11:23 05/01/2009

Đồng Euro: Tuổi lên 10 và những thách thức

Quốc Trung

Trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái, đồng Euro nói riêng và kinh tế EU nói chung đang gặp không ít khó khăn

Hai tờ tiền "nhái" đồng 1 USD và 500 Euro với dụng ý châm biếm sức mạnh của USD, tại một quầy thu đổi tiền tại Frankfurt, Đức - Ảnh: Reuters.
Hai tờ tiền "nhái" đồng 1 USD và 500 Euro với dụng ý châm biếm sức mạnh của USD, tại một quầy thu đổi tiền tại Frankfurt, Đức - Ảnh: Reuters.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái, đồng Euro nói riêng và kinh tế EU nói chung đang gặp không ít khó khăn.

Ngày 1/1 vừa qua, đúng thời điểm kỷ niệm "sinh nhật" lần thứ 10 năm của đồng Euro, khối các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã kết nạp thêm Slovakia. Như vậy, Euro hiện là đồng tiền chung của 16 nước, với dân số hơn 300 triệu người, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trên 4.000 tỉ Euro.

Nơi "trú ẩn an toàn"

10 năm qua, tỉ giá giữa Euro với các đồng tiền chủ chốt khác ngày càng tăng. Euro đang dần thay thế vị trí độc tôn của đồng USD để trở thành ngoại hối dự trữ của toàn cầu.

Khi mới đưa vào lưu hành, giá trị 1 Euro chưa bằng 1 USD. Tuy nhiên, đồng tiền này đã  từng đạt mức kỷ lục 1 Euro đổi được 1,6 USD trong năm 2008. Khu vực Eurozone chỉ chiếm 16,5% sản lượng kinh tế toàn cầu, nhưng đồng Euro lại chiếm tới 27% dự trữ ngoại hối của thế giới.

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đang nghiêm trọng như hiện nay, các chuyên gia nhận định sức hấp dẫn của đồng Euro chính là chỗ đồng tiền này đã tạo được cảm giác tin tưởng và là nơi "trú ẩn an toàn" cho nguồn vốn của giới đầu tư. Nhiều nhà phân tích tin tưởng rằng Euro có thể thay thế USD trở thành đồng tiền giao dịch chính trong buôn bán thế giới trong vòng 5 năm tới.

Đồng Euro còn là biểu tượng cho sự hội nhập của châu Âu. Trong 10 năm qua, Euro đã góp phần tạo thêm 15 triệu việc làm mới khiến thương mại và du lịch trở nên dễ dàng hơn. Các nước khu vực Eurozone  đã thành lập Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), góp phần quan trọng điều tiết, bảo đảm ổn định thị trường tài chính khu vực và thế giới.

Bất chấp những vấn đề bất cập của một chính sách tiền tệ chung, không một quốc gia thành viên nào tìm cách rút khỏi Eurozone. Các nước từng không mấy tin tưởng vào đồng Euro như Thụy Điển, Anh, hiện đã bắt đầu xem xét khả năng gia nhập Eurozone.

Đối mặt nhiều thách thức

Tuy nhiên, đồng Euro nói riêng và kinh tế châu Âu nói chung đang phải đối mặt với nhiều thách thức, trong bối cảnh kinh tế khu vực đang lâm vào suy thoái.

Trong năm 2008, kinh tế EU liên tục phải đối mặt với nhiều khó khăn như tốc độ lạm phát, tỷ lệ lạm phát cao khiến cho việc lựa chọn đối sách của khu vực EU trở nên phức tạp. Lạm phát ở khu vực Eurozone tăng lên mức kỷ lục vào tháng 6/2008 với 4%,  vượt cả mức dự đoán xấu nhất là 3,9% và gấp đôi so với mục tiêu 2% mà ECB đặt ra.

Cuối năm 2008, EU lại lâm vào suy thoái kinh tế. Số liệu của EU công bố mới đây cho thấy, kinh tế các nước Eurozone lần đầu tiên kể từ ngày được thành lập năm 1999, đã rơi vào giai đoạn suy thoái, do tăng trưởng âm (GDP đều giảm 0,2%) trong hai quý liên tiếp.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), kinh tế của khu vực Eurozone sẽ giảm 0,5% vào năm 2009 sau khi chỉ tăng 1,1% năm 2008. Các nền kinh tế EU đã phải đưa ra dự thảo chương trình kích thích kinh tế trong vòng 2 năm trị giá 130 tỉ Euro.

Một thách thức nữa với sự phát triển của đồng Euro và kinh tế khu vực là sự khác biệt về trình độ phát triển trong khu vực có chiều hướng gia tăng. Trong khi các nước Nam Âu hiện tăng trưởng ỳ ạch, thì kinh tế Đức ngày càng vững mạnh hơn và trở thành “đầu tàu kinh tế” của châu Âu. Thực tế này đòi hỏi ECB phải đưa ra chính sách tiền tệ phù hợp cho các nền kinh tế trong khu vực.

Eurozone cũng đang đứng trước yêu cầu phải cải cách để năng động hơn. Khu vực này đang ngày càng khẳng định được vai trò của mình trong tương quan so sánh với nền kinh tế Mỹ. Nhưng xét về mức độ năng động,  lại tụt hậu so với Mỹ cũng như khu vực châu Á. So với hệ thống tài chính của Mỹ, hệ thống tài chính của khu vực Eurozone có truyền thống dựa nhiều vào ngân hàng và kém phát triển, kém hội nhập hơn.

Một khó khăn nữa đối với châu Âu là sự tụt dốc của nền kinh tế Mỹ đã góp phần đẩy đồng Euro tăng giá so với đồng USD, khiến xuất khẩu hàng hóa của EU vào thị trường Mỹ khó khăn hơn.

Ngoài ra, một số chuyên gia lo ngại, đồng Euro còn phải cạnh tranh với các đối thủ đang nổi lên là đồng tiền của Trung Quốc và Ấn Độ. Sự lớn mạnh của hai nền kinh tế nói trên sẽ làm giảm mức độ quan trọng của đồng Euro trong vai trò là đồng tiền toàn cầu.