qua trên cho thấy các doanh nghiệp đã chủ động tìm được những mặt hàng mới để xuất khẩu vào thị trường này chứ không phụ thuộc vào những Cat. "nóng" vốn được coi là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành dệt may Việt Nam đối với thị trường Hoa Kỳ.

Bộ Công thương cũng khuyến cáo doanh nghiệp: "Cần lưu ý trong việc ký kết và thực hiện các hợp đồng đối với các mặt hàng thuộc diện giám sát của Hoa Kỳ, nhất là các Cat 339, 641, 639 và 638. doanh nghiệp nên nhận những đơn hàng có chất lượng, giá trị cao. Không nên thực hiện các đơn hàng đơn giản, giá trị thấp".

Phía Hoa Kỳ rất có thể thay thế cơ chế giám sát bằng hình thức thành lập các đội kiểm tra đột xuất để kiểm tra và xử lý bất kỳ lúc nào nếu có nghi ngờ hàng dệt may Việt Nam bán phá giá.