13:15 11/09/2008

Đông Á cải thiện môi trường pháp lý

Thùy Linh

Đông Á đã lấy lại động lực trong cải thiện môi trường pháp lý, với Singapore đứng đầu trong bảng Xếp hạng toàn cầu

Năm nay, quốc đảo Sư tử đứng đầu thế giới về cải thiện môi trường pháp lý.
Năm nay, quốc đảo Sư tử đứng đầu thế giới về cải thiện môi trường pháp lý.
Ngày 10/9/2008, Ngân hàng Thế giới (WB) và Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) đã công bố báo cáo nghiên cứu về môi trường kinh doanh 2008.

Theo đó, Đông Á  đã lấy lại động lực trong cải thiện môi trường pháp lý - Trung Quốc có những tiến bộ quan trọng, Singapore đứng đầu trong bảng Xếp hạng toàn cầu.

Kết quả của Báo cáo môi trường kinh doanh 2008, IFC và WB chỉ rõ khu vực Đông Á và Thái Bình Dương trong năm nay đã đạt được động lực lớn nhất so với các khu vực khác trong việc tiến hành các cải cách môi trường pháp lý. Báo cáo mới này tổng kết có 26 cải cách được thực hiện ở 24 nền kinh tế trong khu vực trong khoảng thời gian từ tháng 6/2007 – 6/2008, nhằm tạo thuận lợi hơn cho kinh doanh.

Trong số các thị trường mới nổi lớn nhất trên thế giới, Trung Quốc dẫn đầu với các cải cách tạo thuận lợi cho vay vốn tín dụng, nộp thuế, và thực thi hợp đồng. Các quốc gia  nằm ở nhóm dẫn đầu về cải cách bao gồm Thái Lan, Campuchia và Malaysia..., với những cải cách tạo thuận lợi cho việc nộp thuế, thành lập doanh nghiệp, thương mại quốc tế, đăng ký tài sản, bảo vệ nhà đầu tư, cải thiện thủ tục giải thể doanh nghiệp và củng cố các quyền pháp lý của người cho vay và đi vay vốn tín dụng. Campuchia đã ban hành một bộ luật mới về giao dịch bảo đảm, giúp cho nước này trở thành nước đứng đầu thế giới trong cải cách tạo điều kiện thuận lợi cho vay vốn tín dụng.

Báo cáo môi trường kinh doanh dựa trên 10 yếu tố về luật lệ kinh doanh có ảnh hưởng đến thời gian và chi phí của doanh nghiệp trong việc thành lập, tiến hành hoạt động kinh doanh, trao đổi thương mại quốc tế, nộp thuế, giải thể doanh nghiệp. Đánh giá này không tính đến các yếu tố như chính sách kinh tế vĩ mô, chất lượng cơ sở hạ tầng, biến động tiền tệ, nhận thức của nhà đầu tư hay tỷ lệ tội phạm.

Ông Michael Klein, Phó Chủ tịch phụ trách tài chính và phát triển kinh tế tư nhân của IFC/WB, phát biểu: “Các nền kinh tế cần có các luật lệ hiệu quả, dễ thực thi, và có khả năng tiếp cận đến những người thụ hưởng. Việc kinh doanh sẽ bị ngưng trệ trong một nền kinh tế không luật lệ và phi chính thức, bởi các doanh nghiệp sẽ khó tiếp cận các nguồn tín dụng, do đó họ sẽ thuê ít nhân công hơn, và người lao động cũng sẽ ít được bảo vệ hơn bởi các luật lệ về lao động”.

Ông nói thêm: “Báo cáo môi trường kinh doanh khuyến khích các quốc gia cải thiện luật lệ, luật lệ tốt sẽ giúp tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh hơn là dựa vào các mối quan hệ”.

Báo cáo môi trường kinh doanh đánh giá xếp hạng 181 nền kinh tế về mức độ thuận lợi kinh doanh. Nhóm 25 nền kinh tế đứng đầu, theo thứ tự, là Singapore, New Zealand, Hoa Kỳ, Hồng Kông (Trung Quốc), Đan Mạch, Anh Quốc, Ireland, Canada, Australia, Na Uy, Iceland, Nhật Bản, Thái Lan, Phần Lan, Grudia, Ảrập Saudi, Thụy Điển, Bahrain, Bỉ, Malaysia, Thụy Sĩ, Estonia, Hàn Quốc, Mauritius, và CHLB Đức, Malaysia đứng thứ 20.