15:17 17/03/2011

“Động đất vài phút, phục hồi chục năm”

Sơn Hà

Trận động đất và sóng thần tràn qua vùng đông bắc Nhật Bản chỉ có vài phút, nhưng việc tái thiết có thể lên tới cả chục năm

Một con đường ở Saitama bị đứt gãy do động đất - Ảnh: Boston.
Một con đường ở Saitama bị đứt gãy do động đất - Ảnh: Boston.
Trận động đất và sóng thần tràn qua vùng đông bắc Nhật Bản chỉ có vài phút, nhưng việc tái thiết có thể lên tới cả chục năm, các chuyên gia quốc tế nhận định.

Cơn địa chấn kinh hoàng lên tới 9 độ richter và bức tường nước cao chục mét hình thành sau đó, đã giết hại hàng nghìn người, quét sạch nhiều thị trấn, phá hủy con đường, cầu cảng, nhà máy lọc dầu, cơ sở sắt thép và vô số nhà máy.

Theo giới phân tích, chi phí tái thiết có thể vượt qua mức thiệt hại trong cơn đại địa chấn năm 1995 ở thành phố Kobe. Theo ước tính của tổ chức Standard & Poor’s, tổng số thiệt hại có thể lên tới 159 tỷ USD.

Bốn tỉnh bị tác động nặng nề nhất, bao gồm Iwate, Miyagi, Fukushima và Ibaraki, vốn là “quê nhà” của nhiều ngành công nghiệp, từ chế biến nông sản cho tới sản xuất linh kiện ô tô, điện tử và đóng góp 6% vào tăng trưởng kinh tế Nhật Bản.

Hàng trăm nghìn người dân đã phải trải qua 5 đêm dài dằng dặc với một lượng thức ăn, nước uống ít ỏi, trong khi nhiều người khác bị mất nhà cửa.

Cảng lớn nhất ở bờ biển đông bắc Nhật Bản, Sendai, đã bị phá hủy nghiêm trọng. Đây là nơi xuất đi rất nhiều hàng hóa của Nhật, như các sản phẩm cao su, máy móc văn phòng, linh kiện ô tô…

Ba cảng biển khác là Hachinohe, Ishinomake và Onahama cũng bị tàn phá nghiêm trọng và có thể phải ngừng hoạt động trong nhiều tháng.

6 nhà máy lọc dầu với sản lượng 1,4 triệu thùng dầu mỗi ngày, đã phải đóng cửa, hai trong đó bị cháy. Các nhà máy sản xuất thép cũng bị ảnh hưởng.

Nhà máy của tập đoàn thép Nippon ở Kamaishi, tỉnh Iwate đã phải đóng cửa sau khi sóng thần tràn qua một phần nơi đây. Đây là nhà máy chuyên sản xuất thép và thép cuộn dùng cho động cơ và khung gầm ôtô.

Một nhà máy khác thuộc tập đoàn công nghiệp Sumitomo ở Kashima, tỉnh Ibaraki, cũng phải ngưng hoạt động sau động đất.

Trong khi đó, tình trạng thiếu điện trên diện rộng đang buộc nhiều công ty phải ngừng hoạt động. Tập đoàn Sony đã ngưng sản xuất tại một số nhà máy, bao gồm một cơ sở chuyên làm đĩa Blu-Ray.

Tập đoàn Toshiba cũng rơi vào tình trạng tương tự. Trong khi tất cả các hãng ô tô, như tập đoàn Toyota, đã phải ngừng việc sản xuất ở nhiều nơi.

Các công ty còn phải đối mặt với nhiều vấn đề khác như việc xuất khẩu linh kiện, vận tải nguyên liệu thô và đưa công nhân tới các nhà máy, Dale Ford, một nhà phân tích thuộc hãng nghiên cứu thị trường HIS iSuppli nhận định.

Ngoài ra, các chuyên gia quốc tế cũng nhận định, theo ước tính ban đầu, tổng số thiệt hại sau thảm họa có thể khiến ngành bảo hiểm mất đi ít nhất 60 tỷ USD.

Việc tái thiết sẽ đối mặt với thách thức to lớn, do thiệt hại trên phạm vi quá rộng và có khả năng đã phá hủy nhiều đường điện nước, Jun Yang, Chủ tịch chi nhánh Hồng Kông của Hiệp hội Kỹ sư Mỹ nhận định.

“Theo tôi, việc tái thiết và sửa chữa có thể mất từ 5 - 10 năm”, Yang nói. Tuy nhiên khung thời gian này chưa bao gồm bất cứ sự ô nhiễm phóng xạ nào từ các lò phản ứng hạt nhân bị nổ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1.

Tính tới hôm nay, thảm họa hạt nhân đã trở nên nghiêm trọng hơn tại khu vực nhà máy này. Các nhà chức trách Nhật Bản đã yêu cầu công nhân rời khỏi nhà máy vào ngày hôm qua, khi nồng độ phóng xạ lên mức nguy hiểm.

"Các cảng biển, nhà máy điện và cơ sở lọc dầu ở đông bắc Nhật Bản bị tàn phá trên phạm vi rộng”, các chuyên gia kinh tế Matt Robinson và Ruth Stroppiana thuộc bộ phận phân tích của Moody's viết trong một báo cáo.

“Việc dọn dẹp sẽ mất hàng tháng và việc tái thiết các hạ tầng quan trọng sẽ còn tốn thời gian hơn nữa”.

Không chỉ mất thời gian, việc tái thiết dự kiến sẽ tiêu tốn hàng tỷ USD, khiến gánh nợ của Nhật Bản đang mang trên vai trở nên trĩu nặng hơn.

Sau trận động đất Kobe năm 1995, kinh tế Nhật Bản có thể phục hồi nhanh chóng là vì chính phủ nước này đã tăng chi tiêu công lên hơn 15% trong 12 tháng sau đó.

Còn lần này, chính phủ sẽ không thể đủ sức chi tiêu thoải mái như vậy, vì Nhật Bản đang oằn mình trước khối lượng nợ lớn gấp đôi quy mô của nền kinh tế, các chuyên gia phân tích thuộc Moody’s nhận xét.

Reuben Chu, Chủ tịch Học viện kỹ sư Hồng Kông, cho rằng, tình cảnh ở Nhật Bản trái ngược với thảm họa động đất Tứ Xuyên (Trung Quốc). Mỗi thảm họa có những vấn đề khó khăn khác nhau.

Việc tái thiết sau trận động đất Tứ Xuyên chịu thách thức về mặt kỹ thuật, bởi phần lớn những công trình bị phá hủy nằm ở sườn đồi dốc. Đó không phải là vấn đề lớn ở vùng đông bắc Nhật Bản. Thay vào đó, theo Chu, thách thức lớn nhất là có đủ tiền, vật liệu và công nhân.