09:34 19/04/2007

“Dọn nhà” đón 20 tỉ USD

Tại một số địa phương đã bắt đầu xuất hiện tình trạng kéo dài thủ tục làm nản lòng nhà đầu tư

Công nhân làm việc tại Nhà máy Nidec Corporation Việt Nam, vừa đi vào hoạt động tại Khu công nghệ cao Tp.HCM.
Công nhân làm việc tại Nhà máy Nidec Corporation Việt Nam, vừa đi vào hoạt động tại Khu công nghệ cao Tp.HCM.
Theo các chuyên gia, năm 2007 Việt Nam có thể thu hút được 20 tỉ USD vốn đầu tư nước ngoài (cả năm 2006 là 10,2 tỉ USD).

Nhưng con số này chỉ thành hiện thực khi các trở ngại với nhà đầu tư nước ngoài được tháo gỡ.

Nhà đầu tư nước ngoài... 82 tuổi

Đầu tháng 3/2007, ông Tokushi Nakagawa - 82 tuổi, tổng giám đốc Công ty Shinagawa Corporation chuyên sản xuất về gas ở Inagi (Nhật Bản) - đã tìm đến Việt Nam thông qua một chương trình khảo sát đầu tư năm ngày tại Tp.HCM và các tỉnh phía Nam.

Sau thời gian khảo sát ngắn ngủi trên, vị doanh nhân “tiền bối” này đã quyết định: chuyển hướng đầu tư vào Việt Nam.

Không giấu giếm ý định, ông Tokushi Nakagawa bộc bạch: “Vì tuổi cao nên đã có không ít lời khuyên từ bè bạn và người thân trong gia đình khi biết tôi đưa ra quyết định trên. Tuy nhiên, chuyến đi khảo sát vừa qua tại Việt Nam đã cho thấy những cơ hội quá lớn từ thị trường này đã khiến tôi không thể chậm trễ hơn nữa”.

Theo kế hoạch, Shinagawa sẽ đầu tư xây dựng một nhà máy sản xuất gas khoảng 5 triệu USD tại Đồng Nai, và sau đó sẽ mở rộng đầu tư lên gấp đôi số vốn trên. Trường hợp như ông Tokushi Nakagawa chỉ là một trong số rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản tìm đến đầu tư vào Việt Nam những tháng gần đây.

Với những địa phương trước đây ít gây sự chú ý của nhà đầu tư như: Hà Tây, Kiên Giang, Ninh Thuận... thì hiện nay đều trở thành những địa chỉ quen thuộc của không ít nhà đầu tư nước ngoài.

Ông Nguyễn Văn Quý - Tổng giám đốc Công ty Trung Quý, đơn vị chủ đầu tư Khu công nghiệp Phước Nam (Ninh Thuận) - đã không giấu vẻ vui mừng cho hay: “Chỉ trong tuần đầu tiên của tháng 4/2007, chúng tôi đã tiếp đến ba đoàn doanh nghiệp đến từ Mỹ, Singapore và Nhật Bản. Trong đó, một doanh nghiệp chuyên sản xuất vỏ xe và phụ tùng ôtô của Mỹ đặt bút ký thỏa thuận đầu tư dự án sản xuất vỏ xe với số vốn giai đoạn đầu là 70 triệu USD, sau đó dự kiến sẽ tăng lên 700 triệu USD những năm tiếp theo”.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp.HCM mới đây, ông Isao Takahashi - Chánh văn phòng Trung tâm Doanh nghiệp vừa và nhỏ Tokyo - đã cho biết: trung tâm này hiện có trên 50.000 doanh nghiệp hội viên thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau và trong các đợt khảo sát, thăm dò mới đây, rất nhiều doanh nghiệp trong số này đang có ý định chuyển hướng sang Việt Nam đầu tư.

Nguy cơ tiền “chảy” đi nơi khác

Theo các chuyên gia về đầu tư, nếu Việt Nam không nhanh chóng có những bước cải thiện trên tất cả các lĩnh vực để tiếp nhận và hấp thu nguồn vốn trên, chắc chắn sẽ gây ra một hiệu ứng ngược. Thực tế, tại một số địa phương đã bắt đầu xuất hiện tình trạng kéo dài thủ tục làm nản lòng nhà đầu tư.

