12:23 08/11/2008

Đồng loạt nâng giá bán USD

Minh Đức

Thực hiện biên độ mới, các ngân hàng thương mại đồng loạt nâng giá bán ra USD, nhưng không thống nhất như thường thấy

Một số dự báo nhận định tỷ giá USD/VND sẽ tăng cao những ngày đầu thực hiện biên độ mới và sẽ dần ổn định sau đó - Ảnh: AFP.
Một số dự báo nhận định tỷ giá USD/VND sẽ tăng cao những ngày đầu thực hiện biên độ mới và sẽ dần ổn định sau đó - Ảnh: AFP.
Thực hiện biên độ mới, các ngân hàng thương mại đồng loạt nâng giá bán ra USD, nhưng không thống nhất như thường thấy.

Ngày 7/11, biên độ tỷ giá mới của Ngân hàng Nhà nước bắt đầu có hiệu lực, tăng từ +/-2% lên +/-3% theo tỷ giá bình quân liên ngân hàng.

Trong ngày đầu tiên thực hiện biên độ mới, các ngân hàng thương mại đồng loạt đẩy cao giá bán ra USD, nhưng có sự chênh lệch khá lớn giữa các nhóm ngân hàng.

Cụ thể, tại Hội sở chính Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), giá USD mua vào và bán ra là 16.930 VND và 16.950 VND; Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) áp mức 16.935 VND mua vào, bán ra 16.945 VND; Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) mua 16.930 VND, bán 16.948 VND.

Những mức giá trên đều thấp hơn mức giá trần theo biên độ cho phép từ 48 – 50 VND, đúng như khẳng định trước đó của một số lãnh đạo trong khối.

Tuy nhiên, trong ngày 7/11, tỷ giá USD/VND của các ngân hàng thương mại không còn thống nhất như thường thấy trước đây. Tại các ngân hàng cổ phần, hầu hết giá USD bán ra đều tăng kịch trần biên độ cho phép.

Như tại Ngân hàng Ngoài quốc doanh (VPBank), giá bán ra ở mức tối đa theo biên độ với 1 USD = 16.998 VND. Hay tại Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank), Ngân hàng Á châu (ACB), giá bán ra cũng ở mức sát trần 16.996 VND.

Nhưng tại một số ngân hàng cổ phần có thị phần thanh toán quốc tế lớn như Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), giá USD bán ra lại thấp hơn đáng kể so với những ngân hàng cổ phần trên. Cụ thể, tại Eximbank chỉ bán với mức 16.980 VND; còn tại Sacombank giá bán ngang với Vietcombank là 16.950 VND.

Về mức tỷ giá mỗi ngân hàng ấn định, theo tổng giám đốc một ngân hàng thương mại, nhìn vào mức giá bán ra, chênh lệch giữa giá mua vào – bán ra có thể “đoán” được túi tiền ngoại tệ của ngân hàng đó đang ở trạng thái nào; nếu giá bán cao, chênh lệnh giữa giá mua và bán thấp có thể là trạng thái “căng” hơn.

Ngoài mức giá bán đồng loạt tăng, một điểm đáng chú ý trong ngày đầu tiên thực hiện biên độ mới là có yếu tố “níu kéo” từ tỷ giá bình quân liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước công bố. Tỷ giá này trong ngày 7/11 giảm mạnh 8 VND so với ngày 6/11, một mức giảm hiếm thấy trong thời gian qua, xuống còn 16.501 VND. Theo đó, mức bán ra tối đa của các ngân hàng thương mại không thể vươn tới mốc 17.000 VND.

Còn trên thị trường tự do, tại Hà Nội, sáng 7/11 mức giá bán ra phổ biến là 17.150 VND, nhưng cuối chiều cùng ngày đã lên đến 17.300 VND, tăng mạnh ngay trong ngày.

Theo dự báo của lãnh đạo một số ngân hàng lớn, những ngày đầu tiên thực hiện biên độ mới, tỷ giá sẽ tăng cao, nhưng sau đó sẽ dần ổn định. Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết sẵn sàng và đủ sức can thiệp trong những trường hợp cần thiết.