09:28 03/06/2008

Đồng Euro: 10 năm nhìn lại

Kiều Oanh

Giữa bối cảnh nền kinh tế toàn cầu nhiều bất ổn như hiện nay, đồng Euro được coi là một kênh đầu tư an toàn

Một em bé ở Brussels (Bỉ) đang cầm một mô hình của đồng xu 1 Euro - Ảnh: Reuters.
Một em bé ở Brussels (Bỉ) đang cầm một mô hình của đồng xu 1 Euro - Ảnh: Reuters.
Ngày 1/6/1998, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) chính thức được thành lập, không lâu sau khi đồng tiền chung châu Âu Euro được đưa vào sử dụng.

Ngày nay, Euro đã được sử dụng tại 15 quốc gia với tổng dân số 320 triệu người tại châu lục.

Thành công tuyệt vời

Đối với các doanh nghiệp châu Âu, đồng Euro bắt đầu được sử dụng từ ngày 1/1/1998, còn đối với người tiêu dùng ở châu lục này, đồng Euro xuất hiện trong cuộc sống của họ từ ngày 1/1/2002.

Tuy nhiên, đối với các “kiến trúc sư” của Euro, ngày thành lập ECB mới là ngày đáng nhớ nhất trong lịch sử hình thành của đồng tiền này. Nhân dịp 10 năm sinh nhật ECB, các quan chức châu Âu đã tập trung tại Frankfurt - thủ đô tài chính của nước Đức - trong một buổi lễ kỷ niệm long trọng.

Giữa bối cảnh nền kinh tế toàn cầu nhiều bất ổn như hiện nay, đồng Euro được coi là một kênh đầu tư an toàn. Và đối với các quan chức châu Âu, trong đó có Thống đốc ECB Jean Claude-Trichet, sự ổn định của Euro chính là thành tựu lớn nhất của ECB trong 10 năm qua.

Có thể nói, ít nhất tới lúc này, ECB đã hoàn thành được sứ mệnh hàng đầu của mình là duy trì lạm phát của khu vực trong tầm kiểm soát. 10 năm sau ngày ngân hàng này ra đời, giá cả ở châu Âu tăng với tốc độ bình quân 2,1% mỗi năm, bất chấp việc giá lương thực và nhiên liệu leo thang mạnh mẽ trong thời gian gần đây.

Thêm vào đó, không một chính trị gia nào có những nỗ lực đáng kể nhằm làm suy yếu sự độc lập của ECB. Và bất chấp những vấn đề bất cập của một chính sách tiền tệ chung, không một quốc gia thành viên nào tìm cách rút khỏi khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

“Việc coi đây là một thành tựu đáng kể hoàn toàn không phải là điều phóng đại”, nhà kinh tế học Philip Lane, Giám đốc Viện Nghiên cứu hội nhập quốc tế tại Đại học Trinity ở Dublin (Ireland), nhận định.

Riêng về phần mình, các quan chức của ECB xem ra đang “cười thầm” trước dự báo mà nhà kinh tế học người Mỹ Martin Feldstein đưa ra vào năm 1997 rằng những chia cắt mà đồng Euro gây ra có thể dẫn tới một cuộc chiến tranh giữa các nước sử dụng đồng tiền này.

Có thể nói, ECB là hiện thân của một giấc mơ mà những người đầu tiên sáng lập Liên minh châu Âu trước đây không bao giờ dám mơ ước tới. Khi hiệp ước ban đầu kêu gọi một “liên minh ngày càng mật thiết hơn” giữa các nước châu Âu được ký kết tại Rome vào năm 1957, các đồng tiền của các quốc gia trên toàn thế giới khi đó đều được neo buộc vào đồng USD, còn đồng USD thì được đảm bảo bằng chế độ bản vị vàng.

Bởi thế, giấc mơ về một đồng tiền chung châu Âu - giống như đồng bạc của đế chế La Mã cổ đại xưa kia - vào thời điểm đó xem như là điều viển vông.

Sự trỗi dậy của nước Đức

Tuy nhiên, sự ra đời thành công của đồng Euro cũng đem đến cho Thống đốc Trichet và các đồng nghiệp của ông những khó xử mới. Trước khi ECB đi vào hoạt động, các ngân hàng trung ương của các nước thành viên đã lên tiếng kêu gọi cách nghĩ mới về sự độc lập của các quốc gia thành viên trong liên minh.

ECB áp đặt một mức lãi suất cơ bản chung và đồng Euro có tỷ giá hối đoái duy nhất để các nước thành viên không thể phá giá đồng tiền của nước mình nhằm mục đích tạo thế cạnh tranh. Do đó, ban đầu, các ngân hàng trung ương thành viên trong Eurozone đòi nới lỏng luật lao động, bãi bỏ bớt quy định đối với một số lĩnh vực như dịch vụ bán lẻ, tăng mức độ sẵn sàng của người châu Âu trong việc di chuyển để tìm công việc mới…

Về thực chất, những người mang tư tưởng này muốn châu Âu giống như nước Mỹ - một miền đất lớn với một đồng tiền chung thành công và ổn định. Nhưng họ đã phải thất vọng.

“Chúng tôi vẫn luôn biết rằng những gì “tất cả trong một” đều có vấn đề. Khi đó, điều chúng tôi muốn là các chính sách phi tiền tệ như chính sách lao động cần linh hoạt hơn” - nguyên Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hà Lan André Szász - đồng thời là một nhà đàm phán của hiệp ước Maastricht năm 1993, hiệp ước thiết lập những quy tắc cho sự thành lập đồng Euro - cho biết.