Theo một quan chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kể từ khi Chính phủ ban hành nghị định 108 hướng dẫn thi hành luật đầu tư từ cuối năm 2006 phân cấp cho UBND cấp tỉnh, thành phố và ban quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế được quyền cấp phép hầu hết các dự án đầu tư thì bên cạnh một số nơi “tăng tốc”, rút ngắn thời gian cấp phép đối với các dự án, vẫn còn không ít địa phương giữ điệp khúc: xin ý kiến trung ương.

Đây là nguyên nhân chính khiến không ít các dự án đầu tư bị kéo dài thời gian, song vẫn không được cấp phép.

Tình trạng trên xảy ra phần lớn ở các dự án thuộc nhóm đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt tình trạng này trở nên phổ biến ngay khi nội dung cam kết WTO của Việt Nam có hiệu lực từ đầu năm 2007. “Có những dự án đầu tư trong lĩnh vực thiết kế phần mềm với số vốn chỉ gần 10.000 USD, nhưng cơ quan thẩm định trực tiếp ở cấp địa phương là Sở Kế hoạch và Đầu tư của một thành phố lớn nọ vẫn không dám quyết định mà phải gửi ra cơ quan bộ để xin ý kiến. Chính điều này đã gây chậm trễ cho không ít dự án”, vị quan chức này nói.

Ngoài vấn đề thủ tục, nhiều nhà đầu tư cũng đã tỏ ra lo ngại đến sự quá tải của hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt là nguy cơ tắc nghẽn cảng biển tại khu vực Tp.HCM, Đồng Nai,... có thể xảy ra trong vài năm tới. Theo ông Walter Blocker - Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Tp.HCM (AmCham), dự báo năm 2007 các cảng của Tp.HCM sẽ không thể đáp ứng nhu cầu đối với lượng tàu hàng container, và khả năng tình hình này sẽ càng nghiêm trọng vào các năm 2008, 2009, trước khi cảng Cái Mép đưa vào hoạt động năm 2010.

“Nếu không có những điều chỉnh kịp thời về vấn đề cảng biển, hệ thống đường sá..., đây sẽ là nguy cơ rất lớn ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới”, ông Walter Blocker lo lắng.

Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Hồng Kông Michael Chiu đưa ra so sánh giá đất tại Việt Nam, đặc biệt là ở Tp.HCM quá cao, đã khiến chi phí mặt bằng văn phòng và nhà ở tại đây cao hơn nhiều thành phố lân cận trong khu vực như: Bangkok, Kuala Lumpur...

“Giá đất quá cao sẽ làm giảm lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư của Việt Nam ở các lĩnh vực sản xuất hay các lĩnh vực công nghiệp khác”, ông Michael Chiu cho hay.

Vốn đổ vào đâu?

Khảo sát mới đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy hai lĩnh vực tiếp tục hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài là công nghiệp và dịch vụ. Trong đó, đặc biệt là công nghiệp năng lượng, hiện số vốn đầu tư trong lĩnh vực này đã xấp xỉ lên đến con số trên 10 tỉ USD. Lĩnh vực bất động sản cũng đang được các nhà đầu tư nước ngoài “hâm nóng” với những dự án có số vốn đầu tư hàng trăm triệu USD.

Với lĩnh vực công nghệ cao, sau khi hai “đại gia” Intel và Nidec tuyên bố đầu tư 2 tỉ USD vào Việt Nam, nhiều nhà đầu tư lớn khác cũng đã bắt đầu tìm đến Việt Nam.

Nổi bật trong số này là Tập đoàn Foxconn (Honhai) - Đài Loan, dự kiến đầu tư khu công nghệ kỹ thuật cao tại Bắc Ninh và Bắc Giang với số vốn lên đến 5 tỉ USD (chia làm nhiều giai đoạn); dự án sản xuất máy tính xách tay Compal tại Vĩnh Phúc của Tập đoàn Compal (Đài Loan) với số vốn lên đến 500 triệu USD,...