11:26 14/02/2008

Dòng lao động "chảy ngược" về quê

Nhiều lao động ở miền Trung sau khi trở về quê ăn Tết đã không tiếp tục "hành phương Nam" mà ở lại quê tìm việc

Nhiều lao động nữ ngành may mặc chỉ cần thu nhập bằng 70% ở Tp.HCM là sẵn sàng vào làm việc tại Khu công nghiệp Điện Nam-Điện Ngọc (Quảng Nam).
Nhiều lao động nữ ngành may mặc chỉ cần thu nhập bằng 70% ở Tp.HCM là sẵn sàng vào làm việc tại Khu công nghiệp Điện Nam-Điện Ngọc (Quảng Nam).
Chuyện thời sự nóng bỏng nhất ngay sau Tết đối với các khu công nghiệp lớn phía nam là thiếu công nhân trầm trọng. Nhiều lao động ở miền Trung sau khi trở về quê ăn Tết đã không tiếp tục "hành phương Nam".

Họ ở lại quê nhà tìm kiếm làm việc ở các khu cụm công nghiệp đang thiếu trầm trọng nguồn lao động có tay nghề cao, chuyên nghiệp. Tận dụng cơ hội, không ít doanh nghiệp nhân dịp này tìm mọi cách tuyển dụng lực lượng công nhân tay nghề cao mà không tốn chi phí đào tạo về làm việc cho họ.

"Ta về ta tắm ao ta"...

Khác với các năm trước, sau Tết, dọc Quốc lộ 1A qua tỉnh Quảng Nam không còn cảnh hàng vạn lao động trẻ từ các huyện nông thôn đón xe đò "hành phương Nam" sau những ngày về quê ăn Tết. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp ở Tp.HCM, Bình Dương... mặc dù đã cho xe đưa công nhân về quê ăn Tết và xe đón họ trở lại làm việc sau Tết, nhưng xe lại về không, như công ty Hữu Nghị, Naterfel, Bimi, Sawavina...

Theo khảo sát của Trung tâm giới thiệu việc làm thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Quảng Nam, mấy năm trở lại đây, ngày càng nhiều lao động về quê ăn Tết ở lại quê nhà tìm được việc làm. Trong số khoảng 3 vạn lao động "hành phương Nam" mỗi năm, thì cũng có khoảng 30% số lao động từ phương Nam hồi hương sau Tết.

Theo ông Trần Hữu Doãn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty TNHH Tuấn Đạt ở Khu công nghiệp Trường Xuân (Tam Kỳ) cho biết: "Chỉ trong 2 ngày 12-13.2, Cty đã tuyển dụng được hơn 250 lao động may mặc, trong đó quá nửa là công nhân ở Tam Kỳ và các huyện lân cận Núi Thành, Tiên Phước vốn làm ăn xa tại Tp.HCM nay về quê ăn Tết ở lại quê tìm việc làm. Dự kiến chỉ trong ngày 14.2, Cty sẽ tuyển thêm khoảng 100 công nhân nữa để đủ nhân công đưa phân xưởng may mới mở rộng vào hoạt động".

Các công nhân ở lại quê làm việc không ngoài nguyên nhân kinh tế và tâm lý. Các công nhân vừa tìm được việc làm ở Công ty TNHH Tuấn Đạt tại Khu công nghiệp Trường Xuân, Tam Kỳ cho biết, mặc dù đơn giá sản phẩm ở đây thấp hơn khoảng 10% so với công ty cũ ở Tp.HCM, nhưng với mức thu nhập bình quân là 1,6 triệu đồng/tháng, không thấp hơn mức thu nhập ở công ty cũ, được ở gần gia đình, chi phí sinh hoạt lại không đắt đỏ như ở miền Nam, nên họ lựa chọn ở lại làm việc.

Các nữ công nhân Phan Thị Hương, Nguyễn Thị Thuận... không chỉ tìm thấy cơ hội "đổi đời" ngay ở chính quê hương mình mà còn kéo thêm nhiều bạn bè cùng làm ăn xa ở lại quê làm công nhân.

Tuyển dụng "nhân dịp"

Ông Trần Hữu Trung, Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh cho biết: "Người lao động đi làm ăn ở miền Nam nhiều nhất ở các huyện Núi Thành, Tam Kỳ, Tiên Phước, Thăng Bình, Quế Sơn, Duy Xuyên. Số lao động sau Tết ở lại quê tìm việc làm tập trung nhiều nhất ở các ngành nghề may mặc, da giày, điện, điện tử, cơ khí.

Việc xuất hiện xu hướng "dòng chảy ngược" lao động cũng chứng tỏ sự phát triển của nền công nghiệp địa phương, với sự ra đời, mở rộng hoạt động của hàng loạt khu, cụm công nghiệp rải đều trên địa bàn tỉnh như kinh tế mở Chu Lai (huyện Núi Thành), Thuận Yên (Tam Kỳ), Điện Nam-Điện Ngọc (Điện Bàn), Đại Hiệp (Đại Lộc)... Ơ đó, cơ hội việc làm không thiếu".

Công nhân lao động ở miền Nam được đào tạo bài bản, tay nghề cao, kỷ luật tốt, nên luôn được các doanh nghiệp địa phương vốn đang khát nhân công chào mời. Đón bắt xu hướng công nhân hồi hương ăn Tết có nhu cầu ở lại quê tìm việc làm, "nhân dịp" này, hiện hàng loạt doanh nghiệp ở các khu cụm công nghiệp Quảng Nam đang ráo riết tuyển dụng lao động, như Cty ôtô Trường Hải (Chu Lai), may mặc Minh Hoàng, Nguồn Lực, Đại Minh, giày da Rickeer (Điện Nam, Điện Ngọc)...

Theo khảo sát của Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh, tổng cộng nhu cầu tuyển dụng lao động dịp sau Tết ở tỉnh là hơn 7.000 người, trong đó Chu Lai và Điện Nam - Điện Ngọc mỗi nơi hơn 3.000 lao động, Thuận Yên khoảng 1.000 lao động...

Tuy nhiên, ông Trung cảnh báo: "Một số doanh nghiệp đã nhân dịp này tìm mọi cách tuyển dụng, với việc nêu ra mức thu nhập cao, hứa hẹn những điều kiện làm việc thật hấp dẫn để lôi kéo công nhân ở lại làm việc cho họ. Nhưng thực chất sau này, đơn giá sản phẩm thấp, điều kiện ăn ở, làm việc không thuận lợi như vậy, và nhiều công nhân lại đình công, bỏ việc đi miền Nam trở lại. Điều này cũng làm ảnh hưởng đến tính bền vững về nguồn lao động của cả địa phương lẫn vùng công nghiệp trọng điểm phía Nam”.