Tuy nhiên, ông thừa nhận: “Nhưng xét đi xét lại, đây không phải là một hy vọng có tính thực tế”. Điều này có thể xuất phát từ việc các quan chức ngân hàng trung ương châu Âu ở thời điểm đó đã nhầm lẫn rằng, việc mất độc lập trong chính sách tiền tệ có thể khiến các nhà lãnh đạo châu Âu mất đi sự độc lập trong việc hoạch định các chính sách khác.

“Trước đây, ở Đức và nhiều quốc gia khác, người ta tin rằng, nếu áp dụng một cam kết tiền tệ để ổn định giá cả, công đoàn và các chính trị gia sẽ buộc phải thực hiện các cải cách”, ông Adam Posen, Phó giám đốc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson ở Washington nhận xét. Tuy nhiên, ông cho rằng, những tác động của chính sách tiền tệ chung đối với áp lực cải cách chỉ ở mức giới hạn.

Kết quả của sự “hiểu lầm” này là khác biệt lớn trong phát triển kinh tế của các nước châu Âu hiện nay. Phần lớn thời gian sau khi ECB ra đời, Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu - phát triển chậm chạp, trong khi những “nhân vật” trước đó vốn “tụt hậu” như Tây Ban Nha, Italy và Hy Lạp tăng trưởng nhanh chóng.

Trong hầu hết thời gian 10 năm qua, ECB là nguồn tín dụng dễ dàng của châu Âu, và đây là chính sách phù hợp với sự tăng trưởng chậm chạp của kinh tế Đức và tỷ lệ lạm phát khiêm tốn của nước này. Chính sách này cũng được toàn châu Âu ủng hộ vì tín dụng giá rẻ giúp tạo ra sự phát triển bùng nổ của thị trường địa ốc và làm mờ đi sự cần thiết phải học theo những cải cách “không giống ai” của Đức.

Tuy nhiên, đến nay, tình thế đã đảo ngược. Các nước Nam Âu hiện tăng trưởng ì ạch trở lại, trong khi kinh tế Đức trở nên vững mạnh hơn cả nhờ đã trải qua nhiều năm với những thay đổi cơ cấu đầy dũng cảm. Cũng nhờ đó mà Đức đã trở thành đầu tàu kinh tế của châu Âu.

Tình thế khó xử

Tuy nhiên, cũng chính vào thời điểm hiện nay, ECB phải đối mặt với thách thức lớn nhất kể từ khi Euro ra đời: Cần đưa ra chính sách tiền tệ mới, vừa phù hợp với nền kinh tế các nước Nam Âu đang tăng trưởng chậm lại, vừa phù hợp với kinh tế Đức đang tăng trưởng mạnh mẽ nhưng lại phải đương đầu với lạm phát. Bởi vì kinh tế Đức đã hồi sinh, giờ là lúc ECB phải thắt chặt tính sách tiền tệ - điều mà nhiều người coi là một “phương thuốc đắng” đối với phần còn lại của châu Âu.

Tuy nhiên, một số nhà quan sát lại cho rằng, xét trong dài hạn, sự khác biệt trong phát triển kinh tế sẽ đem đến lợi ích. “Sự khác biệt sẽ giúp phân bổ rủi ro. Nếu tất cả châu Âu cùng phát triển mạnh và cùng có bong bóng bất động sản vỡ tung như Tây Ban Nha, kết quả sẽ là một cuộc khủng hoảng lớn”, ông Daniel Gros - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách châu Âu tại Brussels (Bỉ) - nhận xét.

Mặc dù vậy, chính sách tiền tệ của ECB không phải lúc nào cũng hoàn toàn phù hợp, nhất là vào thời điểm giá cả năng lượng và thực phẩm tăng cao như hiện nay. ECB có thể rốt cục sẽ tăng lãi suất - một chính sách phù hợp hơn cả với kinh tế Đức đang tăng trưởng mạnh mẽ. Nhưng trên thực tế, chính sách tiền tệ thắt chặt trong bối cảnh các tăng trưởng kinh tế đang đi xuống tại nhiều quốc gia lại có thể khiến sự tụt hậu này diễn ra thêm nhanh chóng, thúc đẩy những người dân châu Âu vốn “cứng đầu” xuống đường biểu tình và chính phủ các nước này đi tìm đối tượng “giơ đầu chịu báng”.

“Xu thế từ lâu của các chính phủ châu Âu trong việc tìm đối tượng “chịu tội” cho các vấn đề của họ đã trở lại”, ông Alexandre Lamfalussy - cựu Chủ tịch Viện Tiền tệ châu Âu, cơ quan dự báo của ECB - nhận định.

Câu trả lời của ông Trichet đối với tình thế khó xử này là ECB hoạch định chính sách dựa trên các dữ liệu chung của khu vực sử dụng đồng Euro. ECB không tìm cách đánh đồng giữa Đức và Tây Ban Nha, cũng như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ không tìm cách đánh đồng giữa New York và California về phát triển kinh tế.

Ông cho rằng, việc xóa bỏ những khác biệt trong eurozone đòi hỏi những thay đổi cơ cấu nhằm kích thích tăng trưởng và hạ thấp lạm phát, và những nhiệm vụ này thuộc về mỗi quốc gia thành viên hơn là phụ thuộc vào ECB. “Trong lĩnh vực này, lòng dũng cảm của các nhà lãnh đạo từng nước là điều cần thiết nhất, cho dù châu Âu có đồng tiền chung hay không”, ông Trichet khẳng định.

(Theo IHT)