22:58 03/12/2013

Đóng cửa Zone 9: Khi Hà Nội chọn “giải pháp an toàn”

Anh Minh

Hà Nội đã chọn "giải pháp an toàn" về Zone 9, nhưng chưa rõ ai sẽ bồi thường thiệt hại cho các doanh nghiệp và hộ kinh doanh

Với quyết định “chấm dứt hoạt động”, cộng đồng kinh doanh ở Zone 9 sẽ 
chịu thiệt thòi lớn nhất khi đã bỏ vốn đầu tư hàng trăm triệu, thậm chí 
hàng tỷ đồng để xây dựng cơ sở kinh doanh.
Với quyết định “chấm dứt hoạt động”, cộng đồng kinh doanh ở Zone 9 sẽ chịu thiệt thòi lớn nhất khi đã bỏ vốn đầu tư hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng để xây dựng cơ sở kinh doanh.
Như VnEconomy đã đề cập trong bài viết “Zone 9, giữa kinh doanh và nghệ thuật”, ngay sau vụ cháy nghiêm trọng tại đây, đã có những đề xuất về việc đóng cửa khu này.

Bài viết cũng đã nhận định rằng, “nhiều người trong giới chức chính quyền đã nghĩ đến chuyện đóng cửa Zone 9 như một giải pháp an toàn trước công luận”.

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, nhiều tiếng nói khác đã và đang ủng hộ Zone 9, vì “xóa bỏ thành quả của bao người đã và đang xây dựng nên Zone 9 là một bất công”.

Tuy nhiên, chiều 3/12, “giải pháp an toàn” này cuối cùng đã được UBND thành phố Hà Nội lựa chọn, khi yêu cầu “chấm dứt” các hoạt động kinh doanh, cải tạo, sửa chữa tại khu vực này.

Quyết định này được đưa ra sau khi Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Bình An - chủ đầu tư, lập và triển khai tổ hợp dự án văn phòng làm việc, trung tâm thương mại và nhà ở tại khu đất số 9 Trần Thánh Tông, hay được gọi là Zone 9 - có báo cáo lên UBND thành phố Hà Nội hôm 22/11, trong đó kiến nghị thành phố có biện pháp khẩn cấp “buộc các hộ kinh doanh tạm dừng các hoạt động kinh doanh, cải tạo, sửa chữa tại khu đất”.

Văn bản của Hà Nội cũng yêu cầu Công ty Bình An phải “quản lý, sử dụng nhà đất theo đúng quy định của pháp luật”.

Trước đó, công luận đã nhiều lần lên tiếng về câu chuyện Zone 9 theo hai hướng: trong khi bày tỏ sự chia sẻ với cộng đồng những người đã và đang hoạt động tại Zone 9, nhiều ý kiến cũng cho rằng cần phải làm rõ vấn đề quản lý và sử dụng đất tại đây, đặc biệt là vai trò của Công ty Bình An.

Đóng cửa một khu vực được coi là tiềm ẩn nguy hiểm là cách chính quyền thể hiện trách nhiệm với người dân. Yêu cầu chủ đầu tư phải làm “đúng quy định của pháp luật” cũng là cách chính quyền thể hiện sự nghiêm minh trong điều hành.

Tuy nhiên, mọi quyết định chính sách hay điều hành đều phải được cân đong trước khi ban hành. Với quyết định “chấm dứt hoạt động”, cộng đồng kinh doanh ở Zone 9 sẽ chịu thiệt thòi lớn nhất khi đã bỏ vốn đầu tư hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng để xây dựng cơ sở kinh doanh.

Trong khi đó, việc quản lý sử dụng Zone 9 “trái quy định”, trách nhiệm trước hết phải thuộc về Công ty Bình An và chính quyền sở tại.

Theo báo cáo của Công ty Bình An, từ tháng 8/2013, Bình An đã ký một hợp đồng giao toàn bộ quyền quản lý, sử dụng đất và tài sản trên đất với Công ty Cổ phần Phát triển Tiến Bộ với thời hạn đến 28/2/2014.

Sau đó, Công ty Tiến Bộ lại tiếp tục ký một bản hợp đồng tương tự để giao lại khu đất trên cho Công ty TNHH Tư vấn bất động sản Thành Đạt để quản lý và sử dụng. Trên cơ sở hợp đồng này, Công ty Thành Đạt đã tiếp tục cho một số hộ cá thể thuê lại và kinh doanh.

Trao đổi với VnEconomy, một luật sư cho rằng với “quy trình” ấy, khó có thể nói Công ty Bình An là vô can trong câu chuyện này. Các bản hợp đồng giữa ba công ty nói trên là cơ sở để các doanh nghiệp khác tin tưởng ký hợp đồng thuê mặt bằng, dẫu là ngắn hạn. Vì vậy, nếu “chấm dứt” hoạt động của Zone 9, sẽ là công bằng nếu Công ty Bình An chịu trách nhiệm đầu tiên.

Ông phân tích, vì hợp đồng thuê mặt bằng giữa các doanh nghiệp và hộ kinh doanh ký với Công ty Thành Đạt là hợp pháp, các doanh nghiệp và hộ kinh doanh hoàn toàn có thể khởi kiện nếu không được tiếp tục kinh doanh. Trong trường hợp buộc phải ngưng hợp đồng như một tình huống bất khả kháng, họ có thể đòi bồi thường.